Đưa phim Việt tiếp cận thị trường quốc tế

Vũ Hường/VOV- TP Hồ Chí Minh
Chia sẻ
(VOV5) - Phim thương mại Việt cần phải phát triển đề tài hơn nữa, không chỉ là những đề tài lấy đi nước mắt mà còn phải có những nội dung có thể vươn ra được thị trường quốc tế. 

Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Hoàng Sang:

 Liên hoan phim Quốc tế TP Hồ Chí Minh diễn ra từ mùng 6/4 hết ngày 13/4 với nhiều hoạt động như: trình chiếu các bộ phim và giao lưu với các đạo diễn, Chợ dự án phim, Vườn ươm kịch bản. Song song đó là các hội thảo liên quan đến điện ảnh như: Tương lai của điện ảnh Đông Nam Á, Xu hướng và công nghệ làm phim mới, Hội nghị Phát triển điện ảnh TP.HCM,… thông qua đó kết nối người làm phim lẫn công chúng yêu điện ảnh. Từ các hội thảo này, các chuyên gia trong giới đã có những ý kiến thiết thực về việc đưa phim Việt tiếp cận thị trường quốc tế.

Phim thương mại Việt cần phải phát triển đề tài hơn nữa, không chỉ là những đề tài lấy đi nước mắt mà còn phải có những nội dung có thể vươn ra được thị trường quốc tế. Thông tin này được đưa ra tại hội nghị Lãnh đạo điện ảnh Đông Nam Á bàn về tương lai của điện ảnh Đông Nam Á, trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM lần thứ nhất.  

Đưa phim Việt tiếp cận thị trường quốc tế  - ảnh 1Hội nghị lãnh đạo điện ảnh Đông Nam Á trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần thứ 1

Nhà sản xuất phim Raymond Phathanavirangoon, cựu Chủ tịch SEAFIC (một chương trình đào tạo dành cho các nhà làm phim Đông Nam Á) cho biết, nhìn vào thị trường điện ảnh của Hàn Quốc có thể thấy, những bộ phim nổi tiếng được đưa ra toàn cầu để tiếp cận với công chúng. Thậm chí còn đến cả những liên hoan phim như "Exhuma: Quật mộ trùng ma" từng giới thiệu ở Liên hoan phim Berlin năm 2024. Để thực sự bước chân ra toàn cầu, những bộ phim thương mại cũng gặp không ít khó khăn, do đó mà những liên hoan phim cũng là cầu nối để đưa những bộ phim đi xa hơn.

Ngược lại, ở Việt Nam, điện ảnh có rất nhiều nhân tài nhưng những bộ phim làm ra lại chỉ nổi tiếng và phát triển ở thị trường trong nước. Hiện nay một số bộ phim thương mại chỉ tập trung vào một lượng khán giả trong nước với những đề tài gây cười hoặc cảm động. Đến lúc nào đó, khán giả trong nước cũng sẽ chán với những nội dung này. Thái Lan là quốc gia từng vấp phải con đường như vậy.

Ông Raymond nói: “Một trong những điều mà Hàn Quốc đã làm rất tốt là họ đã học hỏi từ Pháp hay những quốc gia có kinh nghiệm khác trong việc phát triển phim ra toàn cầu. Và Việt Nam cũng cần học hỏi tương tự từ việc kiểm duyệt cũng như không chỉ dừng lại ở những đề tài cảm động, hài hước, chỉ phục vụ trong nước.”

Không nhiều nhà làm phim Việt thực sự tính toán đem phim của mình hướng đến thị trường quốc tế ngay từ khi bắt đầu sản xuất. Đó cũng là một trong những nội dung được đề cập trong hội thảo Liên hoan phim toàn cầu 101, trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM.
Đưa phim Việt tiếp cận thị trường quốc tế  - ảnh 2Hội thảo Liên hoan phim toàn cầu 101

Bà Trần Phương Thảo, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị, Công ty TNHH BHD cho biết, ở thị trường nội địa, phim hài kịch có thể rất phổ biến và dễ tiếp cận với khán giả trong nước, nhưng lại rất khó để đưa ra thị trường quốc tế do yếu tố văn hoá. Bởi khi làm phim, những nhà làm phim mới chỉ hướng đến thị trường trong nước vì họ nghĩ rằng lượng khán giả này quan trọng hơn và thị trường quốc tế tiêu thụ không đáng kể.

Một khó khăn nữa là khi quảng bá phim ở thị trường quốc tế là những bộ phim trong nước vẫn chưa có kế hoạch cụ thể ngay từ khi bắt tay vào sản xuất, dẫn đến thất bại trong việc đáp ứng yêu cầu mà các nhà tiếp thị ở thị trường nước ngoài đòi hỏi. Bà Thảo nói: “Khi những bộ phim muốn đưa ra thị trường quốc tế, lúc đó nó đã hoàn chỉnh đo đó rất khó khăn để đưa phim ra toàn cầu sau khi ra mắt ở Việt Nam. Hiện nay việc đưa phim trong nước ra thi trường quốc tế vẫn còn rất nhiều thách thức, ngoại trừ phim Mai của Trấn Thành đã làm rất tốt cả ở trong nước và quốc tế."

 Bên cạnh đó, việc hợp tác sản xuất trong phim ảnh cũng là thách thức với những nhà làm phim Việt.  Bà Winnie Lau, cựu Giám đốc phát triển và phân phối tại châu Á, công ty con của SKE cho rằng, Việt Nam là một thị trường điện ảnh đang phát triển, người làm phim có nhiều cơ hội cũng như đóng góp cho nền điện ảnh, ví dụ như Mai hay Người vợ cuối cùng,…Tương tự, người Việt cũng góp mặt trong nhiều khâu sản xuất phim nhưng là kết hợp với các nhà sản xuất từ Mỹ, Nhật, Hàn.

Bà Winnie cũng cho rằng, còn một chặng đường rất xa để những nhà làm phim Việt tiếp cận và sản xuất ở thị trường Mỹ hay châu Âu. Nhưng ngược lại, với những nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, …lại hoàn toàn có khả năng, vì các nước có sự tương đồng về văn hoá, thị trường và cả những nhà làm phim đều sẵn có.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu