Hồ Xuân Hương “Bà Chúa thơ Nôm”

Võ Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Gọi nữ sĩ Hồ Xuân Hương là “Bà Chúa thơ Nôm”, có lẽ cả tác giả Lê Tâm và nhà thơ Xuân Diệu đều nhằm vào cả khí chất con người lẫn phong cách sáng tác của bà.

Sống và sáng tác cùng giai đoạn với Đại thi hào Nguyễn Du, nữ sĩ Hồ Xuân Hương là một phong cách thơ Nôm độc đáo. Nếu “Truyện Kiều” của Nguyễn Du được truyền khẩu rộng rãi trong dân gian thì thơ Quốc âm của Hồ Xuân Hương, những bài như Mời trầu, Tự tình, Quả mít, Bánh trôi, Ốc nhồi, Đèo Ba Dội, Sư bị ong châm, Thiếu nữ ngủ ngày cũng được thích thú ngâm nga, truyền tụng bao đời nay.

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Thành Tuấn:
 
Hồ Xuân Hương “Bà Chúa thơ Nôm” - ảnh 1Nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong tranh minh họa sách.

Tuy mỗi tác giả, tác phẩm có nội dung, tính chất, nghệ thuật thơ riêng biệt nhưng xét về quá trình thâm nhập vào quảng đại quần chúng, tới hôm nay có thể thấy ảnh hưởng của thơ ca Hồ Xuân Hương so với Đại thi hào Nguyễn Du cũng vững vàng ở thế một chín một mười. Nhân dịp Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa thuộc Liên Hiệp Quốc (UNESCO) thông qua nghị quyết: năm 2022 sẽ cùng Việt Nam kỷ niệm ngày sinh/ngày mất của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương và Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, mời các bạn cùng nhìn lại những thành tựu và đóng góp của “Bà Chúa thơ Nôm” với dòng văn học dân tộc.

Từ năm 50 của thế kỷ trước, tức là cách đây đã 70 năm, cuốn “Thân thế và thi ca Hồ Xuân Hương” của tác giả Lê Tâm in ở NXB Cây Thông (Hà Nội) đã có tiêu đề phụ “Bà Chúa thơ Nôm”. 8 năm sau, tức năm 1958, Tiểu luận “Hồ Xuân Hương - Bà Chúa thơ Nôm” của nhà thơ Xuân Diệu in trên tạp chí Văn Nghệ, sau này được đưa vào cuốn “Các nhà thơ cổ điển Việt Nam” (tập 10 cũng dành nhiều trang để bình luận, đánh giá về hong cách thơ Quốc âm Hồ Xuân Hương.

Gọi nữ sĩ Hồ Xuân Hương là “Bà Chúa thơ Nôm”, có lẽ cả tác giả Lê Tâm và nhà thơ Xuân Diệu đều nhằm vào cả khí chất con người lẫn phong cách sáng tác của bà. Theo nhà thơ Xuân Diệu, nữ sĩ Hồ Xuân Hương chỉ để lại độ năm chục bài thơ tám câu hoặc bốn câu nhưng chiếm một vị trí thật đặc biệt trong văn học Việt Nam.

Hồ Xuân Hương “Bà Chúa thơ Nôm” - ảnh 2Một số tác phẩm về Hồ Xuân Hương đã được xuất bản.

Đặc trưng phong cách diễn ý thơ Nôm Hồ Xuân Hương là mượn cảnh, mượn vật để ẩn dụ về câu chuyện, thái độ và số phận con người qua đôi mắt của một người phụ nữ tài năng, bản lĩnh và cũng là cá biệt trong xã hội đương thời. Qua góc nhìn hiện tượng và khẩu khí thơ ca, Nhà Phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên cho rằng Hồ Xuân Hương là một hiện tượng đặc biệt. Trước tiên là ở con người cá nhân và nhân thân không rõ ràng. Hậu thế đã tốn rất nhiều bút mực để tìm kiếm nguồn gốc của bà.

Cho đến nay chỉ có phát hiện của Nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại về tập thơ Lưu Hương ký gồm 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài thơ chữ Nôm xác định chắc chắn của Hồ Xuân Hương. Còn những bài thơ in trong sách và lưu truyền trong dân gian vẫn còn là một ẩn số chưa có lời đáp. Có những bài thơ Nôm đích thị của Hồ Xuân Hương nhưng cũng có những bài mang phong cách tác giả Hồ Xuân Hương. Không rõ những bài mang phong cách Hồ Xuân Hương có phải là của bà hay không. Rõ ràng hiện tượng phong cách thơ Hồ Xuân Hương là rất độc đáo.

Hồ Xuân Hương “Bà Chúa thơ Nôm” - ảnh 3Hồ Xuân Hương trong tranh Bùi Xuân Phái.

Thơ Nôm Hồ Xuân Hương trước tiên chính là tấm gương phản ánh con người và trí tuệ của tác giả. Chính vì hiểu thấu căn nguyên khởi sinh nên các hình tượng văn hóa dân tộc, thầm nhuần những tập tục dân gian, nữ sĩ đã sáng tạo thơ ca dựa trên những mẫu gốc bắt nguồn từ tín ngưỡng phồn thực của dân nước ta. Có thể nói, chất phong tình, tâm thức phản kháng, khát vọng hạnh phúc, tự do chính là những biểu hiện rõ nét của sự phát triển và biến hóa của các mẫu gốc trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Đọc thơ Hồ Xuân Hương, ta thường liên tưởng ngay đến những trò chơi ngôn ngữ từ xa xưa, như đố tục giảng thanh, đố thanh giảng tục, hay những câu ca dao đặc trưng tín ngưỡng phồn thực của người Việt. Từ các hình tượng trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương, Nhà Phê bình Đỗ Ngọc Yên chỉ ra nét độc đáo trong nghệ thuật vịnh cảnh tả tình, đưa ngôn ngữ thơ Quốc âm lên một thứ bậc mới trong bối cảnh chữ Hán trường quy. Những bài thơ Nôm phong cách Hồ Xuân Hương đều chọn những sự vật nhỏ nhưng đều rất trùng hợp với ý tưởng của tác giả để nói về một câu chuyện nào đó. Độc giả tiếp thu sau này mới phì cười với điều phát hiện ra. Và “Bà Chúa thơ Nôm” thể hiện điều đó với một ngôn ngữ rất hóm hỉnh, thậm chí mới lạ và rất “độc”.

Lối thơ khẩu khí táo bạo của nữ sĩ Hồ Xuân Hương ngày nay khi chúng ta đọc lại cảm thấy vô cùng thích thú. Thế nhưng, trong thời đoạn vẫn nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, người phụ nữ truyền thống phải giữ nết đoan trang, kín đáo, thậm chí phải sống khép mình, khuất lấp, những câu thơ trong các bài “Đèo Ba Dội”, “Quả mít”, “Ốc nhồi” phải nói là phạm vào cấm kỵ. Nhìn hiện tượng thơ Nôm phong cách Hồ Xuân Hương theo hướng cổ súy đường đi của hiện đại hóa, nhà thơ Nguyễn Thế Kiên cho rằng “Bà Chúa thơ Nôm” là một nhân vật thức thời và độc đáo, tới nay chưa có sự lặp lại. Đặc trưng bút pháp thơ Nôm Hồ Xuân Hương là tinh nghịch. Có một thời có quy ước rằng ngôn ngữ trong thơ ca phải thanh tao nhưng khi tiến dần tới hiện đại thì thơ văn tác giả nào chạm đến những điều sâu kín của con người mà không dung tục thì rất đáng quý. Hồ Xuân Hương đã làm được điều đó từ cách đây mấy thế kỷ và chỉ khác thơ hiện đại hôm nay là tác giả đã “dóng” vào vần luật, niêm luật tử tế, vừa lúng liếng bóng chữ. Nếu thời ấy họ coi đó là những điều cần cha chắn thật kỹ thì Hồ Xuân Hương lại đặt ngay lên chỗ sang trọng nhất của văn chương.

Sinh thời, nhà thơ Tản Đà từng nhận xét thơ Hồ Xuân Hương: “Thật là tinh quái; những câu hay đọc lên đến ghê người. Người ta thường có câu: “Thi trung hữu hoạ”, nghĩa là “Trong thơ có vẻ”. Như thơ Xuân Hương thì lại là “Thi trung hữu quỷ”, tức “Trong thơ có quỷ”. Còn Giáo sư Lê Quảng Hàm, chẳng rõ khen rõ khen hay chê, rằng: “Trong suốt tập thơ của nàng, không mấy bài là không có lả lơi, dầu tả cảnh gì, vịnh vật gì cũng vậy. Mà tiếc thay nhời văn thật là chải chuốt, giọng văn thật là êm đềm”. Giáo sư, nhà văn Trương Tửu thì giải thích: “Xuân Hương bị nỗi u hoài chua chát ám ảnh. Đó là khát vọng tiềm thức, là sự hiện thân của Tội - Gốc”
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương sinh năm 1772, mất năm 1822, quê gốc ở Nghệ An nhưng sinh trưởng ở Thăng Long. Tư chất thông minh, bản lĩnh, trải đời, ưa xướng họa thơ ca, Hồ Xuân Hương được xem là một tài nữ nổi tiếng thời bấy giờ. Di tác của bà hoàn toàn là thơ, trong đó mảng Nôm có phần đặc sắc hơn. Ngoài 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài thơ chữ Nôm in trong tập “Lưu hương ký”, trong dân gian lưu truyền nhiều áng thơ Nôm của Hồ Xuân Hương, hầu hết đã được tập hợp trong cuốn “Xuân Hương thi tập” in năm 30 của thế kỷ trước. Thơ Nôm Hồ Xuân Hương hầu hết ý tưởng táo bạo, thách thức các chuẩn mực đạo đức phong kiến. Cũng từ các sáng tác của bà, hiện lên thực trạng xã hội ta ở cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu