Nhà biên kịch điện ảnh Hoàng Tích Chỉ

Lan Anh
Chia sẻ
(VOV5)- Ông là nhà biên kịch điện ảnh đầu tiên của Việt Nam vừa được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh. Những tác phẩm điện ảnh của ông ra đời cách đây hơn 40 năm nhưng vẫn mãi lay động trái tim bao thế hệ. 

(VOV5)- Ông là nhà biên kịch điện ảnh đầu tiên của Việt Nam vừa được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh. Những tác phẩm điện ảnh ra đời từ kịch bản của ông ra đời cách đây hơn 40 năm nhưng vẫn mãi lay động trái tim bao thế hệ, như  Trên vĩ tuyến 17, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Thành phố lúc rạng đông... Những bộ phim từng ghi dấu vàng son trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.

Trải qua mấy cơn tai biến nhưng nhà biên kịch điện ảnh Hoàng Tích Chỉ vẫn còn rất minh mẫn. Cách nói chuyện nhẹ nhàng, khiêm tốn  của ông vẫn khiến người đối diện cảm nhận được niềm đam mê vô bờ bến của ông đối với môn nghệ thuật thứ 7 này. Dù đã ở tuổi gần “Bát thập” nhưng ký ức về những năm tháng cống hiến cho điện ảnh trong ông vẫn sống động như mới ngày hôm qua. Ông bảo cái duyên của ông đến với điện ảnh cũng hết sức tình cờ. Tình cờ đi học rồi tình cờ được chạm tay vào những sự kiện nóng bỏng của đất nước, ông thấy mình may mắn. "Tôi là học viên lớp biên kịch khóa 1 nhưng thực sự không có thầy, mình chỉ xem phim. Chỉ có thầy dạy về văn hóa vậy mà bắt ngay vào nghề khó, tốn kém. Đó là nghề khó. Bây giờ tôi có tuổi rồi ngẫm lại mới thấy may mắn. Mình cứ gặp những cơn bão không thể ra khỏi được, mà phải hoàn thành. So với lớp biên kịch ngày nay thì thấy mình sung sướng vì được cùng với quân đội, với nhân dân, không biết bao thế kỷ mới có lịch sử oai hùng như vậy."

Ông bảo, đến với điện ảnh và mọi thành công với nghề đều có cơ duyên của nó. Ông Hạnh phúc khi làm đúng nghề khi đất nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hơn nữa ông lại được cộng tác cùng nhà đạo diễn tài năng Nguyễn Hải Ninh. Ông may mắn được sống trong giai đoạn đó và có cơ hội  dấn thân vào chảo lửa Vĩnh Linh đúng thời kỳ đánh phá ác liệt của không quân Mỹ, rồi ở lại Hà Nội chứng kiến những trận bom rải thảm B52 của Mỹ vào năm 1972 để rồi những tác phẩm kinh điển đã ra đời: Vỹ tuyến 17 Ngày và Đêm (với cái tên khởi thủy là Bão tuyến), Em bé Hà Nội, Thành phố lúc rạng đông, Biển gọi, Mối tình đầu… Giọng nói chậm rãi, nhà biên kịch điện ảnh  Hoàng Tích Chỉ kể về quãng thời gian viết kịch bản tác phẩm đầu tiên Trên vĩ tuyến 17. Tác phẩm này đã đạt giải Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất vào năm 1970. "Năm 1963, tôi vào cửa Tùng-Vĩnh Linh viết kịch bản đầu tiên: Trên vĩ tuyến 17. Vào đó 1 tuần lễ là tôi viết xong và đọc cho 10 đồn giới tuyến. Đó là buổi duyệt phim trân trọng nhất trong cuộc đời cầm bút của tôi sau này. Tư lệnh giao nhiệm vụ khai thác 10 đồn giới tuyến. Có chính trị viên, đồn trưởng và anh em nhận giấy ghi chép và nghe đọc kịch bản. Đó là những chuyện anh em kể cho nghe mà có nhiều người cảm động chính câu chuyện của mình. Câu chuyện đó được duyệt ngay."

Nhà biên kịch điện ảnh Hoàng Tích Chỉ - ảnh 1

Thêm một chuyến đi ám ảnh vào khói lửa miền Trung. Ngày ngủ, đêm đi, đoàn làm phim của ông vào đến làng Nhơn Trạch, Quảng Bình. Bàng hoàng  chứng kiến cảnh cả làng quấn khăn tang sau trận địch ném bom thảm sát xuống dọc bờ biển. Nhưng trên tất cả, ông vô cùng cảm phục khi nhìn thấy những người sống tiếp tục sát cánh bên nhau quật cường chống lại kẻ thù. Cảm xúc trào dâng, Hoàng Tích Chỉ bắt tay viết “Biển gọi”. Sức lôi cuốn của người con gái miền Trung lại khơi nguồn mãnh liệt để ông viết bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Bộ phim đã lay động trái tim người xem trong và ngoài nước, giành giải Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam, giải thưởng của Hội đồng hòa bình thế giới, giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất dành cho Trà Giang (đóng nhân vật Dịu) trong Liên hoan phim quốc tế Matxcơva. Nhưng có lẽ ám ảnh ông nhất đó là tác phẩm điện ảnh "Em bé Hà Nội": "
Chúng tôi đứng nhìn thành phố, phố Bạch Mai, Khâm Thiên bới tường tìm xác chết, thủ tướng Phạm Văn Đồng lấy khăn lau nước mắt. Tôi và anh Hải Ninh ...bàn nhau làm phim. Anh Hải Ninh đọc báo thấy có chị công nhân nhà máy in vào vườn trẻ cứu con thì không cứu được, con mình đã qua đời. Tôi gặp nữ diễn viên Tuệ Minh kể chuyện có cô cháu gái 10 tuổi cầm cây đàn vilong, đi bộ từ Yên Viên về Hà Nội tìm mẹ. Trên các tầng cao anh em lên quay phim B52 cháy, ở dưới tôi ngồi viết kịch bản và nhìn lên trời thấy ánh đèn nhấp nháy xanh của B52 xanh, dội bom".

Thông qua câu chuyện một em bé Hà Nội để phản ánh trận “Điện Biên Phủ trên không” quả là cách tiếp cận đề tài độc đáo và cảm động của các tác giả. Em bé Hà Nội không chỉ giành Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam mà còn gây sự chú ý đặc biệt của khán giả nước ngoài. Tại LHP quốc tế ở CHDC Đức (cũ), phim được trao Giải thưởng đặc biệt. Khi nhắc đến quãng thời gian ông viết tác phẩm này, vợ ông bà Nguyễn Thị Thoa kể lại: ông viết mà không biết đến thời gian bên ngoài như thế nào. Ông viết liền một mạch 3 ngày 3 đêm. "Ông  viết quên ăn, quên ngủ. Không bao giờ gắt gỏng, cãi nhau, to tiếng. Tôi nói với con dâu là lấy chồng nghệ sĩ thì phải biết hy sinh cá nhân để lo cho con cái, lo cho gia đình. Có những lúc tôi cảm động về ông, ông làm không ăn, không ngủ."

Trải qua gần nửa thế kỷ cùng phim trường với bao thành công đáng mơ ước, nhưng nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ vẫn khiêm tốn tự nhận mình là người may mắn khi bước chân vào nghề là được bắt ngay vào giai đoạn đầy biến động của lịch sử, rồi lại được sống ở tâm “bão” của thời đại nên mới có cơ hội chạm đến những vấn đề độc đáo, có tính dân tộc như vậy. Nhưng đồng nghiệp và công chúng yêu nghệ thuật hiểu rằng, nếu thiếu sự nhạy cảm, tinh tế thiên bẩm và tài năng đích thực của người cầm bút, sẽ không có được những tác phẩm giá trị đến thế – những tác phẩm sống mãi với thời gian./.


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu