Đưa văn chương lên nền tảng số: Khó khăn hay là cơ hội?

Dương Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Trong xu thế công nghệ số len lỏi vào từng lĩnh vực của đời sống xã hội, thì việc audio book lên ngôi là điều tất yếu.

Hiện nay, công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn chương nghệ thuật. Trào lưu số hóa tác phẩm văn học lên nền tảng số đã và đang có bước tiến như thế nào tại Việt Nam?

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 Hiện nay việc đưa tác phẩm văn học lên nền tảng số bằng hình thức sách nói (audiobooks) thì đã có một số đơn vị xuất bản điện tử như là Voiz FM, Fonos, Waka… thực hiện bài bản, thu hút được lượng thính giả nhất định theo dõi. Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, là một trong những đơn vị xuất bản sách in rất mạnh về ấn phẩm văn chương, trong đó có các nhà văn nước ngoài (mua bản quyền), các nhà văn trong nước và tác giả đương đại. Khi hình thức audio books phát triển thì ngay lập tức Nhã Nam cũng nắm bắt ngay trào lưu này. Đó là làm việc trực tiếp với các đơn vị xuất bản điện tử để có thể phát hành sách nói trên nền tảng số.
Đưa văn chương lên nền tảng số: Khó khăn hay là cơ hội? - ảnh 1Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy (bên trái) tại phòng thu của VOV6 - Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chị Nguyễn Hoàng Diệu Thủy (biên tập viên của Nhã Nam) cho rằng sách nói đã mang đến trải nghiệm hoàn toàn khác so với chúng ta đọc sách giấy: "Trước đây thì chúng ta chỉ có suy nhất là sách in và chỉ có thể ngồi tại chỗ, vào một thời điểm nhất định để đọc thôi. Còn sách nói (audio book) thì lại mang đến một trải nghiệm hoàn toàn khác, tức là chúng ta nghe trong khi di chuyển, hoặc thực hiện nhiều công việc khác cùng một lúc. Điều này rất hợp với không khí tích hợp bây giờ. Sách nói không chỉ phát triển ở Việt Nam mà hiện nay trên thế giới cũng phát triển mạnh mẽ. Với cách thức này thì sẽ lan tỏa tốt hơn các tác phẩm văn học tới đông đảo công chúng vì chúng ta có thêm một hình thức để thưởng thức những cuốn sách, các tác giả mình yêu thích."

Nghiên cứu của tổ chức quốc tế Omdia, thì thị trường sách nói ở nước ta đang có những điều kiện được đánh giá là vừa đủ cho sự phát triển của sách nói. Kết nối internet được phổ cập khắp nơi, số lượng người sử hữu điện thoại thông minh ngày càng cao, thời gian dành cho các loại hình nội dung số ngày càng tăng.

Theo chia sẻ của ông Lê Hoàng Thạch (Tổng Giám đốc Công ty Voiz FM) thì đơn vị dành tỉ lệ 20% cho mảng sách văn chương. Đây là con số rất khả quan đã khích lệ, động viên các nhà văn trong hành trình sáng tác: "Hiện nay Voiz FM có hơn 2000 nội dung đủ các loại sách nói, truyện nói… Trong đó số lượng sách văn học chiếm số lượng 20%, đa dạng các thế loại: văn học kinh điển của nước ta và trên thế giới, các tác giả Việt Nam tiêu biểu, tác giả Việt Nam đương đại, tác giả nước ngoài… của các nhà xuất bản trong và ngoài nước. Là đơn vị mới ra đời nhưng Voiz FM hiện đang dẫn đầu về ứng dựng sách nói bản quyền, thu hút khoảng 1 triệu 5 trăm ngàn lượt tải, trong số đó có hơn 20% là những người sẵn sàng trả tiền mua các gói thuê bao để nghe aidio book. Ở nước ta, số lượng người trẻ có nhu cầu trau dồi kiến thức, thưởng thức tác phẩm văn học đang tăng rất nhanh. Với loại hình sách nói thì họ có thể tận dụng khoảng thời gian vừa lái xe, chạy bộ, hoặc trước khi ngủ thì họ sẽ nghe nhiều thể loại truyện văn chương hoặc sách kỹ năng… Với nhu cầu đó thì trong tương lai không xa mảng sách nói sẽ chiếm ưu thế trên thị trường."

Mỗi lĩnh vực xuất bản đều có thế mạnh riêng, được cầm trên tay cuốn truyện mình yêu thích là một hạnh phúc lớn. Việc nghe tác phẩm văn chương trên nền tảng số mang đến cho chúng ta nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Nắm bắt được xu thế này Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên là một trong các đơn vị ở địa phương làm rất tốt mảng số hóa các tác phẩm văn chương trên nền tảng số.

Theo bà Nguyễn Thúy Quỳnh (Chủ tịch Hội) thì ngoài làm chủ thiết bị công nghệ, mỗi cá nhân cũng luôn phải “nâng cấp” mình trong từng tác phẩm: "Tham gia vào chuyển đổi số là xác định bước vào sân chơi lớn, ở đó những gì chúng tôi cống hiến cho công chúng đều ở thế cạnh tranh. Vậy nên đó là thách thức để lựa chọn, hoàn thiện tác phẩm mà mình muốn giới thiệu tới đông đảo công chúng. Tất nhiên ban đầu không phải lúc nào cũng thành công. Điều này đòi hỏi phải nâng tầm đội ngũ của mình lên, để hướng tới những yêu cầu cao."

Tổ chức phi chính phủ VAF nhiều năm qua đã miệt mài xây dựng được hệ thống thư viện sách nói cho cộng đồng người khiếm thị. Nhiều tác phẩm văn chương được thực hiện bằng âm thanh đã giúp đời sống tinh thần của người khiếm thị ngày càng phong phú, để sống và làm việc có ích. Nhà báo Song Hiền- công tác viên quen thuộc của tổ chức VAF chia sẻ tác dụng tích cực của việc nghe truyện bằng audio book của người khiếm thị: "Audio book phải có thế mạnh thì mới hấp dẫn được những người đang là độc giả chuyển sang là thính giả. Giọng thể hiện phải truyền cảm đó là điều đặc biệt số 1. Tiếp đến là âm nhạc, tiếng động của cuộc sống, của các loài vật, của thiên nhiên … thì giúp cho cảm xúc của người nghe cảm nhận rõ rệt, gần gũi tác phẩm văn học."

Còn nhà thơ Nguyễn Quang Hưng thì rất vui khi tác phẩm thơ văn của anh được sống thêm một đời sống nữa bằng âm thanh sau khi đã xuất bản bằng giấy: "Tác phẩm văn chương có giá trị lâu dài thì nó có khả năng đồng hành với chúng ta trong một quãng thời gian dài hơn lần đọc thứ nhất. Khi triển khai công nghệ số hóa này thì tôi thấy rằng giá trị đó của văn chương càng được khẳng định, càng được ghi nhận bằng những hình thức đa dạng khác nhau. Ví dụ chúng ta được nghe lại tác phẩm qua các giọng đọc phát trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, sau đó là qua số hóa ở trên mạng thì tác phẩm văn chương lại được nhân thêm đời sống khác."   

Sách nói phát triển mạnh khoảng vài năm trở lại đây. Với tín hiệu khả quan này thì các nhà văn và người cầm bút hoàn toàn có thể tự tin đưa tác phẩm văn chương lên nền tảng số. Tuy nhiên việc ra nhập sân chơi lớn trên không gian mạng luôn đòi hỏi người cầm bút phải không ngừng cố gắng trong việc tìm kiếm đề tài, xây dựng cốt truyện cùng phong cách viết.

Điều này đã được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) chia sẻ: "Các nhà văn, kể cả các nhà văn lớn tuổi rất quan tâm tới công nghệ. Họ dùng mạng xã hội để quảng bá tác phẩm của mình và nhiều bạn văn khác. Điển hình là Trung tâm Bản quyền Hội Nhà văn thường xuyên tiếp nhận các nhà văn tới đăng ký bản quyền đứa con tinh thần khi chuyển sang sách in, sách điện tử và sách nói. Trong xu thế công nghệ số len lỏi vào từng lĩnh vực của đời sống xã hội, thì việc audio book lên ngôi là điều tất yếu. Bạn đọc sẽ có thêm kênh nữa để tiếp cận văn chương một cách dễ dàng. Cho dù sách in vẫn là một sản phẩm quan trọng nhất có trong hệ thống thư viện, vẫn mang lại cảm giác khác biệt cho bạn đọc. Thế nhưng các phương hình thức khác của truyền thông, của công nghệ sẽ giúp nhà văn truyền tải tác phẩm đến với công chúng rộng rãi, ở nhiều tầng, nhiều không gian khác nhau."

Cùng với xu thế của thế giới, thói quen đọc của độc giả nước ta cũng đang có những bước chuyển dịch trong quá trình tiếp cận tác phẩm. Việc đưa tác phẩm văn chương lên nền tảng số sẽ là bước phát triển quan trọng trong quá trình lan tỏa các giá trị chân, thiện, mỹ tới đông đảo độc giả và thính giả nước nhà.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu