Nhà văn Trần Hoài Dương: “Cố gắng mỗi ngày sống tốt hơn một chút“

Việt Anh
Chia sẻ
(VOV5) - "Đến với văn học thiếu nhi như đến với một thứ Đạo...Viết là để đem lại lòng yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ nhỏ" đã là lựa chon của ngòi bút Trần Hoài Dương.

Nghe âm thanh bài viết qua giọng phát thanh viên Hải Yến:

Tọa đàm do Câu lạc bộ người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng phối hợp với Thư viện Hà Nội tổ nhân dịp 20 năm ra đời cuốn sách “Miền xanh thẳm”, đã cho thấy những góc nhìn sâu xa hơn về một nhà văn suốt đời viết cho thiếu nhi.

Nhà văn Trần Hoài Dương: “Cố gắng mỗi ngày sống tốt hơn một chút“ - ảnh 1 Tác phẩm Miền xanh thẳm của nhà văn Trần Hoài Dương - Ảnh: Thúy Diễm.

“Miền xanh thẳm” là truyện dài nổi tiếng nhất của nhà văn Trần Hoài Dương (1943-2011). Năm 2000, “Miền xanh thẳm” được ấn hành lần đầu tiên, và được trao giải nhất trong cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng năm 2001. Từ bấy đến nay “Miền xanh thẳm” đã được in hàng vạn bản sách.

Nhà văn Trần Tuyết Minh, người biên tập Miền xanh thẳm xúc động nhớ lại, bà vẫn coi việc được biên tập Miền xanh thẳm là một may mắn nghề nghiệp, vì nhà văn Trần Hoài Dương vốn là một người biên tập văn chương kỹ nghề của báo Văn nghệ cũng như khi làm Trưởng ban Văn học của NXB Măng Non (nay là NXB Trẻ): "Tôi vẫn còn nhớ cảm xúc đầu tiên của mình khi đọc bản thảo. Biết nhau từ lâu và cũng thân thiết từ khi ông làm báo Văn Nghệ và in rất nhiều sách ở Nhà xuất bản Kim Đồng, nhưng đến khi đọc Miền xanh thẳm thì chúng tôi mới như được biết thêm một chiều rất sâu trong tâm hồn của nhà văn Trần Hoài Dương. Trước đây ông viết về hoa lá cỏ cây, và sau này khi vào Sài Gòn cũng đã có những tác phẩm viết cho tuổi thiếu niên, tuổi mới lớn như Nắng Phương Nam, Nhớ về một mùa hoa thạch thảo...

Nhà văn Trần Hoài Dương là người giữ được tâm hồn trong sáng rất lâu, thành ra khi ông viết cho các em thì hầu như đều là những chuyện rất đời của thiếu nhi. Nhưng đến khi đọc Miền xanh thẳm, có một cái gì vô cùng truyền cảm, như chúng tôi được tình cờ bước vào đời sống nội tâm rất sâu  khuất của ông. Rất nhiều chuyện mà sau này khi đọc bản thảo mình mới được biết. Và gần như nó bổ sung thêm cho tôi những điều đã được cảm nhận ở nhà văn Trần Hoài Dương". - Bà Tuyết Minh nói.

Nhà văn Lê Phương Liên gọi ngòi bút của Trần Hoài Dương là ngòi bút hướng theo “thế giới diệu kỳ của trí tưởng tượng”. Từ tác phẩm đầu tay “Em bé và bông hồng” xuất bản năm 1963 đến lúc rời khỏi dương gian, nhà văn Trần Hoài Dương chỉ chuyên tâm viết cho thiếu nhi.

Ngoài “Miền xanh thẳm”, ông còn có những cuốn sách khác rất được yêu thích như “Cuộc phiêu lưu của những con chữ”, “Nàng công chúa biển”, “Bên ngoài mái trường”…cũng như tham gia viết truyện tranh, kịch bản phim hoạt hình, kịch bản múa rối...

Nhà thơ Phạm Đình Ân, một trong những người bạn thân thiết của nhà văn Trần Hoài Dương nhớ lại: “Nhà văn Trần Hoài Dương đã để lại cho tôi và bạn bè.một ấn tượng rất sâu sắc, rất tốt đẹp, rất riêng, khó lẫn với người khác. Anh Dương bên ngoài rất hiền lành, khiêm nhu và lúc nào cũng rất nhẹ nhàng, nhưng thực ra đó là một con người nhân cách nhiều vẻ, đa dạng. Bên ngoài thì rất hiền lành, khiêm nhu, có lòng giao cảm, có sự thương yêu, có sự san sẻ với rất nhiều người và ai gặp cũng rất quý mến, gây ấn tượng cho rất nhiều người. Nhưng trong đời riêng, trong công việc thì anh rất nghiêm túc với chính mình và rất nghiêm khắc với đồng nghiệp về mặt nghề nghiệp. Những cuốn sách, những tác phẩm viết chưa đến nơi đến chốn ...anh  cho rằng không thích hợp thì anh rất khắt khe và nói rất thẳng thắn.”

Biên tập viên Trần Tuyết Minh nhớ lại: "Bởi vì người ta vẫn mặc định Trần Hoài Dương là rất ngơ ngác, nhìn cuộc đời rất trong sáng, dễ bị lừa, dễ nhìn mọi việc sáng sủa quá nên không biết đề phòng cái xấu, nên dẫn đến thiệt thòi . Nhưng khi nói chuyện giữa anh em bạn bè bao giờ bác cũng nói, anh biết tất cả những cái xấu ở đời chứ, nhưng anh thực sự cố gắng mỗi ngày sống tốt hơn một chút, để cho cuộc đời tốt đẹp hơn."

Nhà văn Trần Hoài Dương: “Cố gắng mỗi ngày sống tốt hơn một chút“ - ảnh 2Thành viên Câu lạc bộ đọc sách cùng con của tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh hướng dẫn các em nhỏ tương tác  với truyện của Trần Hoài Dương - Ảnh: CLB Đọc sách cùng con.

Chia sẻ về những buổi đọc sách của nhà văn Trần Hoài Dương trong Câu lạc bộ đọc sách cùng con, về sự yêu thích của những em thiếu nhi trong câu lạc bộ đối với tác phẩm của ông, nhà thơ Nguyễn Thụy Anh, chủ nhiệm CLB đọc sách cùng con bày tỏ niềm vui khi có một cuộc tọa đàm về nhà văn của thiếu nhi này, cũng như đồng cảm với chia sẻ của bà Trần Tuyết Minh: “Buổi tọa đàm sau 20 năm ra mắt cuốn sách về Miền xanh thằm để cho chúng tôi có thể được trở về miền xanh thẳm của nhà văn Trần Hoài Dương, đồng thời cũng là trở về miền xanh thẳm của mỗi chúng ta. Bởi vì khi đọc Trần Hoài Dương tôi cũng có một  cảm giác là tôi , chúng ta đang đến được với cái góc trong lành của chính bản thân mình, cái góc đó đôi khi cũng có lúc bị lu mờ đi trong cuộc đời này. Và chính điều mong muốn trở nên tốt hơn ấy của ông, các em nhỏ và bạn đọc nói chung cũng sẽ nhận được khi đọc tác phẩm của nhà văn  Trần Hoài Dương."

TS Nguyễn Thị Thanh Bình (khoa ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1), một người bạn tâm giao của nhà văn Trần Hoài Dương chia sẻ về một cách đọc, cách hiểu, cách cảm tác phẩm của ông. TS Nguyễn Thị Thanh Bình cho rằng, Trần Hoài Dương thật xứng đáng với danh xưng một nhà văn của thiếu nhi, bởi dù cuộc đời nhà văn từng trải qua rất nhiều nỗi đau, nhưng ông vẫn luôn giữ một tâm hồn thánh thiện, và khi sáng tác, ông không nhắc tới những nỗi đau, những khoảng tối, những cái xấu, mà chỉ muốn mang những gì đẹp đẽ đến cho tuổi thơ: "Anh muốn khỏa lấp đi nỗi đau của tuổi thơ, không muốn chúng phải nhìn thấy khổ đau, sự nghèo, sự thua thiệt trong tình cảm. Cho nên anh viết và anh rất tự hào được công nhận là nhà văn Việt Nam đầu tiên chuyên viết cho thiếu nhi."

Nhà văn Trần Hoài Dương: “Cố gắng mỗi ngày sống tốt hơn một chút“ - ảnh 3 Nhà văn Trần Hoài Dương thuở sinh thời - Ảnh: Báo Dân Việt.

Nhà văn Trần Hoài Dương tên thật là Trần Bắc Quỳ, quê quán ở Hải Dương. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông từng nhiều năm công tác tại Tạp chí Học Tập (tiền thân của Tạp chí Cộng Sản) rồi làm Trưởng ban Văn xuôi của Báo Văn Nghệ.  Chuyển vào TPHCM sinh sống, nhà văn Trần Hoài Dương cũng là người có công xây dựng Nhà xuất bản Măng Non (tiền thân của Nhà xuất bản Trẻ).

Cả đời cầm bút của ông viết cho thiếu nhi, nhưng như nhận xét của nhiều nhà văn đọc tác phẩm của ông, thì Trần Hoài Dương có ý thức viết cả cho người lớn đọc, viết cho phần đẹp đẽ của tuổi thơ ngây trong mỗi con người.  

Nhà văn Triệu Xuân trong Lời người biên soạn Tập ‘Trần Hoài Dương - Truyện chọn lọc’ - tuyển chọn 63 truyện ngắn và 1 truyện dài (NXB Văn Học, in năm 2006)  đã viết: “Người ta bảo Văn là người, với Trần Hoài Dương, câu này chính xác! Trần Hoài Dương là con người hiền hậu, ăn nói nhỏ nhẹ, khiêm nhường, luôn yêu thương nâng niu những vẻ đẹp của con người, luôn cảm nhận cuộc sống một cách trân trọng và sâu sắc. Tôi biết Trần Hoài Dương từ cuối thập kỷ Chín mươi của thế kỷ XX. Văn của anh, thật đúng như con người anh, nhẹ nhàng, giản dị mà đằm thắm, tha thiết. Quê anh cùng tỉnh Hải Dương với tôi, nơi có những mùa mưa dầm. Trời tuôn rất ít nước mà sao nước thấm rất sâu trong lòng đất. Mưa dầm thấm lâu, văn của Hoài Dương cũng là một thứ mưa dầm!”

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu