Khi người viết trẻ làm thơ thế sự

Võ Hà
Chia sẻ
(VOV5) -  Thơ ca ngoài phản ánh cuộc sống thì còn thể hiện bản lĩnh công dân của người viết. Cần dung hòa cái chất thế sự và tính nghệ thuật của thơ vì thơ không thể thiếu tính nghệ thuật và không thể thoát ly khỏi thời cuộc.

So với những nhà thơ có tuổi, người viết thơ trẻ có thể chưa bồi đắp được nhiều trải nghiệm cuộc đời. Bù lại, họ có sự nhạy bén và những điểm nhìn mới lạ, có tính phát hiện. Những va đập của nhịp sống hiện đại là chất liệu để thơ trẻ kịp thời cất lên tiếng nói sống động, chân thực. Lúc này, việc lựa chọn hình thức, ngôn ngữ thơ sẽ quyết định diện mạo và sức ảnh hưởng của sáng tác.

Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc Kim Phượng:
Nhà thơ Lê Tiến Vượng chỉ ra một vài “trắc trở” của người viết thơ trẻ khi tiếp cận những bộn bề của xã hội hôm nay: "Trong cuộc sống ngày hôm nay chúng ta thấy có dòng thơ thế sự nói được vấn đề của đương đại bằng ngôn ngữ thơ ca. Không ít nhà thơ đi vào hướng nói vấn đề đương đại bằng thơ ca tuy nhiên thành công thì chưa nhiều. Chúng ta vẫn thấy những vấn đề còn dè dặt, nhút nhác, đụng chạm khe khẽ. Tính triết lý, tình hàm nghĩa, tính nhân văn phải lấp lánh trong những bài thơ như vậy thì tính thế sự và nghệ thuật mới hài hòa, nhuần nhuyễn được với nhau. Nếu thật thà, chất phác quá trong ngôn ngữ không khéo thơ thế sự lại thành thơ châm biếm hoặc thậm chí diễn ca hoặc vè. Để vẫn là thơ nhưng vẫn đụng chạm mạnh mẽ vấn đề đương đại thì cách sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh làm sao mang tính biểu tượng, triết lý để người đọc nhói lòng".
 Khi người viết trẻ làm thơ thế sự - ảnh 1Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại nổi tiếng với nhiều bài thơ thế sự xúc động.

Để những vần thơ phải làm người đọc nhói lòng, đó là mong mỏi của người viết thơ đích thực. Với những vấn đề thế sự và đạo đức xã hội, những thu nhận, chọn lọc từ quan sát chỉ là một phần. Quan trọng hơn cả là những quan sát ấy tác động, thôi thúc ra sao vào nhân tâm, trách nhiệm của chủ thể sáng tạo.

Nhà thơ Đỗ Huy Chí gọi đó là bản lĩnh công dân của người cầm bút: "Nghệ thuật thơ thế sự theo tôi rất cần thiết mới có thể có tác phẩm có sức sống và đứng được trong lòng bạn đọc và trong thời cuộc thế này. Thơ ca ngoài phản ánh cuộc sống thì còn thể hiện bản lĩnh công dân của người viết. Cần dung hòa cái chất thế sự và tính nghệ thuật của thơ vì thơ không thể thiếu tính nghệ thuật và không thể thoát ly khỏi thời cuộc. Phải nói được tiếng nói của tác giả và đông đảo bạn đọc, phải được chuyển tải bằng hình tượng, ngôn ngữ nghệ thuật. Phải làm sao để bạn đọc đọc được, bạn đọc thích, cảm nhận được mới mong chuyển tải được tư tưởng của tác giả.

Nhận thức rõ đặc tính nội dung của thơ thế sự, nhà thơ trẻ Nam Thiên Phú, người cũng đã có những vần thơ ám ảnh viết về làng quê thời hội nhập cho rằng cần chú trọng yếu tố nghệ thuật khi làm thơ thế sự: "Bất kỳ loại thơ nào cũng cần tính nghệ thuật. Thơ thế sự bản thân đã bị khô, bị cứng nên khi nhà thơ đưa những thủ pháp nghệ thuật vào trong bài thơ ấy thì sẽ làm cho bài thơ “mềm” hơn và như thế khi đọc cảm xúc sẽ đầy hơn thay vì chỉ phản ánh hiện tượng ngoài xã hội"

Có lẽ với hầu hết mọi người, đây quả thực là những ngày không quên trong cuộc đời. Khi mà nhiều tỉnh thành trên đất nước ta lần lượt trải qua đủ đầy các trở ngại và cung bậc cảm xúc do ảnh hưởng của dịch Covid 19. Nhà thơ Trần Ngọc Mỹ - Hội viên Hội VHNT Hải Phòng đã sáng tác bài thơ có tựa đề “Những ngày không quên” từ câu chuyện thật của gia đình, khi người chị gái của tác giả ở Hải Dương không may bị nhiễm Covid 19. Từ nỗi lòng người mẹ, thơ Trần Ngọc Mỹ đã cất lên những tiếng nói xót xa, dịu dàng của tình yêu thương, niềm tin, nghị lực mãnh liệt vượt lên tai ương.

 Khi người viết trẻ làm thơ thế sự - ảnh 2Một số gương mặt thi sĩ trẻ Thy Nguyên, Nguyễn Ngọc Mỹ, Nguyễn Văn Song, Đinh Hạ

Nhà thơ Nguyễn Văn Song ở Hưng Yên mới đây gây ấn tượng với chùm thơ lục bát đoạt giải cao cuộc thi thơ do Báo Văn nghệ tổ chức. Thế nhưng, chùm thơ mới nhất của anh lấy cảm hứng từ những dư chấn của dịch Covid 19 lại được sáng tác theo thể tự do. Trong đó, có thể có thể kể đến bài “Giờ học văn mùa Covid”. Một giờ học online do dịch bệnh gợi nên nhiều nỗi niềm. Đó cũng là nỗi suy tư của nhiều người sáng tác trước biến động mà cả cộng đồng đang trải qua.

Và những ngày tháng trước, chúng ta đã được chứng kiến những đoàn người rời khỏi thành phố phương Nam trở về quê nhà tránh sự vây bủa của dịch bệnh. Từ Yên Thành - Nghệ An, nhà thơ Đinh Hạ đã cầm bút viết những câu thơ rưng rưng trong hai bài thơ “Đoản khúc hồi hương” và “Khúc ru em bé lưu dân”. Nhà thơ Đinh Hạ - Người vừa giành giải thưởng thơ của báo Văn nghệ đã chia sẻ hai bài thơ lên mạng xã hội Facebook. Và những câu thơ lục bát mộc mạc giãi bày của anh đã nhận được sự đồng cảm của nhiều nhà thơ và bạn đọc, công chúng .

Tìm cách diễn đạt dễ hiểu, gần gũi, giàu tính nghệ thuật nhưng không cao xa, trừu tượng mà dễ thâm nhập vào cảm xúc của công chúng cũng chính là cách người làm thơ thể hiện trách nhiệm công dân.

Đặc biệt trong những ngày này, có lẽ nhiều người yêu thơ có chung niềm mong đợi với nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại: "Bản thân tôi rất chờ đợi những tác phẩm viết sát hơn với đời sống nhân dân và thể hiện cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm công dân đối với xã hội, đối với đất nước và dấn thân vào những nơi nóng bỏng của cuộc sống để nó là tiếng nói của thời đại hôm nay".

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu