Chuyện tôi: Ấm áp những tình của người văn nghệ

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Hồi ức giúp hiểu thêm chân dung đời thường của những nhà văn được anh Nguyễn Huy Thắng kể lại.

Trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, thân thế sự nghiệp cũng như đời sống nội tâm của nhiều nhà văn tên tuổi đã thực sự trở nên sống động hơn sau khi có những trang ký, những hồi ức từ người thân trong gia đình họ, từ thế hệ Tự lực văn đoàn, văn học hiện thực phê phán đầu thế kỷ 20, tới những tác giả thời chống Pháp vv...

Mới đây nhất, lần đầu tiên, “Chuyện tôi”, hồi ức của Nguyễn Huy Thắng – con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, về cha mình và quá trình trưởng thành lập nghiệp của anh, đã ra mắt bạn đọc.

Chuyện tôi: Ấm áp những tình của người văn nghệ - ảnh 1

Chị Nguyễn Thúy Loan, Trưởng ban biên tập sách Văn học, Nhà xuất bản Kim Đồng, chia sẻ, những đồng nghiệp của anh Nguyễn Huy Thắng, như chị, đã rất hồi hộp chờ đón cuốn hồi ức ra đời: “Đây là một hồi ức xúc động. Cảm động nhất là những hồi ức về tuổi thơ của anh Thắng. Khi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, cha của anh mất, anh mới được 5 tuổi.

Trong gia đình, hoàn cảnh bố mất, mẹ có đến 6 người con như vậy, nhưng mọi người rất yêu thương nhau. Người mẹ tảo tần. Và những người bạn của cha thì vẫn không quên, vẫn thường ngày đến và giúp đỡ.

Trong hồi ức Chuyện tôi của anh Nguyễn Huy Thắng thấy cả tình nghĩa đồng nghiệp, làng xóm. Tôi nhớ nhất là những câu chuyện với một niềm kính yêu về nhà văn Nguyên Hồng, về nhà thơ Phạm Hổ, về những người người đồng nghiệp cũ của bác Nguyễn Huy Tưởng, như nhà văn Nguyễn Tuân...Các cụ vẫn đến hỏi thăm, chăm sóc các con của người bạn đã mất.”

“Một hồi ức hơn cả hồi ức” là bài viết trên báo Văn Nghệ về cuốn sách mới ra của Nguyễn Huy Thắng - cuốn "Chuyện tôi". Trong bài, tác giả Hoàng Du viết: "Hồi ức về cuộc đời con nhưng lại nói được về cha. Hồi ức về cuộc đời con nhưng lại ăm ắp và thấm đẫm tình cha con, một câu chuyện cảm động về tình phụ tử thiêng liêng...” “...Hồi ức đã vượt thoát khỏi câu chuyện cá nhân cho người đọc thêm một hình dung về chân dung, tính cách, cuộc đời của những nhà văn, nhà văn hóa, nhiếp ảnh gia, học giả... những người muôn năm cũ, tưởng rằng ai cũng đã biết bỗng hiện lên sống động mới mẻ..."

Cũng cảm nhận về điều này, chị Nguyễn Thúy Loan nhận xét: “Qua Chuyện tôi, trong hồi ức này còn có một điều hay nữa là hiểu thêm chân dung đời thường của những nhà văn được anh Nguyễn Huy Thắng kể lại, Chẳng hạn chính nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Mặc dù kỷ niệm về cha, hồi ức về cha không nhiều, nhưng ta thấy được qua tình yêu của người con, thì người cha vẫn sống mãi. Và những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng vì sao lại vẫn tiếp tục được mọi người yêu mến? Bởi vì cũng có sự vun đắp của gia đình.

Hai là qua đây, thấy những nhà văn như Nguyên Hồng rất là tính cảm, bác Nguyễn Tuân rất là trách nhiệm, nhà văn Kim Lân đầy tình thương yêu và bác Phạm Hổ thì thật đúng là một người chú, lấy cả xe đạp của con gái để tập cho con trai của người bạn, mà  mang đi một quãng đường có lẽ cũng khá xa. Qua đó hiểu thêm được nét đẹp trong cách ứng xử, đối nhân xử thế của những người đồng nghiệp, của các nhà văn ngày xưa đối với nhau.” - Chị Nguyễn Thúy Loan nhận xét.

Bố cục của Chuyện tôi gồm hai phần: Phần 1: Kỷ niệm và nhớ thương (chủ yếu viết về người Cha qua đời khi anh 5 tuổi); Phần 2: Trải nghiệm và đam mê. – Chủ yếu nói về quá trình trưởng thành và lập nghiệp của Nguyễn Huy Thắng. “Với 43 tiểu đoạn, gắn nối với nhau một cách liền mạch và linh hoạt, mục này gọi mục kia hiện lộ trong tổng thể nét một biểu tượng cảm động về tình cha con, hoặc một chân dung song đôi rõ nét về Cha và Con, cả hai hòa hợp và bổ sung cho nhau…”.

Chị Nguyễn Thúy Loan chia sẻ: “Phần thứ hai này cũng có những nỗi buồn, thấy cả những niềm háo hức và có những biến cố trong xã hội từ thời bao cấp trải qua đến giải phóng, sau bao cấp, đến những thay đổi trong công việc, nhận thức của anh Nguyễn Huy Thắng, Và tôi nghĩ hành trình từ thơ bé của anh Nguyễn Huy Thắng trong một gia đình trí thức, có những biến cố, nhưng để trở thành một người làm được những công việc có ích cho xã hội là một câu chuyện không phải của một cá nhân, của một gia đình mà có thể là của rất nhiều người sinh sống tại Hà Nội, sinh sống ở miền Bắc Việt Nam thời kỳ đấy.”

Nguyễn Huy Tưởng – người chép sử Việt bằng văn học, người đã tạc nên nhiều tượng đài bất hủ của người dân Việt trong lịch sử dựng nước và giữ nước, đã được giới nghiên cứu tìm hiểu rất nhiều. Nhưng những nghiên cứu về Nguyễn Huy Tưởng, đã có sự góp công làm sâu sắc, dày dặn thêm, nhờ những nỗ lực gìn giữ của bà quả phụ Trịnh Thị Uyên, cùng hành trình biên soạn, sắp xếp, công bố các di cảo một cách mạch lạc, khoa học của con trai nhà văn – anh Nguyễn Huy Thắng.

Hồi ức “Chuyện tôi”, đã chia sẻ hành trình tinh thần này, của cậu con trai dù mất cha từ 5 tuổi, mà luôn thấy hình bóng cha hiện diện quanh mình, qua những tác phẩm, trong trái tim những người thân, trong niềm thương yêu, mến tiếc của bằng hữu. Như anh đã viết trong những trang mở đầu “Chuyện tôi”: “Khi giận lắm, mẹ tôi mới nói: Thế này là chú Thắng không giống bố đâu”. Tôi biết trong câu nói ấy chất chứa không chỉ nỗi giận mà cả sự thất vọng về con trai mình” “Những cái đó ở cha là gì, nó phải như thế nào để khác với những điều xấu mà tôi trót phạm phải? Dòng suy nghĩ dần dẫn tôi đến một câu hỏi chung hơn: Vậy thì về đại thể, cha tôi là người như thế nào? Và đây chính là điều tôi sẽ truy tìm trong suốt cuộc đời mình, từ lời nhận xét của mẹ…”.

Chuyện tôi: Ấm áp những tình của người văn nghệ - ảnh 2Tác giả Nguyễn Huy Thắng - Ảnh: NXB Kim Đồng. 

Các nhà nghiên cứu về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có chung một nhận định, như nhà nghiên cứu Văn Giá từng nói: “Nguyễn Huy Tưởng là một người đối thoại với lịch sử, tra vấn cuộc sống một cách rất quyết liệt”, nên khi ấn bản nhật ký của ông do Nguyễn Huy Thắng biên soạn lại được công bố, các nhà nghiên cứu đã đặc biệt quan tâm về mặt văn bản học.

Nguyễn Huy Thắng đã chia sẻ về điều này một cách rất cởi mở trong cuộc hội thảo về Nguyễn Huy Tưởng: “Một thông tin mà tôi được biết trước khi công bố Nhật ký của cha mình, ngay ở Pháp một nước dân chủ đến như thế, mà nhật ký của một số nhà văn - như Flaubert, như tôi được biết - cũng không được công bố đầy đủ vì có những chuyện tế nhị. Tại sao lại như vậy? Vì nước Pháp, một nước dân chủ,  văn hóa cởi mở như thế, thì họ cũng có những tiêu chí của họ về văn hóa ứng xử.

Trở lại với nhật ký của cha chúng tôi, cá nhân chúng tôi có thể nói một cách có phần chủ quan chăng, đã tiếp cận nhật ký của cha mình một cách rất là dễ dàng, không có một vấn đề hay sự trở ngại gì cả. Tôi nhớ lại khi còn bé, các chị tôi lớn hơn một chút, hay có bạn lên chơi, các chị tôi đưa nhật ký của cha mình cho bạn bè đọc, thì mọi người đọc một cách rất thoải mái, không có vấn đề gì cả. Tôi tin rằng, xuất phát ở đây là do cha tôi viết nhật ký rất chân thành, chân thực. Những điều mà ông quan sát thấy thực sự nó đã từng xảy ra và với ngòi bút của ông, rất chân thành như thế, thì nó có vẻ rất tự nhiên, rất đương nhiên. Và người đọc cảm thấy không có gì là ngỡ ngàng.Đấy là không chính thức, thế nhưng khi công bố chính thức dưới dạng sách báo chẳng hạn, theo chúng tôi tự hiểu, cũng có những nguyên tắc của nó. Nếu có biên tập thì chỉ có lược bớt đi, có bỏ đoạn này đoạn kia ra chứ không bao giờ thêm bất kể một chữ nào.”

Và đó cũng là tinh thần xuyên suốt khi Nguyễn Huy Thắng làm việc lại với các tác phẩm của cha mình: trung thực, khách quan với tác giả, tác phẩm và cả với những đồng nghiệp đã khuất của cha. Điều này được thuật lại một cách từ tốn, chân thành trong “Chuyện tôi”.

Vì những đóng góp này, có báo chí đã gọi anh là “nhà Nguyễn Huy Tưởng học”, một “danh hiệu” mà, như anh chia sẻ nhật ký “bên cạnh những rầy rà” “còn gây cho tôi một sự hiểu lầm khác nữa”, nhưng Nguyễn Huy Thắng đã có một tâm niệm xuyên suốt hành trình biên soạn sách và viết lách “công việc của tôi nói chung được mọi người hoan nghênh. Tôi nghiệm ra, có được điều đó là do tôi luôn cố gắng khách quan, nhất là viết gì, nói gì, dù về cha mình hay liên quan đến ai, đều phải rất thật, hay như các cụ đã dạy, phải xuất phát từ lòng mình.”

Giáo sư Phong Lê, trong bài viết “Người cha thấy ở người con”về cuốn Chuyện tôi”, đã nhận xét: “Một trí nhớ khỏe, gắn với những chi tiết sống đắt giá – đó cũng là nguyên cớ để có những trang hay qua các chương mục, gắn với những chuyện đời và những chân dung người được kể.” “Cuốn sách với số trang và cách kể khiêm nhường này có giá trị một hồi ức và tự truyện; hồi ức về người cha Nguyễn Huy Tưởng; và tự truyện về người con Nguyễn Huy Thắng. Cả hai song đôi đi qua tất cả các sự kiện được chọn lọc rất tự nhiên và ăn ý cho đến trang cuối cùng.”

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu