Đòn bẩy trong việc tạo dựng tác phẩm văn học nghệ thuật nhân văn

Dương Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “Việc tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” là đòn bẩy quan trọng trong việc nhìn nhận những gì đã làm được...

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Năm 2008, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” ra đời như một cú huých, trở thành nguồn động viên to lớn đối với đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn học nghệ thuật. Để đánh giá những thành quả trong suốt 15 năm thực hiện nghị quyết này, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương vừa tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Nhìn lại 15 năm thực hiện nghị quyết 23 của Bộ chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Đòn bẩy trong việc tạo dựng tác phẩm văn học nghệ thuật nhân văn - ảnh 1Quang cảnh hội nghị

Nghị quyết 23 xác định nhiệm vụ của văn học nghệ thuật thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế như hiện nay rất cần phát huy yếu tố toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ;  phấn đấu tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao đáp ứng nhu cầu văn hóa- tinh thần ngày càng cao của nhân dân.

Đây là điều được PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đặt ra: "Bám sát tinh thần và mục tiêu của nghị quyết 23 về chủ trương, giải pháp để xây dựng nền văn học nghệ thuật nước nhà trong thời kỳ mới. Làm sao để tập trung mọi nguồn lực để xây dựng nền văn học nghệ thuât Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân thiện mỹ. Xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ một cách toàn diện cả về số lượng, chất lượng, bản lĩnh. Làm sao để văn học nghệ thuật nước nhà phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần tư tưởng nhân văn, phấn đầu có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người, vừa có tác dụng định hướng đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân, chăm lo quý trọng tài năng văn học nghệ thuật, tôn trọng tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập của văn nghệ sĩ."

Từ hiện trạng các câu lạc bộ thơ mọc lên như nấm, nhà thơ Vũ Quần Phương cảnh báo tình trạng nghiệp dư hóa, phong trào hóa các hội sáng tác văn học nghệ thuật khiến chất lượng tác phẩm đi xuống, thái độ của công chúng đối với tác phẩm không còn “thiêng liêng” như trước. Nhà thơ Vũ Quần Phương đề nghị cần đánh giá lại các phong trào, các tác giả nhận định đúng ưu điểm, khuyết điểm, không nể nang, dễ dãi. 

Đề tài biển đảo cũng được Nghị quyết 23 nêu rõ. Văn học Việt từ lâu có khá nhiều tác phẩm về chủ đề biển đảo của Tổ quốc, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước. Trải qua thời gian, văn học về biển đảo vẫn không ngừng được sáng tác, làm phong phú và tạo nên sự đặc sắc riêng. Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng- Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng cho rằng cảm hứng sáng tác về chủ đề biển đảo quê hương vẫn tiếp tục được các văn nghệ sĩ Đà Nẵng kế thừa và phát huy trong bối cảnh mới: "Rất nên viết về Trường Sa, đặc biệt là đối với văn nghệ sĩ Đà Nẵng thì việc đi thực tế ở Trường Sa có những sáng tác về biển đảo thường có liên tưởng tới Hoàng Sa. Đó cũng là yếu tố làm nên cái mới, cái khác đối với các sáng tác viết về biển đảo tổ quốc. Bởi vì còn nhớ là không mất. Chúng ta không thể mất Hoàng Sa khi còn nhớ tới Hoàng Sa. Câu chuyện về biển đảo đất liền, về mối quan hệ giữa những con người ngày đêm canh gác tiền tiêu của tổ quốc với gia đình của họ nơi đất liền… từ đề tài đó chúng tôi phát hiện ra các ý tưởng nghệ thuật của văn nghệ sĩ khi tiếp cận Trường Sa."

Dòng văn chương, nghệ thuật về đề tài dân tộc, miền núi luôn có sức sống mạnh mẽ và mang đến màu sắc đa dạng. Tuy nhiên, trước sự chuyển mình mạnh mẽ của nhịp sống hiện đại, văn học đề tài dân tộc, miền núi cần những cú hích lớn để bắt nhịp cùng thời đại. Để làm tốt điều này thì rất cần sự nhập cuộc mạnh mẽ của lớp trẻ. Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, họ dần khẳng định tài năng bên cạnh đội ngũ văn nghệ sĩ gạo cội.

Điều này được nhà văn Niê Thanh Mai- Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk; Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam nhấn mạnh trong hội nghị: "Bạn đọc về văn hóa Tây Nguyên thì sẽ cảm nhận được rằng văn nghệ sĩ Đắc Lắc yêu vùng đất mình đang sinh sống như thế nào. Điều này thể hiện ở tất cả các chuyên ngành, lĩnh vực góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc vùng miền ở Tây Nguyên. Làm thế nào để đưa được các tác phẩm văn học nghệ thuật về với vùng sâu vùng xa để bà con dân tộc được thụ hưởng."

Nghệ thuật biểu diễn trong những năm qua đã và đang phát huy được vai trò tích cực trong việc truyền tải cái đẹp đến gần hơn với công chúng. Có nhiều hơn các bộ phim nghệ thuật ra rạp, bên cạnh dòng phim giải trí. Mảng sân khấu ngoài dựng lại nhiều vở diễn đi cùng năm tháng, thì các nhà hát đã mạnh dạn đầu tư sản xuất vở diễn mang hơi thở cuộc sống hiện đại, hội nhập hôm nay. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây chính là sự thờ ơ của công chúng khi mất dần thói quen tới rạp. Đó cũng là trăn trở của PGS.TS Trần Trí Trắc (lĩnh vực Sân khấu) và GS.TS Trần Thanh Hiệp (lĩnh vực Điện ảnh):

 PGS, TS Trần Trí Trắc nói: "Mỗi quan hệ biện chứng là sân khấu không thể không có khán giả. Nếu sân khấu ấy không có khán giả thì dẫu có hàng trăm, hàng nghìn nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú thì cũng chỉ là hư danh mà thôi. Chúng tôi làm nghệ sân khấu trăn trở rất nhiều và luôn luôn tìm cách để tháo gỡ. Chính vì thế phải đào tạo khán giả là vô cùng cần thiết. Bởi từ khi cách mạng ra đời, đảng cũng đào tạo khán giả. Nhưng từ khi bắt đầu đổi mới tư duy thì chúng ta quên khán giả. Vì thế khán giả không tiếp cận được với sân khấu, để họ tự do lựa trọn theo ý thích cá nhân. Vì thế tôi nghĩ rằng việc làm thiết thực nhất lúc này là đào tạo khán giả."

"Lý luận phê bình được coi là bộ phận không thể tách rời trong tiến trình phát triển của một nền điện ảnh, nhưng thực tế lĩnh vực này đang đứng trước những nguy cơ ngày càng mất vai trò trong sự phát triển của điện ảnh, nếu như không có một sự nhận thức lại trong sự thay đổi rất lớn hiện nay. Cảm giác trong nhiều trường hợp bộ phận lý luận phê bình đang đứng bên lề của sự phát triển, không ít vấn đề nóng gây tranh cãi thậm chí đối lập nhau, mà chúng ta thấy thưa vắng hẳn tiếng nói của lý luận phê bình, vai trò thì nhạt nhòa." - GS.TS Trần Thanh Hiệp khẳng định.

Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “Việc tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” là đòn bẩy quan trọng trong việc nhìn nhận những gì đã làm được, từ đó tiếp tục phát huy mặt tích cực, chỉnh sửa những điều không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của cuộc sống đương đại, nhằm phát triển một nền văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu