Dân tộc Mông - dân tộc thiểu số đặc biệt trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam

Bùi Hằng
Chia sẻ
(VOV5) - Cùng với 53 dân tộc anh em, người Mông luôn là một phần trong sự thống nhất của khối đại đoàn kết dân tộc và góp phần làm phong phú văn hoá các dân tộc Việt Nam.

(VOV5) - Mông là một trong những dân tộc thiểu số có dân số đông nhất ở Việt Nam, sống chủ yếu trên những vùng núi có độ cao từ 1.000 m trở lên ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Tây Thanh Hóa, Nghệ An và các tỉnh Tây Nguyên. Cùng với 53 dân tộc anh em, người Mông luôn là một phần trong sự thống nhất của khối đại đoàn kết dân tộc và góp phần làm phong phú văn hoá các dân tộc Việt Nam.


Dân tộc Mông - dân tộc thiểu số đặc biệt trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam  - ảnh 1
Đồng bào dân tộc Mông di dời từ vùng núi cao Tây Bắc vào lập kinh tế mới ở xã Rômen, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.




Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Người Mông được phân biệt thành nhiều nhóm: Mông Đơ (Mông Trắng), Mông Đu (Mông Đen), Mông Lềnh (Mông Hoa), Mông Si (Mông Đỏ), Mông Dua (Mông Xanh), Mông Xúa (Mông Mán) và nhóm Na Mẻo. Sở dĩ người Mông được phân biệt thành các nhóm như vậy là dựa trên sự khác nhau về trang phục và ngôn ngữ giữa các nhóm Mông. Ví dụ người Mông Trắng mặc váy màu trắng, người Mông Đen thì mặc váy thiên về màu đen nhiều hơn. Ngoài ra, các nhóm người Mông còn được phân biệt dựa trên ngôn ngữ. Mỗi nhóm Mông có những từ vựng cơ bản giống nhau nhưng cũng có rất nhiều từ địa phương khác nhau.

Tên gọi của người Mông cũng nói lên văn hóa của họ rất rõ. Người Mông ở Việt Nam trước kia được gọi là người Mèo (Miêu). Từ Miêu theo từ Hán Việt chỉ cư dân trồng trọt gắn với cỏ cây, với ruộng vườn. Người Mông là cư dân trồng trọt chứ không phải chăn nuôi. Người Mông rất thạo nông nghiệp, họ sống trên đỉnh núi cao và có hai hình thức canh tác là làm nương rẫy và trồng lúa nước. Người Mông cho rằng trước kia họ đã từng sống ở đồng bằng và họ cũng làm ruộng nên khi lên núi cao sinh sống thì bên cạnh nương rẫy, ở nhiều vùng người Mông cũng phạt núi để làm thành những bậc thang để có thể giữ nước bên trong để trồng lúa nước. Trình độ trồng lúa nước trên các thửa ruộng bậc thang của người Mông rất cao. Điều này gắn với lịch sử người Mông có một truyền thống trồng lúa nước lâu đời. Chị Trần Thu Thủy, Tiến sĩ dân tộc học ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho biết: “Người Mông di cư về Việt Nam cách đây khoảng 300 – 500 năm. Khi họ di cư về Việt Nam, lúc này thì người Kinh sống ở đồng bằng còn dân tộc nhóm Tày, Thái…thì sống ở vùng thung lũng. Vậy nên người Mông gần như không có đất để sinh sống nên họ sống trên những đỉnh núi cao. Người Mông đã khai thác những vùng đất ở trên vùng núi cao để canh tác nương rẫy, sau này làm ruộng nước, họ biến những sườn đồi, sườn núi thành những thửa ruộng bậc thang để trồng lúa nước. Người Mông là một dân tộc rất đặc biệt, họ thích nghi với mọi điều kiện, hoàn cảnh sống. Tại những nơi điều kiện, hoàn cảnh sống mới thì họ sáng tạo ra những hình thức canh tác mới cũng như những điều kiện văn hóa cho phù hợp với điều kiện sinh sống mới của mình".

Người Mông sống ở rất nhiều tỉnh ở Việt Nam nhưng ở mỗi tỉnh, họ sống tập trung ở một vài huyện trong tỉnh đó. Họ rất ít khi sống xen kẽ với các dân tộc khác mà thường cư trú tập trung trong dân tộc mình. Nhà của người Mông bao giờ cũng dựng trên các triền núi, nơi mà phía trước có suối, có nguồn nước, phía sau có núi che chở. Hầu hết người Mông ở các vùng dùng gỗ pơ mu để làm nhà, riêng nhà người Mông ở Hà Giang làm bằng đất trình tường. Do sinh sống ở vùng khí hậu lạnh nên nhà của người Mông thường thấp và không có cửa sổ.

Người Mông cho rằng mọi vật đều có linh hồn và ngôi nhà cũng như vậy. Trong ngôi nhà có thần cửa, thần cột, thần bếp, ma nhà để bảo vệ người Mông trước mọi thế lực. Khi đã ra khỏi nhà thì không có các thần trong ngôi nhà bảo vệ nữa thì thường dễ gặp phải rủi ro, bất trắc hoặc có thể bị ma quỷ hãm hại. Vì vậy, khi ra khỏi nhà, người ta phải có một vật gì đó đem theo mình như thứ bùa để bảo vệ họ khỏi ma quỷ.

Người Mông là dân tộc theo chế độ phụ hệ. Tính phụ quyền trong gia đình người Mông rất mạnh, người đàn ông đóng vai trò quyết định mọi việc trong gia đình và là người thừa kế tài sản trong gia đình. Người phụ nữ không được thừa kế tài sản trong gia đình, khi lấy chồng thì thứ tài sản duy nhất người con gái được mang về nhà chồng là những đồ trang sức bằng bạc và váy áo. Người Mông thường có quan hệ hôn nhân trong nội tộc, còn hôn nhân với các dân tộc bên ngoài thì cũng có nhưng rất ít. Việc dựng vợ gả chồng là để có con cái nối dõi tông đường đồng thời nâng cao uy tín của dòng họ cũng như tăng lực lượng lao động cho gia đình nên người Mông sinh rất nhiều con. Bố mẹ bao giờ cũng ở với người con trai út. Người con trai út đảm nhiệm vai trò thờ cúng ông bà tổ tiên trong gia đình.

Đối với người Mông thì thiết chế dòng họ đóng vai trò rất quan trọng. Trong một họ bao giờ cũng có một người trưởng họ, mỗi khi có vấn đề gì xảy ra trong làng thì người ta có thể tìm đến người trưởng họ là người am hiểu luật lệ, lí lẽ nhất trong họ đó. Mỗi họ lại có quy định, luật lệ khác nhau, mọi người trong họ phải tuân theo quy định, luật lệ đó. Chị Trần Thu Thủy cho biết thêm: “Dòng họ rất quan trọng với người Mông còn thể hiện ở chố nếu như cùng một họ có thể sống và chết trong nhà nhau. Cách bố trí việc thờ cúng cũng như cách cúng trong nhà là cách để nhận biết người cùng họ. Con gái khi đi lấy chồng thì người ta quan niệm đã thuộc về dòng họ nhà chồng khi đến kỳ sinh nở về nhà bố mẹ mình thì cũng không được sinh trong nhà bố mẹ mình, khi chết cũng không được chết trong nhà bố mẹ mình".

Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, dân tộc Mông là một trong những dân tộc và giữ được những nét độc đáo riêng về bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc trong cuộc sống hội nhập hiện nay./.


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu
vu mí tinh
Cảm ơn
tran van tu
HÃY cho biết về những lễ hồi của nguơi hmông
Vừ A Ly

Bài viết rất hay và phản ánh được 85% về thực tế cuộc sống của người Mông. nếu nói thực tế về... Xem thêm