Những ngày tháng này, câu chuyện về tình phụ tử vĩ đại của cha con nghệ sĩ Quốc Tuấn nhận được rất nhiều chia sẻ của người đọc, người xem cả trong và ngoài nước.
Những câu chuyện về tình cảm gia đình thiêng liêng như thế, cũng đang được chia sẻ trong những cuốn sách hay. của nhiều NXB, những cuốn sách như ngọn gió mát xoa dịu tâm hồn.
"Hạnh phúc trong năm lá thư của mẹ” của Pascale Perrier là một tác phẩm văn học Pháp rất thực tế và giàu tính nhân văn. Tình mẫu tử thiêng liêng luôn là đề tài, là nguồn cảm hứng của văn chương. Từ trước đến nay, nhắc đến những cuốn sách về tình mẹ, người ta thường nghĩ tới những áng văn xúc động khiến người đọc rơi nước mắt. Khác với những tác phẩm văn học cùng chủ đề, “Hạnh phúc trong 5 lá thư của mẹ” lại khiến độc giả cảm động theo một cách rất riêng. Câu chuyện mở ra những tình huống về chủ đề mất mẹ, về tình yêu và sự tìm kiếm nhân cách của trẻ với triết lí “tôi là ai” thông qua những câu hỏi liên tục và những cuộc phiêu lưu của Chloé, cô bé mồ côi mẹ.
Dịch giả Lise Nguyễn, người chuyển ngữ tác phẩm chia sẻ: “ Tác phẩm sẽ mang lại điều gì đấy cho người đọc, nhất là những người đọc trẻ. Bởi vì tác giả của cuốn sách cũng là một người rất yêu trẻ. Bà làm trong thư viện, sau này chuyển sang viết chuyên nghiệp. Và đối tượng mà tác giả nhắm đến chính là các bạn trẻ, từ tuổi nhỏ đến lứa tuổi 14-15, lứa tuổi đang nổi loạn, đến tuổi chập chững thành người lớn là tuổi 18. Cái được lớn nhất khi các bạn đọc tác phẩm này là các bạn sẽ hiểu tình yêu của người mẹ đối với mình như thế nào. Dù mẹ không nói mẹ yêu mình, nhưng trong sâu thẳm mẹ rất yêu. Để cho con biết rằng mẹ luôn luôn yêu con, mẹ luôn luôn có con ở trong lòng, con cũng không bao giờ mất đi tình yêu của mẹ. Đấy thực ra là một điểm tựa rất vững chắc để sau này khi con lớn trên đường đời hoặc con có những vấp ngã thì con biết rằng luôn có người phía đằng sau mình. Điều ấy rất quan trọng.”
Câu chuyện kể về Chloe, 15 tuổi, bỗng phải học cách sống trước cái chết đột ngột của mẹ, do bà vừa bị phát hiện có một khối u trong não, bệnh phát triển nhanh và đã không qua khỏi khi phẫu thuật. Dù có chị gái Joséphine 19 tuổi và anh trai Gaspard 17 Tuổi. Joséphine là sinh viên Y khoa và đồng thời là người bảo mẫu cho những đứa em, nhiều khi Chloe nghĩ rằng em bị bỏ rơi, và lúc ấy, những kỉ niệm về mẹ lại trỗi dậy cùng với sự tủi thân thường thấy nơi trẻ đang lớn. Và suốt trong năm năm, mỗi năm một lần, người luật sư của gia đình lại gọi ba chị em để mở 1 lá thư người mẹ gửi. Trên cái nền hiện thực mất mát, đau buồn ấy, lại là một cuốn sách chan chứa sự lạc quan.
Dịch giả Hiệu Constant từng giới thiệu về tác phẩm này: «Chủ đề về những lá thư mà cha mẹ viết khi biết mình khó qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo gửi lại cho các con và chỉ định chúng sẽ đọc theo khoảng thời gian nhất định khi mình qua đời để tiếp tục chia sẻ chút cuộc sống với các con thì không còn mới với bạn đọc, nhưng trong tác phẩm này, Chloé đúng là đang ở ngưỡng cửa bản lề của cuộc sống. Những lá thư nhẹ nhàng, không mang tính triết học tiên nghiệm, cũng chẳng có những lời yêu thương mà ta thường tìm thấy. Và mỗi lá thư lại khiến bạn đọc ngạc nhiên, một sự ngạc nhiên thú vị pha chút bâng khuâng, và Chloé cũng ngạc nhiên không kém».
Lise Nguyễn, từng giảng dạy kinh tế tại trường Đại học Sorbonne và trường Đại học Paris 12 của Pháp, lần đầu tiên dịch một tác phẩm văn học, cho biết việc dịch cuốn sách đến với cô thật tình cờ: “Tôi dịch cuốn sách này cũng rất vô tình thôi. Bởi vì ngày xưa tôi học xong Đại học Ngoại thương thì có học bổng đi du học. Học xong thạc sĩ, tốt nghiệp đứng đầu cả khóa nên Bộ Giáo dục bên đó cấp học bổng cho mình làm nốt tiến sĩ. Sau đó mình giảng dạy ở các trường đại học bên đó.Tôi mới về Việt Nam công tác được hai năm. Tôi có một cô em gái công tác trong ngành xuất bản, là nhà Bách Việt. Một hôm cô em bảo chị thử đọc xem cuốn sách này nghe cũng hay hay. Đọc thử bản tóm tắt và mấy trang đầu tiên của cuốn sách. Thực sự chủ đề này tôi rất cảm động. Nét văn rất hồn nhiên, rất nhẹ nhàng, trong khi câu chuyện chính nội dung thật sự rất đau đớn, rất buồn. Cho nên mình cũng tìm thấy hình ảnh của mình là một người mẹ thương con như thế nào trong đó. Cho nên mình bảo cô em gái là Cuốn sách này được đấy, dịch đi.”
Dịch giả Lise Nguyễn |
Từng là một cô gái nhỏ mê văn học, ham đọc sách, học chuyên Pháp rồi theo chuyên ngành kinh tế rồi cũng đi giảng dạy, cũng viết lách nhưng toàn viết về khoa học, về báo chí, chiến lược doanh nghiệp, những vấn đề vĩ mô hoàn toàn xa vời, không có gì liên quan đến văn học, nhưng “Hạnh phúc trong 5 lá thư của mẹ” đã đưa Lise Nguyễn trở lại giấc mơ nho nhỏ ngày xưa với văn học, khi dịch từng trang bản thảo. Cô đánh giá cách viết của Pascale Perrier rất nhân văn trong một tinh thần lạc quan, truyền nghị lực sống.
Những lá thư nhẹ nhàng, không mang tính triết học tiên nghiệm, cũng chẳng có những lời yêu thương mà ta thường tìm thấy. Nhưng mỗi lá thư lại khiến bạn đọc mỉm cười để rồi rơi nước mắt với tình mẫu tử thiêng liêng.