Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: còn đâu đó một tiểu thuyết thất lạc...

P.Hà
Chia sẻ
(VOV5) -  Nhà văn Hoàng Quốc Hải nhận xét, như những nhà văn chân chính, tất cả những khó khăn trong cuộc sống là trải nghiệm cho đời văn Nguyễn Xuân Khánh.

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:

Nguyễn Xuân Khánh là một tên tuổi lớn trong văn chương hiện đại Việt Nam. Sau những thăng trầm cả nghiệp văn lẫn cuộc đời, tác phẩm của ông sau này đến với bạn đọc bởi sự chăm chút của NXB Phụ nữ - những tác phẩm càng về sau càng có sức nặng thu hút đông đảo người yêu văn chương.

Dường như có cơ duyên giữa nhà văn và Nhà xuất bản, để có một cơ hội đẹp đẽ, khi vừa mới 100 ngày ông xa rời dương thế, hai tác phẩm đáng kể về Nguyễn Xuân Khánh và của Nguyễn Xuân Khánh được ra mắt: là tập di cảo Tiếng cười trong văn; và những góc chân dung Nguyễn Xuân Khánh trong hồi ức của bạn bè, đồng nghiệp ghi lại ở “Một nụ cười mỉm, một nghiệp văn xuôi”.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: còn đâu đó một tiểu thuyết thất lạc... - ảnh 1Toàn tập Nguyễn Xuân Khánh

NXB Phụ nữ là bà đỡ cho đa số các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh khi ông trở lại với văn chương, với tiểu thuyết Hồ Quý Ly làm nên hiện tượng xuất bản, được tái bản nhiều lần, rồi đến tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa…

Tại buổi ra mắt bằng hình thức trực tuyến sáng 9/10, Giám đốc NXB Phụ Nữ, chị Khúc Thị Hoa Phượng kể lại những câu chuyện nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã chia sẻ cùng các biên tập viên của NXB: "Ông viết, khi bố ông mất vì một trận dịch tả, ông mới 6 tuổi, lúc ấy bà mẹ chịu rất nhiều áp lực trước gia đình nhà chồng, bởi vì bà cũng chỉ là vợ lẽ. Chồng mất, rất nhiều dư luận nhà chồng muốn bắt lại cậu con trai, người mẹ trẻ đã quyết định một mình đưa con lên Kẻ Chợ. Hình ảnh mà tôi nghĩ rằng tất cả bạn đọc đều xúc động là người mẹ xõa tóc và múa dao trước mâm cúng đặt trên bể nước.

Nguyễn Xuân Khánh kể chuyện đấy, sau đó ông có chốt lại một ý: đời tôi lắm lúc chua cay thất bại và cũng đến tột cùng của khổ đau, nhưng cứ nghĩ đến hình ảnh của mẹ như vậy, tôi lại có sức mạnh để chống chọi, tồn tại giữa cuộc đời này.

Đấy không chỉ là câu chuyện của riêng nhà văn Nguyễn Xuân Khánh mà nó còn là câu chuyện về niềm tin và tình yêu của người con đối với mẹ và sức mạnh muôn đời không thể giải thích được của người mẹ truyền cho người con."

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: còn đâu đó một tiểu thuyết thất lạc... - ảnh 2

Và bởi thế, hình tượng những người mẹ đã đi vào trong văn chương Nguyễn Xuân Khánh đầy sức sống: "Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh thường hay kể chuyện: Mỗi người viết cần có một sân sau, như chú thì có rất nhiều những câu chuyện ở chính gia đình mình, ở chính ngôi làng Cổ Nhuế của mình. Nó gần như là chất liệu để chú quan sát và ngẫm ngợi để xây dựng hình ảnh nhân vật trong tác phẩm. Nếu chúng ta đọc những tác phẩm bộ ba như Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa, thì chúng ta cũng thấy những người nữ ở đây đều có phẩm tính gần như là một sức mạnh bền bỉ ,dẻo dai, từ vợ của Hồ Quý Ly - một bà công chúa, cho đến trong Mẫu thượng ngàn rất nhiều những nhân vật là những người phụ nữ nông dân. Đấy là cái phẩm tính rất đặc biệt trong văn chương Nguyễn Xuân Khánh.

Trong cuốn Một nụ cười mỉm nghiệp văn xuôi, nếu mọi người đọc kỹ thì cũng sẽ thấy các nhà nghiên cứu phân tích rất sâu rồi, tôi chỉ xin chia sẻ một kỷ niệm là nhà văn Nguyễn Xuân Khánh luôn nói rằng là ông ảnh hưởng rất nhiều từ những người mẹ người bà người chị, người em ở quanh mình." - Giám đốc NXB Phụ nữ chia sẻ.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: còn đâu đó một tiểu thuyết thất lạc... - ảnh 3

Được coi như cùng thế hệ văn chương, nhà văn Hoàng Quốc Hải cho biết, về tuổi đời cũng như vào đời văn, Nguyễn Xuân Khánh với ông là bậc đàn anh, một tên tuổi lớn. Được chứng kiến nhiều bước thăng trầm của đàn anh, nhà văn Hoàng Quốc Hải nhận xét, như những nhà văn chân chính, tất cả những khó khăn trong cuộc sống là trải nghiệm cho đời văn Nguyễn Xuân Khánh.

"Đọc tất cả những tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh, sẽ thấy ông không đem những nỗi dằn vặt, uất ức, hận thù vào trong tác phẩm. Xem lại những gì ông viết trong tác phẩm  khiến cho người đọc đôi khi cảm thấy ân hận, đôi khi cảm thấy xúc động. đôi khi cảm thấy nghẹn ngào, đôi khi cảm thấy xấu hổ, nhục nhã, đôi khi cảm thấy hạnh phúc..
Tức là từng cung bậc một của từng loại người trong xã hội, ông lật lên mọi trách nhiệm của con người, về mặt công dân, về mặt đạo đức... nói như các nhà phê bình bây giờ là ông đã tìm được diễn ngôn đa thanh cho mọi sinh vật, ông đều nói được hết. Nhưng cái cung bậc quan trọng nhất là lòng nhân ái, cao thượng dành lại cho mỗi con người. Sau khi đọc xong tác phẩm ta thấy tâm hồn ta như được gột rửa,và những gì bé mọn của cuộc đời ta sẵn sàng bỏ lại hư không.
Những nhà văn lớn là làm sao cũng làm độc giả lớn lên khi đọc tác phẩm. Đó là sự phân biệt giữa một nhà văn lớn và nhà văn bình thường. Vì trong tác phẩm có tư tưởng, trong tư tưởng có lòng nhân ái, sự bao dung. Cho nên đối với nhà văn lớn không gì cản trở được ngòi bút của họ." - Nhà văn Hoàng Quốc Hải nói.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: còn đâu đó một tiểu thuyết thất lạc... - ảnh 4Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (thứ hai từ trái qua) tại buổi giới thiệu sách Chuyện ngõ nghèo năm 2017 - Ảnh: P.Hà

Tiến sĩ Đoàn Ánh Dương, Viện Văn học Việt Nam, là chủ biên của cuốn sách chân dung Nguyễn Xuân Khánh “Một nụ cười mỉm, một nghiệp văn xuôi”. Anh cho biết, ngoài việc quan tâm đến đường đời đường văn của Nguyễn Xuân Khánh như một bạn đọc, một người nghiên cứu, anh cũng có một số cơ hội được tiếp chuyện, chia sẻ với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh về quan niệm văn chương của ông, về chuyện bếp núc trong văn chương của ông.

"Điều đó xuất phát từ một bài tôi viết về Mẫu thượng ngàn của ông, nhìn từ góc độ lý thuyết Hậu thực dân, thời mà tôi nghĩ có thể đọc tác phẩm lớn của Nguyễn Xuân Khánh từ những lý thuyết phương Tây. Bác Khánh đã đọc bài viết. Và bác nói với tôi rằng khi đọc hướng tiếp cận như thế bác thấy nó rất phù hợp với tác phẩm của bác. Nhưng khi viết thì bác hoàn toàn không có hình dung nào, trong đầu cũng không có quan niệm nào nảy ra về lý thuyết hậu thực dân cả. Bác chỉ quan tâm đến một vấn đề mà trong các sáng tác của mình bác để ý, đó là sự chuyển giao văn hóa. Sự chuyển giao văn hóa này là vấn đề mà sẽ được nhà văn Nguyễn Xuân Khánh theo đuổi trong tất cả những tác phẩm ông viết từ những năm 2000." - Tiến sĩ Đoàn Ánh Dương nói.

Nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Quốc Vương từ công việc khuyến đọc, phổ biến, phát hành, kinh doanh sách của mình mà anh có nhiều chi tiết phát hiện thú vị về bạn đọc của Nguyễn Xuân Khánh: "Có những độc giả rất bất ngờ đọc tác phẩm của bác Khánh. Tôi bán được sách của bác Khánh cho rất nhiều nhà tu hành. Trong đó có một nhà sư trụ trì ở Bắc Bộ mua sách của tôi, nhưng tôi lỡ quên không gửi cho cụ và cụ có nhắn cho tôi là: Anh bán sách ơi, chả nhẽ lại từ chối bán sách của bác Khánh cho nhà chùa sao? Tôi nhớ mãi lời nhắn đó..." 

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: còn đâu đó một tiểu thuyết thất lạc... - ảnh 5

Chị Khúc Thị Hoa Phượng cho biết, cuốn “Tiếng người trong văn” (tập hợp những bài viết của Nguyễn Xuân Khánh về các bạn văn của mình) được nhà văn làm khi NXB đặt hàng từ trước đó nhiều năm. Nhưng cứ giục in là ông lại lơ đi, có vẻ như tác giả không muốn ra mắt cuốn sách khi ông còn sống, hoặc giả ông vẫn đang viết. Tập di cảo được gia đình tìm thấy, tập hợp khi Nguyễn Xuân Khánh qua đời.

Anh Nguyễn Tâm Tư, con trai thứ hai nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chia sẻ, toàn bộ tư liệu của nhà văn đã được chuyển về nhà anh, và gia đình vẫn đang tìm tòi để có thể đưa tới bạn đọc: "Theo tôi được biết thì ông hình như còn cuốn tiểu thuyết nữa nhưng mà hiện tại đang thất lạc, không biết ai giữ. Nó là cuốn Trôi sông. ông đã viết từ những năm trước rồi. Bởi vì anh em chúng tôi không ai theo nghiệp của ông cả nên chúng tôi cũng không có cách nào để tìm lại bàn thảo của cuốn đấy. Bởi vì bản thảo cuốn đấy rất ít, theo như tôi nhớ được chỉ có 2 bản thôi, nhưng hiện tại gia đình không còn bản nào nữa."

Nếu đọc Một nụ cười mỉm, một nghiệp văn xuôi, “bạn đọc có thể tìm thấy được toàn bộ thông tin về con người và sự nghiệp của ông, một cuộc đời đầy những thăng trầm và một sự nghiệp đồ sộ tuy đầy chông gai, qua các cây bút hoặc là những văn nghệ sĩ tâm giao với Nguyễn Xuân Khánh như Châu Diên (Phạm Toàn), hay các nhà văn nhà nghiên cứu tên tuổi như Hoàng Quốc Hải, Hồ Anh Thái, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Đăng Điệp, Mai Anh Tuấn…vv và vv…”, thì với “Tiếng người trong văn”, qua góc nhìn của Nguyễn Xuân Khánh - một trong những trí thức Hà Nội có cuộc đời và sự nghiệp hiếm có, người đọc có thể hiểu sâu sắc thêm về văn hóa Hà Nội đương đại.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu