“Tức khang” - Trò chơi văn hóa dân gian độc đáo của dân tộc Tày

Thừa Xuân
Chia sẻ
(VOV5) - Đối với bà con dân tộc Tày ở Lục Yên, tỉnh Yên Bái, trò chơi “tức khang” không chỉ có nam giới mà còn thu hút rất đông phụ nữ tham gia.

Mỗi khi Tết đến Xuân về, cùng với những  phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống, các trò chơi văn hóa dân gian cũng góp phần làm cho mùa xuân thêm vui tươi. Trong số các trò chơi dân gian ấy phải kể đến trò “Tức khang” -  theo tiếng Tày là đánh quay, đánh cù hoặc đánh gụ. Đây là trò chơi ngoài trời, người chơi chủ yếu là nam giới, các trẻ em trai và không phân biệt tuổi tác. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
Chiếc quay của người Tày làm từ loại gỗ cứng, như: lim, ổi, bưởi… được đẽo tròn, đầu dưới thu dần thành nhọn, đầu trên thắt thành vai và để nhỏ một đoạn ngắn 2 cm như chiếc nắp tích pha trà để làm chỗ quấn dây. Người ta chọn khu đất bằng phẳng để chơi trò “tức khang”. Chị em phụ nữ thường dùng dây mềm như vải, dây sợi bông, dây sợi gai, dây sợi đay chắc chắn quấn vào phần trên hay phần dưới của chiếc quay tùy theo loại quay, sau đó văng mạnh xuống vị trí đất đã định. Khi văng quay, dây được đồng thời kéo mạnh ngược trở lại, tạo lực cho con quay quay tít dưới mặt đất. Chị Nông Thị Hương, người dân ở huyện Lục Yên, cho biết: "Từ lúc học lớp 6, lớp 7 bắt đầu chơi quay. Đi học thì cho vào cặp sách, lúc thì treo ở thắt lưng mang theo đi chơi, mải chơi quá, nhiều lúc còn bị bố mẹ mắng cho. Trò chơi hay lắm, thích lắm, càng chơi càng đam mê."
“Tức khang” - Trò chơi văn hóa dân gian độc đáo của dân tộc Tày - ảnh 1Trò chơi "Tức khang" luôn thu hút được nhiều người tham gia.

“Tức khang” là một trò chơi tập thể, khi chơi người ta phân ra hai nhóm, mỗi nhóm không quá 4 người. Luật chơi cũng rất phong phú, đa dạng và cũng có thể chơi theo từng cặp, nhóm hoặc đơn lẻ. Nhưng phổ biến nhất là mỗi bên 2 người đấu với nhau. Trước khi vào cuộc chơi, hai bên cùng đồng thời điều khiển con quay của mình xuống đất để xem bên nào quay được lâu hơn thì sẽ thắng.

Bên thua sẽ phải xuống quay trước để cho bên thắng tấn công, nếu bên tấn công không làm con quay của bên thua ngừng quay hoặc tấn công không trúng thì sẽ bị thua và phải xuống quay ngược lại cho đối phương tấn công. Việc đó cứ lặp đi lặp lại đến khi nào đủ số lượt theo quy ước của mỗi lần chơi sẽ chọn ra bên thắng chung cuộc. Phần thưởng của bên thắng cũng rất đơn giản, đa số không bằng hiện vật, chỉ là những câu nói, những hình vẽ dưới nền đất.

“Tức khang” - Trò chơi văn hóa dân gian độc đáo của dân tộc Tày - ảnh 2Các chị em phụ nữ dân tộc Tày thi nhau điều khiển con quay để chọn bên phải xuống quay trước.

Ông Lý Đạt Trầng, người dân ở huyện Lục Yên, cho biết: "Chơi tức khang thu hút được rất nhiều người, cứ đôi một đôi một chơi, thể hiện sự đoàn kết gắn bó. Những ngày tết này chơi tức khang rất vui và rất tốt, vì nếu không có trò chơi dân gian này thì mọi người sẽ tập trung vào ăn uống."

Trước đây, bà con dân tộc Tày kiêng kỵ không chơi “tức khang” quá ngày 15 tháng Giêng âm lịch, để tập trung lao động, sản xuất. Ngày nay, trò chơi dân gian này đã được chơi phổ biến quanh năm, nhất là những lúc nông nhàn, dịp lễ tết. Trò chơi dân gian “tức khang” yêu cầu trước tiên người chơi phải có sức khỏe, tinh mắt và phải tính toán nhanh, chuẩn xác mới đánh trúng con quay đang quay di chuyển vị trí liên tục của đối phương dưới mặt đất. 

“Tức khang” - Trò chơi văn hóa dân gian độc đáo của dân tộc Tày - ảnh 3Bà Hoàng Thị Trường thể hiện khả năng "tức khang" của mình tại một sự kiện ở phố huyện

Bà Hoàng Thị Trường, người dân ở huyện Lục Yên, chia sẻ: "Từ xa xưa rồi, cứ vào dịp tháng Giêng âm lịch thì bà con người Tày lại chơi “Tức khang”. Được đi chơi như thế này mình thấy tư tưởng thoải mái hơn, được thư giãn và tối ngủ ngon.

Vào mỗi dịp Tết, trò chơi “tức khang” được tổ chức tại sân nhà văn hóa của các thôn, bản, thu hút đông đảo anh chị em tham gia và người dân đến cổ vũ, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Tày. “Tức khang” đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đồng bào dân tộc Tày ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái vào dịp lễ Tết.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu