Mùa thanh xuân trong thơ Xuân Diệu: Mùa xuân nhớ Xuân Diệu

Anh Thư
Chia sẻ
(VOV5) - Tâm hồn nồng nhiệt trẻ trung của Xuân Diệu làm nên một không gian đầy cảm xúc trong thơ. 

Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”, “ông hoàng thơ tình”, “nhà thơ của mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ”… đó là những danh xưng mọi người thường dùng khi nhắc đến nhà thơ Xuân Diệu…

Mùa thanh xuân trong thơ Xuân Diệu: Mùa xuân nhớ Xuân Diệu - ảnh 1Nhà thơ Xuân Diệu

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nhớ Xuân Diệu là nhớ một nhà thơ có sức đọc, sức viết dồi dào, khỏe khoắn, luôn nồng nhiệt trong cuộc sống và thơ ca. Ở mỗi chặng thời gian, ông đều để lại dấu ấn riêng trong các lĩnh vực hoạt động  thơ văn, dịch thuật, nghiên cứu phê bình.
Đặc biệt, làm thành Xuân Diệu và làm nên nét độc đáo Xuân Diệu chính là giai đoạn Thơ Mới 1930 – 1945. Cả ông và Thơ mới vinh danh nhau, bổ sung cho nhau, thuộc về nhau. Ý thức cá nhân trong thơ Xuân Diệu vô cùng sâu sắc, và điều này khác biệt với quan niệm về chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi ích kỷ. Đó là cái tôi nồng nhiệt đam mê, cái tôi luôn muốn được khẳng định mình bằng tài năng và trí tuệ, cái tôi riêng biệt độc đáo, “Ta là một là riêng là thứ nhất”, cái tôi khao khát dốc cạn năng lượng cho tình yêu, cho cuộc đời. Tất nhiên, cái tôi ấy không tránh khỏi cảm giác kiêu ngạo, hơn đời.

Vội vàng, cuống quýt, mải mê, hấp tấp… đó là những xúc cảm thường gặp trong thơ Xuân Diệu của thời kì “Thơ thơ”, Gửi hương cho gió”. Nhà thơ đắm đuối với mùa xuân và tuổi trẻ, đắm đuối với khát vọng yêu thương thường giục giã “mau với chứ, vội vàng lên với chứ”, “gấp đi em anh rất sợ ngày mai”, “gần thêm nữa thế vẫn còn xa lắm”. Ẩn trong vẻ ngoài tưởng ồn ào ấy là nỗi buồn thăm thẳm “đàn buồn đàn lặng ôi đàn chậm – mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân”, là là tâm trạng sợ hãi tiếc nuối bởi “thời gian không đứng đợi”, là cảm giác lạc lõng như “con nai bị chiều giăng lưới – không biết đi đâu đứng sầu bóng tối”

Tâm hồn nồng nhiệt trẻ trung của Xuân Diệu làm nên một không gian đầy cảm xúc trong thơ. Đó là không gian của hiện tại,  của khoảnh khắc. Xuân Diệu dùng thơ để vĩnh cửu hóa khoảnh khắc, tạo lập một không gian kì ảo mà đậm đà chất trần gian. Tuy nhiên con người ông cũng rất đời, rất thấu hiểu cái hữu hạn của cuộc đời và lòng người. Nhà thơ Vũ Quần Phương nhớ lại kỉ niệm vui với nhà thơ bậc đàn anh. 

"Khi tôi làm ở Nhà xuất bản Văn học, ở giai đoạn trước đổi mới, Nhà xuất bản có in tập thơ đầu tiên của Xuân Diệu. Chỉ hai mươi bài thôi. Anh Xuân Diệu muốn in nhiều hơn. Quan điểm của Nhà xuất bản là có thể đổi từ bài này sang bài khác, chứ không vượt hai mươi bài được. Anh Xuân Diệu nói “Nếu chỉ cho in như thế thì tôi không in”. Anh dỗi. Nhưng hôm sau anh lại đến, anh bảo tôi: “Phương ạ. Anh nghĩ rồi. Mình dỗi mình không in, họ sẽ không in thật. Vậy ta chịu thua trận đánh này. Bây giờ các cậu in được bài nào thì cứ in, như cứu những đồ vật ở trong ngôi nhà đang bị cháy do thời gian đốt, còn việc sắp xếp cái nào trước cái nào sau, cái nào hơn cái nào thì thời các cậu chưa phải lúc”"

Làm nên chất kì ảo cho không gian trần thế bởi nhà thơ đã cảm nhận cuộc sống bằng tất cả sự ngân rung của tâm hồn và giác quan. Sự tinh nhạy về cảm xúc trong thơ Xuân Diệu gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Lãng mạn Xuân Diệu gắn với cuộc đời đầy nhựa sống này: "Xuân Diệu “ôm” cô trần gian bằng tất cả cảm xúc trần gian của chính ông. Xuân Diệu bám lấy trần gian rồi kỳ ảo hóa nó, tạo nên một trần gian kỳ ảo. “Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá”, rồi “Con đường nhỏ nhó gió xiêu xiêu/ Lả lả cành hoang nắng trở chiều”, “Mây biếc về đâu bay gấp gấp/ Con cò trên ruộng cánh phân vân/ Chim nghe trời rộng dang thêm cánh/ Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần”…Các chi tiết ấy là chất thực của đời. Nhưng tạo nên mối liên hệ kỳ ảo giữa các chi tiết ấy, là do chất xúc tác của tâm hồn Xuân Diệu. "

Mỗi chặng đời chặng thơ Xuân Diệu gắn với từng chặng đường của đất nước. Thành danh trong thơ mới với “Thơ thơ”, “Gửi hương cho gió”. Buổi đầu đến với cách mạng, cái tôi công dân của ông nồng nhiệt và xúc động với những trường ca “Ngọn quốc kì”, “hội nghị non sông”. Thời kì kháng chiến chống Mỹ, ông chia sẻ “tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi – cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu - Tôi sống với cuộc đời chiến đấu. Của triệu người yêu dấu gian lao”, góp cho thơ ca những tập thơ như “cầm tay”, “Riêng chung”, “mũi Cà Mau”… Song Thơ Mới vẫn là bến đầu tiên mà Xuân Diệu cập thuyền thơ, ở lại và tỏa sáng - không phải ánh sáng của “một phút huy hoàng rồi chợt tắt”, bởi đến tận bây giờ và còn sau nữa, nhiều người vẫn thuộc, vẫn đọc Xuân Diệu, vẫn yêu cái đắm đuối của tình thơ, cái tinh tế của hồn thơ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu