Tính cộng đồng của người Mông

Lan Anh
Chia sẻ
 (VOV5) - Người Mông sống quần tụ trên núi cao, mỗi bản có vài chục nóc nhà. Người Mông đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ bản sắc dân tộc và sự đoàn kết của cộng đồng, dòng họ. Chính vì vậy, khi cư trú, người Mông thường sống tập trung theo dòng họ, huyết thống để dựa vào nhau trong cuộc sống và lao động sản xuất.
 (VOV5) - Người Mông sống quần tụ trên núi cao, mỗi bản có vài chục nóc nhà. Người Mông đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ bản sắc dân tộc và sự đoàn kết của cộng đồng, dòng họ. Chính vì vậy, khi cư trú, người Mông thường sống tập trung theo dòng họ, huyết thống để dựa vào nhau trong cuộc sống và lao động sản xuất. 


Tính cộng đồng của người Mông - ảnh 1
Người Mông tham gia hội Gầu Tào

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Người Mông rất coi trọng dòng họ, họ quan niệm người cùng dòng họ là những người anh em có cùng tổ tiên, có thể đẻ và chết trong nhà nhau, phải luôn luôn giúp đỡ nhau, cưu mang nhau. Mỗi dòng họ cư trú quây quần thành một cụm, có một trưởng họ đảm nhiệm công việc chung. Phong tục cấm ngặt những người cùng họ lấy nhau. Tình cảm gắn bó giữa những người trong họ sâu sắc. Trưởng họ là người có uy tín, được dòng họ tôn trọng, tin nghe. Trong gia đình của một người trong bản có việc, dù là chuyện vui hay buồn thì không ai bảo ai, mọi người trong bản đều đến giúp gia chủ. Mỗi người một việc, trẻ nhỏ thì quét dọn, người lớn thì nấu nướng, ai cũng coi đây là việc của nhà mình.

Nhà chị Sùng Thị Ly hôm nay có việc vui, nên bà con quanh bản đến vừa là chung vui, vừa là giúp đỡ chị việc nấu nướng. Mọi người vui vẻ hỏi thăm nhau việc đồng áng, sức khỏe con cái rồi bàn kế hoạch cùng nhau đi chợ phiên mua sắm đồ dung sinh hoạt. Chị Ly cho biết bà con ở đây đều là anh em nên dù nhà có ít người thì cũng không lo lắng khi có công có việc. Chuyện trong nhà đều có thể được bà con anh em giúp sức: “Người Mông vốn sống quần tụ nên chúng tôi thương yêu nhau như người một nhà. Cả bản có mấy chục nóc nhà, nên ai cũng biết rõ về từng gia đình. Con cái ốm đau, chuyện vui chuyện buồn đều biết. Mỗi  lần có việc thì cả bản xúm lại làm. Còn ngày thường thì xong việc cuối ngày chị em lại tập trung ngồi thêu, còn đàn ông thì nhâm nhi chén rượu bàn chuyện nương rẫy”.

Trong cuộc sống, nguyên tắc bảo vệ của người Mông mang tính cộng đồng, dòng họ bền chặt thể hiện rõ ở các lễ hội, phong tục tập quán, cách thức thờ cúng và ở nguyên tắc kết hôn. Dù mới gặp nhau lần đầu, dù ở bất cứ nơi đâu, dù anh mang họ Sùng hay Giàng nhưng khi đã nhận ra là người Mông thì họ coi nhau như anh em ruột thịt. Đó cũng là bản sắc của người Mông. Sự cố kết, gắn bó dân tộc dòng họ, bản làng, gia đình của người Mông rất chặt chẽ. Họ tôn trọng sự điều hành của người bề trên, con cái tôn trọng bố mẹ, nề nếp gia đình hòa thuận.

Người Mông sống  thẳng thắn, chan hòa với núi rừng thiên nhiên. Trong cuộc sống hàng ngày ít nghe thấy tiếng cãi vã, quát mắng của họ bao giờ, bởi bản tính người Mông luôn nhường nhịn, rất xa lạ với hiềm khích hận thù nhưng nếu có kẻ thù ngoại bang tác động làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của họ thì cả cộng đồng đều chung tay, một lòng chiến đấu đến cùng bảo vệ bản làng. Còn trong sinh hoạt thường ngày, dù không phải anh em, chỉ là người cùng bản, hàng xóm của nhau thì họ cũng chả nề hà bất cứ việc gì nếu gia đình trong bản có việc như làm nhà, thu hoạch mùa màng, đến vụ làm đồng. Nhà chị Giàng Thị Xa mấy ngày nay đang được chị em trong bản tập trung làm đất để cấy vụ mới.

Năm chị em trong bản tập trung đến nhà chị Xa từ sáng sớm. Họ tập trung làm cho xong thửa ruộng của nhà chị Xa trong 2 ngày. Để những ngày sau lại lần lượt làm cho nhà khác. Mỗi khi đến vụ mùa, không khí lao động hăng say lúc nào cũng rộn ràng như vậy. Chị Xa tay vừa cuốc đất vừa cho biết: “Chị em chúng tôi hôm nay làm cỏ cuốc bờ. Bờ ruộng cao quá, cỏ lại nhiều nên mấy chị em đang gắng làm cho xong sớm. Rẫy cỏ xong rồi lấy chân dẫm xuống để cho dễ bừa vì nhà không có máy bừa mà bừa bằng sức kéo của trâu. Nhà nào cũng phải làm việc này nên mấy chị em thay nhau cùng làm. Mệt nhưng mà vui”.

Dù là việc nhỏ hay lớn thì tính cộng đồng của người Mông đều được gắn kết chặt chẽ. Cuộc sống hiện đại ngày nay dù có thay đổi nhiều trong nếp sống nhưng dù ở đâu người Mông đều chung tay trong việc xây dựng hương ước bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước, xây dựng tình làng, nghĩa xóm, điều hành công việc của bản làng. Những mô hình quản lý xã hội dựa trên cơ sở một hệ thống luật tục được xây dựng qua nhiều thế hệ bởi uy tín của gia đình, trưởng họ, già làng, trưởng bản  của mỗi dòng tộc mang tính tự chủ, tự quản rất cao. Và điều này được người Mông vận dụng nhuẫn nhuyễn, hiệu quả trong cuộc sống hiện đại ngày nay./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu