Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh: Chúng ta có một mùa bội thu về tiểu thuyết

Dương Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 này sẽ là mùa gặt sung sức, sự kết tinh tài năng của nhiều cây bút tiểu thuyết chuyên nghiệp.

Tiểu thuyết là cỗ máy cái của văn học. Nhiều năm qua các nhà văn đủ mọi thế hệ vẫn âm thầm lặng lẽ sáng tác. Nhiều tiểu thuyết ra đời phong phú về chủ đề. Có tiểu thuyết về chủ đề lịch sử, tiểu thuyết hiện đại, tiểu thuyết chiến tranh…

Đặc biệt nhiều cây bút trẻ mới bắt tay vào nghề đã thử sức ngay ở thể loại tiểu thuyết. Và cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (từ năm 2015 - 2019) do Hội Nhà văn tổ chức đã có sự tham dự của hơn 200 đầu sách.

Thời gian tới Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tiến hành công bố và trao giải cuộc thi. Nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 trả lời phỏng vấn VOV về chất lượng tác phẩm dự thi lần này.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh: Chúng ta có một mùa bội thu về tiểu thuyết - ảnh 1Nhà thơ, Chủ tịch Hội nhà văn Hữu Thỉnh, Trưởng ban tổ chức cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5

PV: Thưa nhà thơ Hữu Thỉnh. Tới đây Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tiến hành rổng kết và trao giải Cuộc thi Tiểu thuyết lần thứ 5 (phát động từ 2015- 2019). Là người đứng đầu của Hội Nhà văn và cũng là Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi thì ông có thể đưa ra những đánh giá về chất lượng tiểu thuyết gửi về tham dự cuộc thi lần này?

Hữu Thỉnh: Hội Nhà văn Việt Nam đang chuẩn bị tiến hành tổng kết và trao giải Cuộc thi Tiểu thuyết lần thứ 5 với gần 200 tác phẩm tham dự. Theo đánh giá của Ban giám khảo là chúng ta có một mùa bội thu về tiểu thuyết. Các cuộc thi tiểu thuyết lần trước, chúng ta đã có được những cuốn sách chất lượng được đông đảo người yêu văn chương đón nhận.

Lần này theo đánh giá của tôi thì có nhiều tiểu thuyết rất đáng để công chúng chờ đợi vì chất lượng rất cao. Đặc biệt là những tác phẩm phản ánh về đề tài lịch sử dựng nước và giữ nước của quân và nhân dân ta. Những tác phẩm khai thác về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó còn có những tác phẩm đi vào vấn đề đạo đức xã hội hôm nay với cách viết sắc sảo, nhạy bén. Người cầm bút đã có hơn 30 tích lũy thì Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 này sẽ là mùa gặt sung sức, sự kết tinh tài năng của nhiều cây bút tiểu thuyết chuyên nghiệp.

Nhiều cuốn tiểu thuyết hay viết về đề tài lịch sử. Những tác phẩm này xúc động và hấp dẫn vô cùng bởi nó gắn với số phận con người cụ thể. Ví dụ tiểu thuyết Thái úy Lý Thường Kiệt của nhà văn Bùi Việt Sỹ. Nhân vật Lý Thường Kiệt được xem là một trái núi trong lòng đất, núi cao mà khiêm nhường, lấy đất làm nền cho vững. Ông đi suốt đời mình với tâm thế hiền thảo, với năng lực siêu quần, trên đỉnh cao quyền lực, trên đỉnh cao của thành công, nhưng suốt đời ở trong lòng dân, trong lòng đất nước. Điều đó đã được ngòi bút tiểu thuyết bậc thầy Bùi Việt Sỹ khai thác rất hay và điêu luyện.

Tiểu thuyết Từ Dụ Thái Hậu (gồm 2 tập: quyển Thượng và quyển Hạ) của nhà văn Trần Thùy Mai viết về đời sống cung đình, có những mặt tích cực nhưng cũng có những giằng xé, tranh giành nhau quyết liệt trong đời sống cung đình Huế, với những câu chuyện hậu cung triều Nguyễn.

Tiểu thuyết Quay đầu lại là bờ của nhà văn Hữu Phương được xây dựng khá thành công khi khai thác sự thành - bại, được - mất của những gia đình điển hình để phản ánh về một giai đoạn lịch sử cụ thể của đất nước. Với 400 trang tiểu thuyết đã “chạm” đến hầu hết những sự kiện lớn của đất nước hơn nửa thế kỷ vừa qua.

Cuốn tiểu thuyết Gió bụi đầy trời của nhà văn Thiên Sơn. Tác phẩm khai thác nhiều hình ảnh đời thường, dung dị của lãnh tụ Hồ Chí Minh trong những năm gian khó của cách mạng; … Việc biến nhân vật lịch sử như những tượng đài được tôn thờ hoặc chiêm ngưỡng thành nhân vật văn học với tất cả những biểu hiện phức tạp, sống động là một nỗ lực không nhỏ nhà văn thế hệ 7X này.

Tiểu thuyết Đường về Thăng Long của nhà văn Nguyễn Thế Quang cũng được đánh giá khá cao. Tác phẩm không chỉ viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà còn muốn nói đến sự chọn lựa của một thế hệ trí thức khi vận mệnh Tổ quốc lâm nguy... Theo tôi đánh giá thì Đường về Thăng Long có sự đổi mới mạnh mẽ trong bút pháp, kết cấu hiện đại hơn so với các tiểu thuyết trước đây của Nguyễn Thế Quang…

PV: Đã có rất nhiều đề tài được tiểu thuyết khai thác với một dung lượng dày dặn và hấp dẫn như nhà thưo vừa chia sẻ. Để có được điều này thì các nhà văn của chúng ta cần có một cái nền tiếp cận khá cao?

Hữu Thỉnh: Rất đúng. Một khía cạnh thành công trong cuộc thi tiểu thuyết này, là trên một cái nền rất cao, nền chuyên nghiệp, có sự tích lũy từ nhiều năm của các nhà văn khi đi sâu khai thác những vấn đề trung tâm nhất của xã hội hiện nay là đạo đức xã hội. Thứ hai là có sự cách tân về tiểu thuyết. Các nhà văn đã xây dựng nhân vật, cốt truyện xúc động, lớp lang rất công phu. Nhiều tác phẩm đã lấp được khoảng trống về lịch sử. Và để làm tốt điều này thì tôi vẫn muốn nhấn mạnh tới yếu tố cốt lõi đó là nền tiểu thuyết của chúng ta đang ở mức rất cao. Trên một nguồn sử liệu vô cùng phong phú mà các nhà văn có thể tích lũy được thì yếu tố quan trọng nhất, mang tính sống còn của tiểu thuyết đó là xây dựng nhân vật.  Xây dựng nhân vật cốt cách, có một đời sống nội tâm phong phú là điều không hề dễ dàng. Đây được xem là thử thách rất lớn đối với người cầm bút chuyên nghiệp. Cuộc thi tiểu thuyết lần này chúng tôi xem là cái mốc của sự phát triển tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.

PV: Chúng ta đã có nhiều cuốn tiểu thuyết về chiến tranh rất thành công. Và bây giờ trong cuộc sống đương đại, trong sự chuyển mình vươn xa của đất nước thì các nhà văn cũng đã nắm bắt được điều đó để đưa vào tác phẩm?

Hữu Thỉnh: Các nhà văn nắm bắt được một tâm lý quan trọng là con người càng tiến về phía trước thì càng có nhu cầu chiêm nghiệm về những bài học ở phía sau. Dù phản ánh về lịch sử hay các vấn đề của chiến tranh hoặc xã hội đương đại thì các nhà văn luôn đem đến cho bạn đọc những kinh nghiệm sống, sự từng trải của họ để xây dựng thành hình tượng nhân vật cụ thể.

Các nhà văn viết về con người ngày hôm nay, cung cấp cho con người ngày hôm nay những bài học kinh nghiệm của lịch sử, của quá khứ để có thể xử lý trong mọi diễn biến của cuộc sống, cung cấp một cách nhìn, một kinh nghiệm về ứng xử. Đấy là cung cấp điều quan trọng nhất để đồng hành cùng cuộc sống đương đại.

Năm nay Hội Nhà văn Việt Nam chuẩn bị tổng kết Cuộc thi và tiến tới Đại hội Nhà văn lần thứ X. Động viên các nhà văn luôn gắn bó, đồng hành với dân tộc, gắn bó sâu sắc với số phận, cuộc sống của nhân dân để có được những tiểu thuyết xứng đáng, xứng tầm với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một đất nước  đang phát triển. Tầm vóc, con người Việt Nam ngày hôm nay đang vươn lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh, làm chủ thời cơ như thế nào… Đấy là những vấn đề rất lớn đặt ra cho các nhà văn. Đặc biệt là vấn đề đạo đức xã hội vì đang là một vấn đề kêu gọi các nhà văn của chúng ta phải tham gia một cách tích cực với tư cách là một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa./.

PV: Xin cảm ơn nhà thơ Hữu Thỉnh về những thông tin vừa rồi

Hữu Thỉnh: Cảm ơn các bạn đã theo dõi câu chuyện của chúng tôi

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu