Nghe âm thanh bài tại đây:
Kết hợp giữa vũ đạo, âm nhạc đương đại với các chất liệu nghệ thuật tuồng, vở diễn “Đối diện với vô cùng” thuộc dự án hợp tác giữa Dự án văn hoá, nghệ thuật đa ngành “Lên Ngàn” và Nhà hát Tuồng Việt Nam cùng biên đạo múa Tú Hoàng, ra mắt công chúng tại Rạp Hồng Hà, Hà Nội vừa qua đã mang đến góc tiếp cận mới mẻ cho công chúng với sân khấu truyền thống theo cách thức sáng tạo.
Bối cảnh của vở diễn là thời điểm hậu mở cửa từ năm 1986 tới những năm 2000, nơi mà tính cá nhân được giải phóng, nhưng đồng thời sự cô đơn cũng xuất hiện, cảm xúc cá nhân dễ lạc lõng trong xã hội.
Trong vở diễn, nhân vật chính trải qua sự do dự, bất lực, đau đớn; vừa nhìn lại quá khứ vừa do dự trong hiện tại rồi lại bất an lo lắng về tương lai, để cuối cùng nhân vật chính chọn đối diện, tìm ra giá trị mới cho sự tồn tại.
Chia sẻ về các chất liệu sử dụng trong vở diễn, ông Nguyễn Quốc Hoàng Anh, Giám đốc dự án “Đối diện với vô cùng”, phụ trách âm thanh, âm nhạc cho biết: “Với tác phẩm sân khấu này được rất nhiều chất liệu từ chuyển động, từ sân khấu diễn xướng cũng như biểu hiện về văn hóa đại chúng như những người tập aerobic hay những chuyển động tập thể trên đường phố và dựa trên nền tảng đó chính là các thế tay rồi động tác của các nhân vật điển hình. Âm nhạc được lấy cảm hứng chính từ bộ gõ truyền thống bộ gõ của người Việt, cụ thể là Tuồng, cũng như của các loại hình liên quan đến diễn xướng tâ m linh. Tôi thật sự ấn tượng đặc biệt với các đảo phách cũng như cách chơi các đoạn nhịp trong không gian truyền thống. Nó vừa bí ẩn vừa có sức lôi cuốn, đấy là điều mà không gian âm thanh của vở diễn này mong muốn mang đến, gợi nhớ ký ức cộng đồng, về hình thái Tâm Linh, cũng như cách con người chúng ta giao tiếp với thiên nhiên, đối diện với những điều vô cùng trong cuộc sống”.
Đặc biệt, tác phẩm cũng phản ánh tham vọng nghệ thuật của nhóm sáng tạo trong việc thể hiện phong cách nghệ thuật của các nghệ sĩ trong bối cảnh đa văn hóa, bằng cách đưa ra cách diễn giải của chính họ về cảm giác với sân khấu tuồng - thể loại sân khấu mang tính hàn lâm nhất trong nền nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.
Đánh giá cao ý tưởng và sự sáng tạo của các nghệ sỹ thực hiện vở diễn “Đối diện với vô cùng”, NSND Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục biểu diễn nghệ thuật, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho rằng: “Khi người ta xem một vở múa đương đại thì phải có kết nối, kết nối quả từ quá khứ đến hiện tại, đến tương lai. Kết nối nền tảng của chính bản thân và kết nối đến sự hiểu biết đối với thế giới và sự tưởng tượng đa chiều của chính cá nhân mỗi người. Đấy mới là cái hay nhất, bởi xem một tác phẩm nghệ thuật là chúng ta cũng không nhất thiết phải định hướng theo một kiểu nhất định, chúng ta hoàn toàn có thể tưởng tượng, đấy là cái giá trị rất hay của nghệ thuật".
Bên cạnh việc kết hợp giữa vũ đạo, âm nhạc đương đại với các chất liệu nghệ thuật tuồng, vở diễn còn pha trộn hài hòa giữa âm nhạc thể nghiệm và chất liệu từ nhạc điện tử Vinahouse - thể loại nhạc có điểm tương đồng với chầu văn.
Trong suốt vở diễn, trên nền ánh sáng ma mị; tiếng trống tế, đàn tranh, đàn bầu và âm nhạc điện tử tạo nên không khí vừa căng thẳng vừa hùng tráng, huyền bí mang đến nhiều ấn tượng cho công chúng yêu nghệ thuật.
Diễn viên Chaly Win và nghệ sỹ Đặng Bá Tài, Nguyên trưởng phòng nghệ thuật của Nhà hát Tuồng Việt Nam cho rằng: "Vở diễn rất hấp dẫn, gây sự chú ý và tò mò. Đối với một người nước ngoài tìm hiểu văn hoá Việt Nam khá lâu rồi, mình làm ngành diễn xuất, không phải múa, các lĩnh vực nghệ thuật của Việt Nam đều có giá trị riêng. Mình biết “Đối diện vô cùng” có một tham vọng để hiện đại hoá những món nghệ thuật truyền thống của Việt Nam để làm mới, rất ấn tượng".
“Đối diện với vô cùng” là vở diễn mang tính đột phá từ nội dung đến cách thể hiện, các nghệ sĩ đã dung hoà những kỹ thuật và ngôn ngữ chuyển động của múa đương đại, mang tính biểu tượng của phương Tây với nghệ thuật tuồng truyền thống.
Về ba đêm diễn vừa qua, vở diễn đã đã bán ra hơn 1.100 vé, trong đó người mua ở độ tuổi 22-35 chiếm tỷ lệ lớn, điều này cho thấy “Đối diện vô cùng” đã khẳng định sức hút từ sự sáng tạo và cách làm mới, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa công chúng trẻ với nghệ thuật truyền thống của dân tộc.