Nguyễn Duy Mạnh sáng tạo từ chất liệu nông cụ cũ

Nguyễn Vũ Hà
Chia sẻ
(VOV5)- Đối với các họa sỹ, chất liệu để sáng tạo nên tác phẩm là vô biên. Họ luôn mong muốn tìm tòi, thử nghiệm những chất liệu không chỉ mới lạ mà còn bao hàm cả nội dung. Nguyễn Duy Mạnh là một trong những họa sỹ như thế.
(VOV5)- Đối với các họa sỹ, chất liệu để sáng tạo nên tác phẩm là vô biên. Họ luôn mong muốn tìm tòi, thử nghiệm những chất liệu không chỉ mới lạ mà còn bao hàm cả nội dung. Nguyễn Duy Mạnh là một trong những họa sỹ như thế. 

 

Trong các sắp đặt của họa sỹ Nguyễn Duy Mạnh thường có các nông cụ như: cày, bừa, cuốc, xẻng, liềm, hái, bồ cào; các mảnh vỡ của bát đĩa, cốc chén, chum lọ; rồi những đồ vật thường dùng như: bàn ghế, khóa cũ, gương lược, chăn màn, khăn gối vv…và thường thì chúng bị buộc chặt thành từng cục, đặt hoặc treo lơ lửng bằng các sợi vải tổng hợp nhiều màu sắc tùy theo ý đồ của tác giả. Có tác phẩm trông như thể những khối nội tạng chứa đựng trong đó những mảnh vỡ của bát đĩa, cốc chén…Chúng bị bó thít lại, trói trong tơ nhện như muốn nói về sự khó khăn, bức bối cùng những trăn trở, nghĩ suy của con người mà không được giải phóng năng lượng nội tại và bị ràng buộc trong khuôn khổ.

 

Nguyễn Duy Mạnh sáng tạo từ chất liệu nông cụ cũ - ảnh 1
"Ghế" - Tác phẩm của Nguyễn Duy Mạnh

Nguyễn Duy Mạnh sử dụng ngôn ngữ của hội họa để bày tỏ tình yêu của mình đối với cảnh vật, làng quê - nơi anh sinh ra, lớn lên và gắn bó. Anh sinh ra trong một gia đình thuần nông. Chính vì thế những nông cụ như cái cày, cái bừa đã gắn bó với anh suốt thời thơ ấu. Thế rồi, làng quê của Nguyễn Duy Mạnh bị đô thị hóa, người nông dân không còn mặn mà với nghề nông. Thanh niên trai tráng bỏ quê lên thành phố. Làng chỉ còn lại người già và trẻ em. Vì không làm nông nên họ quăng quật vứt bỏ cái cày, cài bừa vào các đống phế liệu. Chính những thứ vứt đi ấy đã khởi nguồn cho những sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sỹ trẻ: “Tôi quan niệm các đồ dùng đã qua sử dụng có một đời sống riêng. Tức khi nhìn vào các đồ vật ấy, chúng ta sẽ có cảm nghĩ khác về đời sống xoay quanh cái đồ vật ấy: những người sử dụng nó, thời kỳ mà nó tồn tại hoặc tại sao nó lại có hình dạng như thế này. Nếu như đồ vật ấy nó bị giập vỡ, đứt gãy hoặc bị vứt la liệt ở đâu đó thì nó cũng phản ánh một giai đoạn nào đó, một không gian nào đó mà nó tồn tại đã diễn ra những cái gì…”


Vậy là tác phẩm “Ký ức không nguyên vẹn” ra đời. Ở đó Duy Mạnh sắp đặt những cụm nho nhỏ gồm nhiều nông cụ không còn nguyên vẹn. Tác phẩm sắp đặt ấy mang lại cho người xem sự xúc động khi nghĩ về những vết nứt, sự đứt gãy, thiếu sót, méo mó của đời sống hiện tại cũng như gợi nhớ về tuổi thơ với biết bao kỷ niệm thân thương nơi làng quê yên ả thanh bình xa xưa: “Tình cờ đi qua tôi nhìn thấy các đồ vật ấy, có cảm xúc với nó, quấn chúng lại với nhau kiểu như một sự gom nhặt và chắp vá, lắp ghép nó để trở thành cái hình thể ban đầu. Bởi ở các đống phế liệu thì họ đã đốt, chặt, bẻ gãy và làm nó biến dạng không còn nguyên vẹn nữa. Tôi cố chắp vá nhưng càng chắp vá tôi càng thấy sự thiếu sót khi muốn nó trở về cái bản thể ban đầu. Ví như cái cày, cài bừa chẳng hạn tôi chỉ tìm lại được một, hai cái răng bừa hoặc một, hai cái cán. Khi mà tôi nhìn thấy nó, làm việc với các đồ vật ấy bằng cách dùng sợi quấn quanh đồ vật ấy, và có liên tưởng về tuổi thơ của tôi, về giai đoạn mà các đồ vật ấy đang được sử dụng rất nhiều ở làng quê mà tôi đang sinh sống. Càng làm bao nhiêu tôi càng thấy thiếu bấy nhiêu, nó không thể nguyên vẹn được nữa cũng giống như cái không gian văn hóa, không gian làng quê không còn nguyên vẹn như trước kia nữa…”

 

Không gian làng quê không còn nguyên vẹn là một thực tế có thật. Song, với cậu bé Mạnh mà cả tuổi thơ lớn lên nhìn thấy bàn tay của cha chai sạn vì công việc đồng áng, thấu hiểu từng giọt mồ hôi rơi trên những luống cày, trên những cánh đồng oi ả…thì đó gần như là một nỗi buồn thẳm sâu: “Các đồ vật đều có đời sống thực sự, nó mang hình ảnh của người sử dụng, mang hình ảnh của không gian mà nó tồn tại. Giả sử như khi tôi nhìn thấy tay cầm của chiếc cày mà bố tôi dùng ngày xưa, tôi sờ vào cái tay cày nó đã còn rất nhỏ, bởi vì nó đã bị mòn. Và khi tôi nhìn vào cái cày ấy tôi đã nhìn thấy bàn tay của bố tôi. Tôi tin rằng bàn tay ấy chai sạn như thế nào, vất vả ra sao…Tức là cái cày ấy nó đã tiềm ẩn cả những hình ảnh khác. Vậy là nó đã có đời sống…”

 

Giờ đây khi đã là một nhà giáo, một nghệ sỹ, Nguyễn Duy Mạnh vẫn không tách mình ra khỏi đời sống nông thôn. Nông thôn - với vải sợi; với cày, cuốc, xẻng…tượng trưng cho sự biến đổi ở làng quê trước sự vận động của đời sống công nghiệp hóa, cũng là những câu chuyện của niềm vui, nỗi buồn, sự day dứt, cả những niềm cảm hứng sáng tạo trong tâm hồn người nghệ sỹ trẻ. Tác phẩm “Mất ngủ” anh sử dụng tấm vải (chứ không phải là sợi cuốn như trong tác phẩm “Ký ức không nguyên vẹn) là chiếc vỏ gối bọc những chiếc răng bừa đâm xuyên ra bên ngoài trông giống như những quả chông. Ngoài chất liệu vải sợi, Nguyễn Duy Mạnh còn sử dụng sợi chỉ y tế bằng kim loại để hàn gắn bát đĩa và cuốn những mảnh gốm cổ bị vỡ. Có thể nói, người nghệ sỹ trẻ này luôn khao khát đi sâu hơn về chất liệu để bao hàm cả nội dung: “ Nghệ thuật cần sinh ra từ bên trong nghệ sỹ, và những cái gì gần gũi nhất với tôi thì đó sẽ là những chất liệu nghệ thuật mà tôi sử dụng tốt nhất. Còn những chất liệu mà xa lạ với tôi tôi sẽ không sử dụng nó một cách tốt được. Và tôi tin rằng tôi còn thực hiện chất liệu đồ vật trong những triển lãm khác. Bởi vì ngay bây giờ trong tôi cũng đã có những ý tưởng khác về việc sử dụng các đồ vật và thể hiện những câu chuyện bên trong nó, thể hiện cái nhìn của một nghệ sỹ, một cá nhân về đời sống xã hội bên trong những đồ vật mà tôi tương tác với nó…”

 

Sau hơn 10 năm miệt mài, cần mẫn “cày cuốc” trên “cánh đồng nghệ thuật”, Nguyễn Duy Mạnh đã gặt hái được những mùa vụ đầu tiên của mình. Đây có thể mới chỉ là điểm khởi đầu, nhưng lúc này “anh giáo làng” đã có thể tự tin với sự lựa chọn của mình, đó là: sợi vải và nông cụ. Và như lời nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông, thì “anh giáo làng” ấy luôn nghĩ ra cách để thổi hồn cho những vật liệu quen thuộc từ làng quê.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu