“Bé chịu chơi” – mang nhạc kịch gần hơn với công chúng Việt

Tú Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Được đầu tư dàn dựng với quy mô hoành tráng từ sân khấu, vũ đạo đến âm nhạc cùng với ekip hùng hậu, "Bé chịu chơi" được coi là vở nhạc kịch thiếu nhi lớn nhất Việt Nam trong năm 2017.
“Bé chịu chơi” – mang nhạc kịch gần hơn với công chúng Việt - ảnh 1 Sân khấu hoành tráng và lung linh của vở nhạc kịch Bé chịu chơi

Với sự đầu tư kĩ lưỡng và chỉn chu trong khâu dàn dựng, vở nhạc kịch "Bé chịu chơi" dường như đã để lại nhiều cảm xúc không chỉ trong lòng các khán giả nhí mà còn cả những người làm cha mẹ. Nhiều bậc phụ huynh ngày nay đôi khi vì muốn biến con cái thành bản sao của chính mình mà quên đi tuổi thơ hồn nhiên, vô tư của các em. Với thông điệp xã hội giản dị, gần gũi, mang đậm hơi thở cuộc sống hiện đại, một hình thức nghệ thuật tưởng chừng mới mẻ đã dễ dàng đi sâu vào lòng đông đảo công chúng theo cách như vậy.

“Bé chịu chơi” – mang nhạc kịch gần hơn với công chúng Việt - ảnh 2 Đạo diễn Việt Tú đến xem và cổ vũ vở nhạc kịch

Đạo diễn sân khấu Việt Tú cho rằng, đây có lẽ là vở nhạc kịch dành cho thiếu nhi tốt nhất từ trước đến nay tại Việt Nam: “Tôi thấy mọi người đa phần làm ra những vở diễn để chiều theo trẻ con. Nghĩa là đa phần thiên về giải trí đơn thuần, hoạt động có tương tác chứ nó chưa có sự ẩn trong đó cần có thông điệp xã hội dành cho trẻ em và nâng tầm trí tuệ của trẻ em lên. Tôi nghĩ rằng vở nhạc kịch lần này đã làm được tất cả những điều đó. Ở trong một bối cảnh chúng ta còn khá non kém về nhạc kịch thì hình hài của vở kịch này đã tiệm cận được với những vở nhạc kịch tôi đã từng xem dành cho trẻ em ở nước ngoài. Tôi nghĩ rằng điều đó rất quan trọng bởi như tôi đã nói. Chúng ta đừng coi trẻ con là con trẻ, bé tuổi không có nghĩa sự hiểu biết là ít ỏi. Chính vì thế chúng ta cần những vở diễn và hoạt động giải trí có thông điệp để nâng tầm hiểu biết của trẻ em lên”

“Bé chịu chơi” – mang nhạc kịch gần hơn với công chúng Việt - ảnh 3 Phân đoạn các bậc phụ huynh ganh đua về thành tích của các con

Đứng sau dự án này là đội ngũ nghệ sĩ giàu kinh nghiệm và tâm huyết với trẻ thơ như tổng đạo diễn chương trình, chỉ đạo nghệ thuật - nghệ sĩ Tấn Lộc, cố vấn nghệ thuật - nghệ sĩ Thanh Thủy, giám đốc âm nhạc - nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, đạo diễn sân khấu Nguyễn Khắc Duy, diễn viên chính Cát Tường và nhóm nhạc kịch Buffalo. Đây không chỉ là vở nhạc kịch thông thường mà còn có sự kết hợp nhuần nhuyễn của nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc trên sân khấu như xiếc, kịch tương tác. Sân khấu được thiết kế đầy màu sắc, lung linh, huyền ảo thu hút trẻ thơ cũng là một điểm cộng cho vở diễn.

“Bé chịu chơi” – mang nhạc kịch gần hơn với công chúng Việt - ảnh 4Sân khấu hoành tráng của vở nhạc kịch 

Đạo diễn Việt Tú chia sẻ: “Tôi nghĩ là về dàn dựng chúng ta đã có trong tay một trong những người dàn dựng tốt nhất ở thị trường giải trí để làm vở diễn này. Đấy là anh Tấn Lộc. Tôi thấy anh Tấn Lộc phát huy được tất cả sở trường của anh ấy về sân khấu, đó là mise-en-scene, cách dàn dựng sân khấu, cách chuyển cảnh, cách xử lý ánh sáng của biên đạo múa… Đây là một người rất hiểu về sân khấu. Tôi nghĩ rằng quan trọng hơn anh có một tâm hồn rất trẻ trung. Những chiêu sân khấu anh ấy đưa ra làm trẻ con rất thích, và các em cảm thấy được tương tác, được sống trong vở diễn, và tôi nghĩ rằng điều đó rất quan trọng”

Sau khi ra mắt công chúng TP. HCM với các suất diễn gần như kín rạp, ekip thực hiện tiếp tục đem vở diễn với 8 suất diễn đến với khán giả Hà Nội trong các ngày 21, 22 và 28, 29/10. Theo dõi phản ứng của khán giả sẽ dễ dàng nhận thấy rằng nếu như khán giả miền Nam cười vô cùng thoải mái với những tình tiết hài hước thì những khán giả trầm lắng của Hà Nội ít cười hơn. Thế nhưng điều đặc biệt vở nhạc kịch cũng lại lấy không ít nước mắt của khán giả thủ đô với những trường đoạn nói về tình cảm gia đình của hai nhân vật chính là mẹ Lam và bé Tí Nị.

“Bé chịu chơi” – mang nhạc kịch gần hơn với công chúng Việt - ảnh 5 "Mẹ chuẩn" bật khóc khi nhận ra lỗi lầm của mình

Không phải ngẫu nhiên mà trên thế giới, nhạc kịch luôn được coi là một phần tinh túy của nghệ thuật sân khấu. Ở đó phần nhạc, lời và những vũ điệu hòa quyên chặt chẽ như những chiếc đòn bẩy nâng đỡ lẫn nhau để tạo nên một câu chuyện mang tính thông điệp hoàn chỉnh. Đạo diễn dàn dựng vở nhạc kịch Nguyễn Khắc Duy chia sẻ: “Duy nghĩ thật ra nhạc kịch không lạ lắm với người Việt Nam đâu, nhạc kịch cổ truyền dân tộc như cải lương, tuồng chèo một thời gian rất thịnh hành ở Việt Nam, người ta quen cái việc nói xong rồi hát để thể hiện nội dung chứ không chỉ nói không. Có lẽ nó đang lắng xuống và trở lại với một thể loại phù hợp hơn với giới trẻ, và âm nhạc phù hợp hơn mọi người là nhạc kịch hiện đại, musical: sử dụng sự tự do thoải mái trong một câu chuyện kịch kết hợp với âm nhạc, rất phổ biến với hiện tại để tạo nên câu chuyện. Duy nghĩ rằng đây là một hướng chắc chắn trở thành xu hướng trong tương lai.”

“Bé chịu chơi” – mang nhạc kịch gần hơn với công chúng Việt - ảnh 6 Dàn diễn viên nhí tạo nên thành công của vở diễn

Để mang lại thành công của vở diễn, có lẽ không thể không kể đến sự góp mặt của dàn diễn viên nhí đầy tài năng. Những cô bé, cậu bé chưa đầy 10 tuổi nhưng đã chinh phục khán giả bằng giọng ca trong trẻo, khả năng diễn xuất xuất thần. Đạo diễn dàn dựng Nguyễn Khắc Duy kể lại: “Lần đầu tiên Duy làm việc với các bạn thiếu nhi, phải nói là các bạn rất hiếu động, hoạt bát và làm việc với thiếu nhi không hề dễ dàng như mình suy nghĩ. Một ngày các bạn có thể hỏi cả ngàn câu hỏi, mình phải trả lời và giải thích liên tục. Nhiều lúc mình thấy cũng đuối luôn, một chút các bé lại chơi đùa tưng bừng, nhiều khi khiến mình rất quá tải. Nhưng suy cho cùng nếu không nghe được những tiếng cười đó chắc mình không có những ý tưởng để làm nên vở diễn này”.

Vở nhạc kịch “Bé chịu chơi” tiếp tục đến với khán giả Hà Nội trong 4 suất diễn của ngày 28, 29/10. Một vở nhạc kịch “100% made in Việt Nam” từ ý tưởng, âm nhạc và dàn dựng được hy vọng sẽ là một món ăn tinh thần gần gũi với công chúng Việt./. 

Trailer vở nhạc kịch thiếu nhi Bé chịu chơi:

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu