Nhà hát Kịch Việt Nam phát huy truyền thống, không ngừng sáng tạo và vươn lên

Chia sẻ
(VOV5) - Được thành lập vào tháng 12/1952, trong suốt 70 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay, Nhà hát Kịch Việt Nam  tự hào là “Anh cả đỏ” của nền nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nhìn lại chặng đường 70 năm, các thế hệ nghệ sỹ của nhà hát kịch Việt Nam luôn thấy rõ trách nhiệm đối với những thành tựu gây dựng cũng như tiếp tục phát huy, không ngừng sáng tạo để tiếp tục đóng góp vào sự phát triển sân khấu nói riêng, nghệ thuật nói chung của nước nhà.
Nhà hát Kịch Việt Nam phát huy truyền thống, không ngừng sáng tạo và vươn lên - ảnh 1Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Nhà hát kịch Việt Nam. Ảnh: VOV

Trong suốt chiều dài 70 năm xây dựng và phát triển, Nhà hát Kịch Việt Nam đã dàn dựng và biểu diễn thành công hàng trăm vở diễn, trong đó có những vở diễn như “Lu - Ba”, “Khúc thứ ba bi tráng”, “Bài ca Điện Biên”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”, “Đại đội trưởng của tôi” … Đây là những vở diễn tiêu biểu, được khán giả trong nước cũng như công chúng nước ngoài đón nhận và yêu thích, đồng thời đã gây được tiếng vang lớn trong những kỳ Liên hoan Sân khấu Quốc tế.

Chia sẻ về hành trình phát triển của nhà hát kịch Việt Nam, NSND Việt Thắng cho biết: "Giai đoạn đầu của sân khấu, thời điểm đó, đời sống văn hóa của xã hội nói chung và sân khấu Việt Nam nói riêng là một thời kỳ hoàng kim rực rỡ. Hầu như một năm diễn rất nhiều đêm. Sau này, khi kinh tế thị trường phát triển, nhiều loại hình nghệ thuật ra đời, có nhiều loại hình giải trí khác trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thì sân khấu cũng có những lúc gặp khó khăn. Tuy nhiên, Nhà hát kịch Việt Nam đã biết cách khắc phục và vượt qua, có những giai đoạn sân khấu liên tục sáng đèn, rồi đi diễn khắp các tỉnh thành trong cả nước."

Kể từ tháng 3 đến tháng 11/2022, Nhà hát Kịch Việt Nam đã tổ chức gần 150 buổi diễn phục vụ khán giả Hà Nội và các tỉnh, thành phố, thu hút 50.000 lượt khán giả đến xem. NSƯT, đạo diễn Tạ Tuấn Minh cho biết, nhà hát đã linh hoạt trong việc thực hiện các hình thức trình diễn để có kết quả này: "Khó khăn do COVID-19 là khó khăn chung và nghệ thuật cũng ở trong sự khó khăn chung ấy. Để tồn tại được thì đó là cả một quá trình. Trong thời gian đó, chúng tôi có rất nhiều hoạt động, những chương trình biểu diễn online mang đến cho khán giả những chương trình nghệ thuật ấn tượng. Sau khi dịch bệnh tạm lắng, Nhà hát kịch Việt Nam luôn đỏ đèn và có những vở diễn kéo khán giả đến rạp rất đông."

Nhà hát Kịch Việt Nam phát huy truyền thống, không ngừng sáng tạo và vươn lên - ảnh 2Một cảnh trong vở diễn “Đêm trắng”. Ảnh: nhahatkichvietnam.vn

Năm nay, kỷ niệm 70 năm thành lập, Nhà hát Kịch Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động, nổi bật là tổ chức 10 buổi diễn phục vụ khán giả gồm các vở như: "Đêm trắng" ; vở diễn "Kiều"; vở "Bệnh sĩ",vở "Bão tố Trường Sơn; vở "Điều còn lại"; “Người tốt nhà số 5”.. Các vở kịch được trình diễn trong dịp này đề cập đến nhiều đề tài khác nhau từ lịch sử, chiến tranh cách mạng cho tới khai thác những vấn đề nóng hổi tính thời sự trong cuộc sống đương đại...

Trình diễn từ ngày 8/12, các buổi công diễn tại nhà hát kịch Việt Nam luôn chật kín chỗ ngồi và nhận được sự yêu thích, hương ứng nhiệt tình của khán giả thủ đô. Tiếng cười, sự bất ngờ, ngay cả những giọt nước mắt xúc động…của khán giả là minh chứng cho sự thành công của các vở diễn: "Tôi rất ít khi xem kịch nhưng hôm nay trực tiếp xem vở “Người tốt nhà số 5”, rất ấn tượng với cách bố trí cánh cửa giăng chằng chịt hay ban công di động của đạo diễn, mỗi chi tiết dàn dựng trên sân khấu đều có ẩn ý và mang đến những chân lý rất đời." "Đã lâu rồi tôi mới đi xem kịch của nhà hát, cảm xúc vẫn như vậy, thực sự quá xúc động, tôi không bỏ lỡ một phút nào của vở diễn. Vở “Bệnh sỹ” vẫn vậy, dù xem bao nhiêu lần thì vẫn mang đến rất nhiều suy ngẫm về cuộc sống."

Giữ vững định hướng nghệ thuật của Nhà hát kịch Việt Nam là xây dựng những tác phẩm chính luận, đi sâu vào những vấn đề nóng của đất nước, đề cập đến những góc khuất của đời sống con người trong cuộc sống hiện đại, các vở diễn của nhà hát kịch Việt Nam vừa mang đến tiếng cười cho khán giả vừa đan cài những câu hỏi khiến người xem phải suy ngẫm, nhận ra các giá trị nhân văn đích thực.
Thành công từ các vở diễn và sự nỗ lực, không ngừng sáng tạo, vươn lên của các thế hệ nghệ sỹ đã từng bước khẳng định thương hiệu của nhà hát kịch Việt Nam, là “Anh cả đỏ” của nền nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu