Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Người viết sử bằng âm nhạc

Ngọc Ngà
Chia sẻ
(VOV5) - Có lẽ trong lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam, hiếm có tác phẩm nào có sức sống mãnh liệt như các sáng tác của Phạm Tuyên.
(VOV5) - Có lẽ trong lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam, hiếm có tác phẩm nào có sức sống mãnh liệt như các sáng tác của Phạm Tuyên.

Có một người nhạc sĩ mà sáng tác của ông gắn liền với lịch sử của dân tộc. Có những bài hát của ông được viết ra trong lúc phấn khởi, dạt dào xúc cảm; cũng có bài hát được viết ra như một sự động viên chính mình; nhưng lại có những bài viết ra như dự cảm về một chiến thắng của dân tộc. Đó là Phạm Tuyên, người nhạc sĩ tài hoa được giới chuyên môn ví là người “viết sử bằng âm nhạc”.


Nghe âm thanh tại đây:




Có lẽ trong lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam, hiếm có tác phẩm nào có sức sống mãnh liệt như các sáng tác của Phạm Tuyên. Từ những bài hát nhuốm màu thời gian “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, “Chiếc gậy Trường Sơn” đến nhưng bài hát không tuổi “Như có Bác trong ngày đại thắng”, ca khúc Phạm Tuyên luôn chạm đến trái tim của người yêu nhạc nước nhà. Nhạc sĩ Pham Tuyên thường nói rằng với ông, âm nhạc đến tự nhiên như hơi thở cuộc sống, và mạch nguồn cảm xúc để ông cho ra đời những đứa con tinh thần ấy luôn đến từ những điều giản dị nhất. Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết:Các nhà nhận định nói rằng tôi viết sử bằng âm nhạc, tôi bảo là không bao giờ tôi có ý nghĩ làm việc to tát ấy đâu. Đây chỉ là tình cảm của bản thân mình góp phần như một vũ khí. Vì khi làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam nên theo dõi từng bước quân giải phóng. Như ngày 28/4 nghe tin một phi công ném bom sân bay Tân Sân Nhất, mình nghĩ là nếu Tân Sân Nhất thì ngày mai ngày kia là đến Sài Gòn thôi cho nên tôi đã viết bài “Như có Bác”. Về sau có những bài cũng nhờ những thông tin mình nắm được từ cơ quan truyền thông lớn nhất của đất nước lúc đấy. 


Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Người viết sử bằng âm nhạc - ảnh 1
Chiếc tủ nhỏ nơi cất giữ những tác phẩm để đời của nhạc sỹ. Ảnh: Lan Anh


Nhiều người coi Phạm Tuyên là người viết sử bằng âm nhạc bởi bất cứ một sự kiện lớn nào của đất nước người ta đều thấy bóng dáng trong tác phẩm của ông. Đó là “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” bài hát đầu tiên viết về Hà Nội 12 ngày đêm chiến đấu, được nhạc sĩ Phạm Tuyên viết dưới hầm trú bom của Đài Tiếng nói Việt Nam đêm 27/12/1972 giữa lòng Thủ đô rực lửa. Tác phẩm có đoạn rắn rỏi, kiên định: Bê năm hai tan xác cháy sáng bầu trời/ Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngợi. Đoạn lại hào hùng như tha thiết: Hà Nội đây! Đế quốc Mỹ có nghe chăng câu trả lời của Hà Nội chúng ta? Đâu chỉ vì non nước riêng này. Phất ngọn cờ sao chính nghĩa. Tác phẩm như lời động viên tiếp sức cho chiến sĩ, đồng bào cả nước đứng lên, như lời khẳng định cho chiến thắng. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam chiến đấu trên mặt trận Quảng Trị năm xưa, chia sẻ: Khi bọn tôi ở Quảng Trị nghe bài hát của anh Tuyên vang trên Đài Tiếng nói Việt Nam, anh em lính Quảng Trị đều chảy nước mắt. Đến bây giờ tôi vẫn xúc động. Bài hát cho chúng tôi cảm giác được bù đắp bởi những gì mất mát ở mùa hè Quảng Trị năm 1972 đã được đền đáp. Đế quốc Mỹ đã cúi đầu trước Việt Nam.


Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Người viết sử bằng âm nhạc - ảnh 2
Nhạc sỹ Phạm Tuyên bên bức tranh cổ động giới thiệu về bài hát: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Ảnh: Lan Anh


Có lẽ ít người Việt Nam nào lại không thuộc những lời ca: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng… Việt Nam Hồ Chí Minh! Việt Nam Hồ Chí Minh!”. Bài hát gợi nhớ một chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, được Phạm Tuyên viết đêm 28/4/1975, hai ngày trước khi giải phóng Sài Gòn và được Đài Tiếng nói Việt Nam phát cùng với tin chiến thắng chiều 30/4/1975. Sức sống của bài hát đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam để lan toả ở nhiều nước như: Nga, Đức, Cuba, Trung Quốc… Nhà báo Trần Mai Hạnh, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ:Bài hát đó của anh Phạm Tuyên được dựng đúng lúc đó, nên khi phát bài tường thuật của tôi thì cũng vang lên bài hát đó. Và khi báo Nhân dân in thì bên cạnh bài của tôi là bản nhạc của anh Phạm Tuyên. Khi bài tường thuật được đọc trên Đài tôi đã rơi nước mắt trong biển người sôi động giữa trưa 01/05/1975 – Ngày Quốc tế Lao động đầu tiên của Sài Gòn giải phóng.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Người viết sử bằng âm nhạc - ảnh 3
Nhạc sỹ Phạm Tuyên bên những kỷ vật. Ảnh: Lan Anh


Từ những ca khúc nổi tiếng như “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Tiếng hát những đêm không ngủ”... theo chân chiến sĩ vượt Trường Sơn khói lửa những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đến khi đất nước thanh bình, những bài hát của Pham Tuyên lại thắp lên niềm vui, niềm tin mãnh liệt vào một cuộc sống mới. Đó là không khí bình yên, cuộc sống hạnh phúc trong hòa bình với  “Từ một ngã tư đường phố”, “Thành phố 10 mùa hoa”, “Đảng đã cho ta một mùa xuân”.... Với những lời ca sâu sắc xuất phát tự đáy lòng mình, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã kể lại những cảm xúc, những kỷ niệm khó phai mờ về lịch sử đấu tranh cách mạng với biết bao thế hệ người dân Việt Nam. Âm nhạc đã đi vào máu thịt ông, để rồi bây giờ, nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn luôn trăn trở với đời sống âm nhạc nước nhà: Trong những năm cuối đời tôi luôn luôn muốn động viên lực lượng sáng tác trẻ. Nên hiểu rằng âm nhạc có mấy chức năng cao quý, một là chức năng động viên, giáo dục người ta, hai là chức năng giải trí, thì gần đây trong những năm hòa bình lập lại mình hơi đề cao quá, tập trung quá vào chức năng giải trí, cho nên là nghe âm nhạc hiện nay tôi tin rằng những bài hát đấy chỉ một thời gian người ta quên thôi, nó không gắn bó với đất nước mấy.

Ngày 14/01/2017, tại Hà Nôi đã diễn ra đêm nhạc “Nhớ và quên”. Đêm nhạckhắc hoạ rõ nét nhất tính chất âm nhạc cũng như con người của nhạc sỹ Phạm Tuyên, một người đã đi qua những năm tháng cam go của lịch sử, biết quên đi những nỗi niềm riêng của mình để thể hiện khát vọng nghệ thuật gắn với nhân dân, với đất nước. Đêm nhạc cũng là lời tri ân của nhạc sĩ Phạm Tuyên với những khán thính giả đã đồng hành với âm nhạc của ông hơn nửa thế kỷ qua.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu