Al viết văn: Thử thách người cầm bút

Dương Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Địa hạt mà chúng ta luôn tin rằng con người là “Một, là Riêng, là thứ Nhất” dường như cũng đang bị lung lay bởi có sự lấn sân của trí tuệ nhân tạo....

Nghe âm thanh bài viết tạid dây qua giọng đọc PTV Hùng Sơn:

 

Máy móc đã có thể viết kịch bản, sáng tác thơ, lời bài hát, thậm chí lấn sân sang cả thể loại tiểu thuyết – một địa hạt đầy thử thách với người viết. Trước sức mạnh của trí tuệ nhân tạo, những nhà văn, nhà thơ có thấy e ngại hay không?

"Có trò chơi làm thơ do máy làm theo phong cách Hồ Xuân Hương, theo phong cách Xuân Diêu, theo phong cách Tố Hữu, và theo phong cách Trần Đăng Khoa nữa. Tôi cũng có trong trò chơi đó nữa. Và chúng ta có thể ra đề tài cụ thể, ví dụ như là chiều tối, ghen, tình yêu, thất tình… thể loại thơ 7 chữ, 8 chữ, thì ngay trong tích tắc máy sẽ trả lại cho chúng ta tác phẩm như yêu cầu. Về mặt gieo vần thì rất chuẩn, nhưng chỉ có điều ngô nghê, không có cảm xúc. Chúng ta chỉ coi đó là trò chơi thì được, chứ xem đó là tác phẩm nghệ thuật thì sẽ không thể.

Al viết văn: Thử thách người cầm bút - ảnh 1 Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Ảnh: VOV

Công nghệ có thể phát triển rất mạnh. Nhưng riêng về sáng tạo nghệ thuật thì trí tuệ nhân tạo không thể làm được, và lại càng không thể thay thế sự sáng tạo, tài năng của con người."  - Nhà thơ Trần Đăng Khoa- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng rất quan tâm đến trí tuệ nhân tạo viết văn trong dòng chảy của Văn chương hiện đại.

Và theo ông thì kiểu trò chơi làm thơ trên máy tính chỉ được xem là trò chơi, chứ không thể coi đó là tác phẩm văn chương đích thực. Cho dù là như vậy thì địa hạt mà chúng ta luôn tin rằng con người là “Một, là Riêng, là thứ Nhất” dường như cũng đang bị lung lay bởi có sự lấn sân của trí tuệ nhân tạo.

Theo Trần Đăng Khoa thì máy móc không thể, và cũng sẽ chẳng bao giờ thay thế được cảm xúc của người sáng tác: "Đừng bao giờ nghĩ rằng bây giờ chúng ta viết bằng vi tính thì sẽ hay hơn là thời cụ Nguyễn Du viết bằng bút săt, bút lông. Trí tuệ nhân tạo hãy thử viết đoạn tả cảnh làng quê, tả cảnh chuyển mùa bằng bút pháp Nguyễn Du, tôi xin thưa rằng muôn năm không bao giờ tới được. Nhưng chúng ta cần phải tận dụng công nghệ của 4.0 của 5.0 để truy cập thông tin cần thiết cho việc sáng tác. Điều đó là rất cần. Chứ còn nhà văn là sáng tác, sáng tạo nghĩa là phải tạo ra cái mà trước không có, mà sau cũng ai bắt chước được. Điều này bao giờ cũng cần vì đó là sức sáng tạo của nhà văn mà máy móc không thể thay thế được.  

Trong kỷ nguyên công nghệ, trí tuệ nhân tạo đã thâm nhập vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Thời đại máy móc lên ngôi, trong nhiều ấn phẩm điện ảnh bom tấn chúng ta thấy rằng trí tuệ nhân tạo thực sự đang là một tương lai, thể hiện rõ sự tiện ích, hỗ trợ lớn từ máy móc đối với con người. Trong lĩnh vực văn chương thì trí tuệ nhân tạo đã có những sản phẩm cụ thể.

Điều này đã được nhà thơ Nguyễn Việt Chiến- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội phân tích khi trí tuệ nhân tạo làm công việc viết văn: "Trong đời sống xã hội hiện đại khi máy móc dần thay thế các công việc thủ công thì văn chương cũng cần phải có sự nhìn nhận khác. Tôi đã đọc bài viết về trí tuệ nhân tạo, những cỗ máy viết văn về con người. Thậm chí cỗ máy viết văn về chính những cỗ máy đó… Trong khi ấy trước nay thì nhà văn là người viết về tất cả và viết về các cỗ mãy đó. Thế nhưng tôi tin chắc một điều rằng máy móc không thể thay thế được sự sáng tạo của con người. Bởi văn chương là sản phẩm tinh thần, mang nặng dấu ấn tâm hồn người sáng tác và không máy móc nào có thể thay thế được."

Việc phần mềm làm thơ viết văn, ở một khía cạnh khác được xem là sự “xâm lăng" của máy móc vào địa hạt văn chương. Những thuật toán, véc-tơ được cài đặt sẽ cho ra sản phầm tinh thần na ná, giông giống chứ không có sự khác biệt về tư duy ngôn ngữ, mang đậm dấu ấn cá nhân của người sáng tạo.

Al viết văn: Thử thách người cầm bút - ảnh 2 Nhà văn Di Li

Nhà văn Di Li cho rằng: "Cái máy có thể trở thành Victo Huygo thứ hai không? Cái máy đó có trở thành Murakami thứ hai không? Còn nếu cái máy đó chỉ cho ra những sản phẩm nghệ thuật giông giống thì tôi không thể coi đó là văn chương được.

Sáng tạo phải là độc đáo, duy nhất và không có bản thứ hai, thậm chí là ngay cả bản thảo của nhà văn cũng không thể có bản thứ hai giống nhau được. Thế cho nên tôi nghĩ trí tuệ nhân tạo đỉnh cao thì nó cũng có thể thay thế được nhiều công việc cho con người. Nó có thể chữa bệnh và làm được nhiều điều kinh ngạc khác.

Còn riêng về sáng tác thì không thể thay thế được cho con người. Bởi sáng tạo luôn đòi hỏi tính người, cảm xúc nhiều nhất. Mà máy móc thì không có cảm xúc."

Hiện nay máy móc đang được cài đặt những thuật toán thông minh hiện đại. Ví dụ trên máy tính và điện thoại thông minh, chúng ta xem chủ đề gì, vào những trang nào thì bằng những thuật toán thông minh đó máy móc sẽ chỉ ra tính cách và sở thích của chính bạn. Nhưng những thuật toán đó sẽ không thể thay thế cho cảm xúc, suy nghĩ của con người. Nhà văn, nhà báo Thiên Sơn cho rằng tác phẩm văn học là sự riêng tư tuyệt đối, là vẻ đẹp nguyên thủy của con người.

Vì thế không có loại trí tuệ nhân tạo nào bắt chước hoặc thay thế sự kiến tạo tâm hồn từ các nhà văn: "Trí tuệ nhân tạo chỉ tạo ra những cái phom, sự khái quát. Trong khi văn học là sự đơn nhất, là sự thuần khiết, sự rung cảm. Chúng ta không nên để cho trí tuệ nhân tạo áp chế trí tuệ của loài người và càng không thể tin rằng văn học có thể bị trí tuệ nhân tạo thay thế. Bản thân con người phải làm công việc mà không máy móc nào thay thế được đấy là văn học là sự thức ngộ.

Tôi thể lấy ví dụ nhà thơ Trần Đăng Khoa có câu thơ “Ngoài thềm rơi chiếc là đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” Cảm thức đó được thức dậy trong khoảnh khắc mà không bao giờ nhà thơ bắt gặp lại. Không có thuật toán nào có thể làm được điều đó. Và hình ảnh ấy nó đi mãi đi mãi vào tâm cảm của bao thế hệ học trò. Chúng ta phải xác định trí tuệ nhân tạo chỉ để phục vụ con người, giúp con người hình dung ra một số vấn đề chứ không thể thay nhà văn được."

Al viết văn: Thử thách người cầm bút - ảnh 3

Một thực tế là công chúng văn học hiện nay đang có thị hiếu văn học nghệ thuật liên quan đến tính mẫu thức hay còn gọi là văn hóa tiêu dùng. Họ đang có xu hướng ưa chuộng những bộ phim và tác phẩm văn chương mang đậm mô típ như: kẻ hủy diệt, ngày tận thế, siêu anh hùng, giải cứu thế giới… Vì thế cho nên máy móc sẽ căn cứ vào mẫu thức ấy để cho ra những sản phẩm đậm yếu tố đó.

Nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm (Tạp chí Văn nghệ quân đội) có đôi chút băn khoăn bởi nếu người cầm bút không tự nâng tầm sáng tạo thì rất có thể trong tương lai gần máy móc sẽ thay thế những gì đã định hình thành khuôn mẫu: "Máy móc có thể tính toán được phút thứ bao nhiêu thì siêu anh hùng xuất hiện, phút thứ bao nhiêu thì quái thú xuất hiện… điều này luôn tạo sự hấp dẫn cho người thưởng thức. Tuy nhiên có một sự an ủi đối với chúng ta đó là sáng tạo nghệ thuật luôn là sự độc sáng của sự mới mẻ. Còn máy móc sẽ không có sự linh cảm của trực giác. Vì thế máy móc bắt buộc phải hoạt động trên những thuật toán công thức. Sáng tạo văn chương thì sẽ vượt lên những mẫu thức thuật toán ấy để có tính người, có sự độc sáng về cá tính, chiều sâu thăm thẳm của tâm hồn con người…"

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu