Lần đầu tiên ra mắt phiên bản truyện tranh Pippi Tất dài, Thằng nhóc Emil...

Thùy Linh
Chia sẻ
(VOV5)- Lần đầu tiên, NXB Kim Đồng ra mắt phiên bản truyện tranh: Pippi Tất Dài, Thằng nhóc Emil, Miền cỏ phương Nam, chùm ba tác phẩm lừng danh của Astrid Lindgren được trẻ em trên khắp thế giới yêu thích và say mê đón nhận.

(VOV5)- Lần đầu tiên, NXB Kim Đồng ra mắt phiên bản truyện tranh: Pippi Tất Dài, Thằng nhóc Emil, Miền cỏ phương Nam, chùm ba tác phẩm lừng danh của Astrid Lindgren được trẻ em trên khắp thế giới yêu thích và say mê đón nhận.

Lần đầu tiên ra mắt phiên bản truyện tranh Pippi Tất dài, Thằng nhóc Emil... - ảnh 1

Những tác phẩm này vốn đã rất quen thuộc với độc giả nhiều thế hệ ở Việt Nam, nhưng với diện mạo mới, các tranh minh họa đậm đà phong cách châu Âu kết hợp lời kể súc tích lại có những sự thú vị riêng.

“Sao cậu lại để ngựa ở hành lang thế kia?” Annika hỏi.

“À, tại vì để nó trong bếp thì vướng mà nó lại không thích ở phòng khách”. Pippi trả lời.

Lần đầu tiên ra mắt phiên bản truyện tranh Pippi Tất dài, Thằng nhóc Emil... - ảnh 2
Ra đời cách đây hơn nửa thế kỉ nhưng những câu chuyện nổi tiếng của cô bé Pippi Tất Dài ở Biệt thự Bát nháo vẫn hấp dẫn triệu triệu trẻ em trên thế giới. Pippi Tất Dài trở thành nhân vật thiếu nhi để đời, gắn liền với tên tuổi của nhà văn Astrid Lindgren. Tác phẩm phản ánh trí tưởng tượng phong phú, tiềm năng sáng tạo và khám phá vô biên của trẻ em.

Lần đầu tiên ra mắt phiên bản truyện tranh Pippi Tất dài, Thằng nhóc Emil... - ảnh 3
Tiếng cười trong sáng, hài hước và cả lòng nhân ái hồn nhiên là những gì bạn đọc nhỏ tuổi có thể tìm thấy trong Pippi Tất Dài. Cuốn sách tập hợp một số mẩu chuyện nổi tiếng của cô bé Pippi: Pippi Tất Dài chuyển đến nhà mới, Pippi Tất Dài là người thu nhặt, Pippi đùa với cảnh sát vv..vv

Thằng nhóc Emil ở trang trại Katthult, miền Nam Thụy Điển là một đứa trẻ nghịch ngợm điển hình: cậu làm cho đàn gà và chú lợn con say túy lúy sau bữa bã rượu anh đào, thậm chí còn cưỡi chú ngựa Lukas xông thẳng vào đại sảnh nơi ngài thị trưởng đang tổ chức tiệc… Sau những lần nghịch ngợm, Emil thường bị phạt ngồi trong nhà kho suy nghĩ  về những hành đồng của mình, nhưng hễ vào nhà kho là Emil giải khuây bằng cách đẽo tượng gỗ.

Lần đầu tiên ra mắt phiên bản truyện tranh Pippi Tất dài, Thằng nhóc Emil... - ảnh 4
Nghịch ngợm là vậy, nhưng Emil sau này vẫn trở thành một người đàn ông tốt, tốt nhất làng Lonneberga. “Vậy đấy, kể cả những đứa trẻ tệ nhất và hư hỏng nhất vẫn có thể trở nên đàng hoàng theo thời gian.”

Lần đầu tiên ra mắt phiên bản truyện tranh Pippi Tất dài, Thằng nhóc Emil... - ảnh 5
Thằng nhóc Emil cùng với cô bé Pippi Tất Dài được xem là bộ đôi sứ giả văn chương được yêu mến nhất của nữ nhà văn Astrid Lindgren.

Khác với giọng kể hài hước, vui nhộn của Thằng nhóc EmilPippi Tất Dài, Miền cỏ phương Nam lại đem tới sức hấp dẫn đặc biệt với lời văn nhẹ nhàng, dung dị. Hệt như một câu chuyện cổ tích thời hiện đại, Miền cỏ phương Nam ghi lại cuộc sống nghèo khó của hai anh em mồ côi Mattias và Ann. Hai anh em sống với người nông dân ở trang trại Con Kiến, mỗi ngày trôi qua thật tẻ nhạt và khổ sở. Nhưng chú chim đỏ xuất hiện, như một người bạn đường tin cậy dẫn các em đến với ánh sáng của vùng đất mới: “Nơi các em được ngắt những chiếc lá bạch dương thơm dịu, nơi hàng ngàn con chim ca hót líu lo trên cây, nơi trẻ con được thả thuyền trên những dòng suối…”

Lần đầu tiên ra mắt phiên bản truyện tranh Pippi Tất dài, Thằng nhóc Emil... - ảnh 6

Miền cỏ phương Nam là một trong những sáng tác đẹp nhất của Astrid Lindgren với minh họa tranh màu tuyệt mĩ của hoạ sĩ bậc thầy Marit Törnqvist.

Ba cuốn sách dẫn bạn đọc đến với những cung bậc cảm xúc khác nhau: vừa vui nhộn, hài hước, vừa sâu lắng, ngọt ngào. Ba tác phẩm lừng danh của Astrid Lindgren: Pippi Tất Dài, Thằng nhóc EmilMiền cỏ phương Nam được thể hiện dưới hình thức tranh truyện với minh họa tuyệt vời của các họa sĩ Ingrid Vang Nyman, Björn Berg, Marit Törnqvist!

Astrid Lindgren
được mệnh danh là “nữ thánh văn học thiếu nhi” của Thụy Điển. Bà sinh ngày 14 - 11- 1907 tại thị trấn Vimmerby thuộc tỉnh Småland, miền Nam Thuỵ Điển. Tuổi thơ của Astrid Lindgren là những năm tháng tuyệt vời không thể nào quên. Nó đã in dấu trong từng trang truyện, ở đó bà ghi lại một cách sống động và chi tiết những kỉ niệm thơ ấu cùng những khát vọng, mong muốn của bà và các anh chị em mình khi còn là một đứa trẻ.

Lần đầu tiên ra mắt phiên bản truyện tranh Pippi Tất dài, Thằng nhóc Emil... - ảnh 7
Sức cuốn hút trong các tác phẩm của Astrid Lindgren chính là ở chỗ bà đã đi sâu vào thế giới nội tâm trẻ em, thấy được sức mạnh và tiềm năng sáng tạo ẩn trong trí tưởng tượng sống động của trẻ. Astrid Lindgren cho rằng không có cách nào tốt hơn để phát triển cơ thể, tâm hồn và trí tưởng tượng của trẻ thơ bằng việc trẻ được tự do vui chơi một cách an toàn trong khuôn khổ linh hoạt của các giá trị đạo đức. Bà vẫn thường nói: “Trẻ em là những gì quan trọng nhất của chúng ta! Nếu chúng ta muốn tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, chúng ta phải bắt đầu từ con em chúng ta!”

Với các họa sĩ minh họa cho tác phẩm của mình, Astrid Lindgren khẳng định: “Mỗi tác giả may mắn khi tìm được một người vẽ minh họa đồng cảm với cuốn sách của mình đều phải biết ơn sâu sắc người nghệ sĩ đó.” Đó là lí do vì sao, tên của bà và họa sĩ minh họa đều đồng hành trong mỗi cuốn sách.

Họa sĩ Ingrid Vang Nyman (1916-1959) sinh ra tại Copenhagen, Đan Mạch. Khi còn nhỏ, bà bị bệnh lao và năm 13 tuổi bà bị mù một mắt trong một tai nạn đáng tiếc. Bà tốt nghiệp học viện Nghệ thuật ở Copenhagen và sau đó chuyển đến Stockholm. Bà kết hôn với nhà thơ kiêm họa sĩ Arne Nyman và sinh cho ông một người con trai tên là Peder. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này không kéo dài được lâu, đến năm 1944, Ingrid Vang Nyman chung sống cùng luật gia kiêm nhà văn Uno Eng. Cũng bắt đầu từ thời gian này, bà vẽ và hoàn thành minh họa toàn bộ truyện Pippi Tất Dài. Cô bé Pippi ngỗ nghịch này thực sự đã không chỉ làm nên tên tuổi mà còn gắn liền với sự nghiệp của Ingrid Vang Nyman, người phụ nữ có niềm tin mạnh mẽ vào tài năng của bản thân. Phải nói thêm rằng vào thời điểm đó, minh họa truyện tranh không phải là việc phổ biến.

Họa sĩ Björn Berg (1923-2008) sinh ra ở Bayern và sống ở New York trong suốt thời thơ ấu của mình. Ông học nghệ thuật đồ họa ở Học viện nghệ thuật hoàng gia Thụy Điển và vẽ minh họa cho Dagens Nyheter, tờ nhật báo lớn nhất tại Thụy Điển. Astrid Lindgren bắt đầu mời ông cộng tác khi nhìn thấy bức vẽ của ông và nghĩ rằng, cậu bé trong bức tranh chính là Emil nghịch ngợm. Họa sĩ Björn Berg đã dành nhiều tâm sức để hoàn thành minh họa cho cuốn sách Thằng nhóc Emil: ông muốn mình thấu hiểu thật kĩ tính cách, môi trường, hoàn cảnh, các mối quan hệ, những người dân làng… xoay quanh Emil.

Họa sĩ Marid Törnqvist sinh năm 1964 ở Uppsala. Bà sống ở Hà Lan nhưng ít nhất mỗi năm bà qua Thụy Điển khoảng ba tháng. Marid học minh họa tranh ở Học viện Gerid Rietveld, Amsterdam. Bà đã minh họa một số truyện của Astrid, trong đó nổi bật là những cuốn: Miền cỏ phương Nam, Chú bê cho Giáng sinh… Ngoài ra, Marid còn đạt giải Emil trong kí ức của Astrid Lindgren năm 2004.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu