Nghệ sĩ ưu tú La Thanh Hùng người giữ lửa nghệ thuật Tuồng Huế

Phương Thúy
Chia sẻ
(VOV5) - NSUT La Thanh Hùng là một nghệ sĩ đa tài và đầy nhiệt huyết, và còn là một nghệ nhân vẽ mặt nạ 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nghệ sĩ ưu tú La Thanh Hùng  sinh ra và lớn lên trong Đại Nội Huế. Từ nhỏ, dưới sự kèm cặp của cha là Nghệ sĩ ưu tú La Cháu và các nghệ nhân một thời là diễn viên cung đình dưới triều Nguyễn, năng khiếu bẩm sinh của La Thanh Hùng ngày càng bộc lộ rõ, đồng thời kĩ năng vẽ mặt nạ tuồng của người cha cũng được ông tiếp thu một cách nhuần nhuyễn.

Nghệ sĩ ưu tú La Thanh Hùng là đạo diễn nhiều vở Tuồng đặc sắc của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Huế và cũng để lại dấu ấn trong rất nhiều vai diễn  từ chính diện đến phản diện. Phương Thúy giới thiệu về  Nghệ sĩ ưu tú La Thanh Hùng  người giữ lửa nghệ thuật Tuồng Huế

Nghệ sĩ ưu tú La Thanh Hùng  người giữ lửa nghệ thuật Tuồng Huế - ảnh 1Tạo hình nhân vật phản diện Tạ Kim Hùng trong vở “Ngọn lửa hồng sơn" - Ảnh: Đồng Văn/ Báo Thừa Thiên Huế

Năm 2020, vở kịch “Chuyên án Z1” của Hội Nghệ sĩ sân khấu tỉnh Thừa Thiên – Huế đã gây ấn tượng lớn đối với khán giả tại Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân. Vở kịch là sự kết hợp giữa kịch hiện đại và ca kịch cùng những làn điệu dân ca Huế. Đây là một sự kết hợp đầy táo bạo của Nghệ sĩ ưu tú, Đạo diễn La Thanh Hùng.

Nghệ sĩ La Thanh Hùng là một người nhạy bén, luôn nắm bắt những vấn đề cấp thiết của xã hội và biết cách thể hiện thông qua các tác phẩm sân khấu. Ông cũng là tác giả vở “Vượt sóng”, dựng năm 2014, đề cập câu chuyện ngư dân bám biển, giữ biển, khẳng định chủ quyển trên biển của đất nước khi Trung Quốc đặt dàn khoan 981 ở vùng biển Việt Nam.

Vở kịch cũng dùng chất liệu ca Huế và được Ban Tuyên giáo Trung ương trao giải. Chỉ với những chiếc thuyền thúng, ông đã làm nên vở tuồng hiện đại “Biển động” khi nói về nỗi niềm mong mỏi của những người phụ nữ với những người cha, người chồng đang ra khơi bám biển. Ông cho biết: về nguyên tắc, trong một vở diễn đầy tính thử nghiệm, người đạo diễn phải nắm chắc quy luật để kết hợp những thể loại hiện đại, cổ xưa một cách hài hòa: "Mỗi thể loại khác nhau đều có nét đặc trưng khác nhau, những quy luật khác nhau thì trước tiên, người đạo diễn phải nắm được những quy luật, những nguyên tắc ấy, những cái nguyên lý của nó, thế mới làm được, đó là điều thứ nhất. Điều thứ 2, là cái khó của diễn viên, diễn viên là điễn viên tuồng có, diễn viên nhạc kịch có, nhạc công cũng có. Nhưng mà tôi cố gắng vừa làm vừa dạy cho các em. Tôi muốn trở thành 1 sân chơi cho các nghệ sĩ đồng thời tạo nên tảng cho sân khấu."

Nghệ sĩ ưu tú La Thanh Hùng sinh ra trong gia đình có truyền thống 3 đời làm nghệ thuật Tuồng và ca Huế. Ông nội là cụ La Ngạn, bố là nghệ nhân tuồng La Cháu còn chị ruột là Nghệ sĩ nhân dân La Cẩm Vân- người có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ nghệ thuật truyền thống Huế. Có gien gia đình về nghệ thuật, cái đam mê như ngấm vào máu nên các anh chị của ông cũng theo con đường của cha ông mình.

Nghệ sĩ ưu tú La Thanh Hùng  người giữ lửa nghệ thuật Tuồng Huế - ảnh 2Nghệ nhân La Thanh Hùng vẽ mặt cho diễn viên trong nhà hát. Ảnh:NVCC

Bản thân Nghệ sĩ ưu tú La Thanh Hùng đã từng tốt nghiệp trường Thanh Bình Thự, tiếp thu sự dạy dỗ từ thầy cô là những người có tiếng ở trong làng nghệ thuật truyền thống và được làm việc, biểu diễn ở Duyệt Thị Đường- nhà hát lâu đời nhất của nước ta: "Năm nay tôi 56 tuổi, nhưng tôi làm nghề từ năm 7, 8 tuổi. Gia đình, anh em tôi rất đông. Ông bố tôi hình như có một câu nói rất độc đáo” Đứa nào không làm nghệ thuật thì không phải con ông”. Vì vậy cả gia đình tôi ai cũng làm nghệ thuật, tuy nhiên trình độ mỗi người có khác nhau."

Gắn bó với nghệ thuật truyền thống nhiều năm như vậy, Nghệ sĩ ưu tú La Thanh Hùng cũng rất trăn trở với thực trạng người trẻ bây giờ không còn gần gũi với nghệ thuật truyền thống nữa. Mặc dù Nhà hát Duyệt Thị Đường- nơi gắn liền với nghệ thuật truyền thống Huế luôn mở cửa đón khách du lịch, ca Huế trên sông Hương vẫn là một “đặc sản”…. nhưng  dường như với Nghệ sĩ Ưu tú La Thanh Hùng thì điều đó chưa đủ. Với ông, nghệ thuật truyền thống chính là nét văn hóa, là bản sắc của một đất nước, cũng chính là nét đặc sắc để thu hút khách du lịch. Vì vậy, cần phải gìn giữ nghệ thuật đó, để nghệ thuật truyền thống có thể sống được trong xã hội hiện đại một cách bền vững hơn:

"Khi đất nước phồn vinh, vật chất đầy đủ thì người ta đòi hỏi yếu tố tinh thần. Yếu tố tinh thần- văn hóa của một đất nước nói riêng là bản sắc con người. Anh phải cố gắng gìn giữ bản sắc văn hóa thì đó mới là cái hấp thụ khách du lịch. Bây giờ điều kiện kĩ thuật, tất cả các thứ hỗ trợ chúng ta thì chúng ta phải tận dụng vốn cổ và làm mới nó đi nhưng chúng ta cứ bảo thủ. Chúng ta không biết làm mới thì chúng ta sẽ bị chính chúng ta giết chúng ta." - NSUT La Thanh Hùng nói.

Không chỉ yêu nghệ thuật, tâm huyết với nghệ thuật truyền thống, La Thanh Hùng còn là một nghệ sĩ đa tài và đầy nhiệt huyết. Ông còn là một nghệ nhân vẽ mặt nạ Tuồng. Trí nhớ của ông rất đặc biệt khi có thể vẽ mặt nạ của nhiều vai diễn trong các vở tuồng cổ- thể loại mà mặt nạ phải vẽ theo những quy định, chuẩn mực từ xưa truyền lại. Năm 2004, nhiều bộ trang phục tuồng cung đình Huế, nhiều chiếc mặt nạ tuồng do ông kẻ đã được triển lãm trong các đợt Festival chuyên đề. Riêng trong 2 năm 2015-2016, với 4 vở tuồng, gồm: “Ngô Quyền”, “Lâm Sanh – Xuân Nương”, “Bi kịch Hoàng đế thi sĩ”, “Tìm lại cội nguồn” do NSƯT La Thanh Hùng dàn dựng tham dự Liên hoan các vở diễn sân khấu tuồng Tống Phước Phổ (2015) và Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc (2016) đã đem về cho Thừa Thiên Huế 9 huy chương vàng và 10 huy chương bạc.
Chị Phạm Thị Lệ- diễn viên Nhà hát truyền thống Cung Đình Huế chia sẻ niềm yêu mến với anh: "Anh Hùng là một đạo diễn giỏi, đa năng, vừa dựng được Tuồng vừa dựng được ca kịch, múa cung đình Huế, vẽ mặt nạ Tuồng. Anh Hùng là con nhà nòi của nghệ thuật Tuồng và cung đình Huế. Gia đình chắc chỉ còn một mình anh ấy biết vẽ mặt nạ Tuồng thôi. Cả thành phố Huế chắc cũng chỉ còn mình anh. Sau này mà hết thời anh Hùng, khi anh không còn tham gia công tác nữa thì nhà hát sẽ không còn người giỏi để tiếp tục dựng Tuồng và vẽ mặt nạ Tuồng nữa."

Trong vai trò là đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú La Thanh Hùng  cố gắng đào tạo thêm nhiều lớp diễn viên- những người sẽ tiếp lửa cho các bộ môn nghệ thuật truyền thống.  Với ông, dường như những gì đã ngấm vào máu, vào tim  thì không bao giờ lãng quên được. Vượt qua những khó khăn, Nghệ sĩ ưu tú La Thanh Hùng vẫn giữ được tình yêu nghề, sự thủy chung để giữ lửa cho môn nghệ thuật truyền thống theo đúng màu sắc và tinh thần vốn có ban đầu

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu