Trong số các dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Định, 3 dân tộc thiếu số đông nhất gồm Ba Na, Chăm, H’rê. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa đặc trưng, luôn gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống của đồng bào mình.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Các dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Định tuy chỉ chiếm 2% dân số toàn tỉnh, nhưng cư trú trải dài khắp địa bàn tỉnh. Người Chăm ở huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định có những lễ hội cầu mưa, ăn heo ký, cúng thần làng, mừng về nhà mới… Điểm chung của các lễ hội này luôn tạo sự gần gũi, đoàn kết trong cộng đồng, riêng lễ mừng về nhà mới được người Chăm đặc biệt coi trọng. Trong ngày lễ mừng về nhà mới, mọi người tham dự đều mặc trang phục thổ cẩm truyền thống dan tộc. Khi tiếng cồng chiêng vang lên, cũng là lúc thầy cúng và già làng, đại diện cho gia chủ dâng lễ vật lên thần linh, cầu xin phù hộ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, công việc hanh thông, mọi người khỏe mạnh….
Các cô gái Bana múa xoang trong các dịp lễ hội. |
Lễ mừng về nhà mới của người Chăm không thể thiếu cây nêu đặt trước nhà. Cây nêu phải vươn cao, tạo thành hình đôi cánh chim Ktang, loài chim tượng trưng cho sự yên bình. Vừa dọn về nhà mới, gia đình anh Đinh Văn Lịch (người Chăm ở thôn Canh Thành, huyện Vân Canh) thực hiện ngay nghi lễ mừng về nhà mới. "Đầu tiên là hai vợ chồng chịu khó kiếm tiền, làm ăn, kiếm cây để dựng nhà. Lễ vật gồm có một con gà, một con heo. Con heo hôm nay lấy cái đầu để cúng, cái mình để làm cỗ mời dân làng, bà con hàng xóm đến chung vui. Bà con, anh em cùng múa xoang trong lễ mừng về nhà mới, giữ nét truyền thống dân tộc.
Với đồng bào Ba Na ở huyện Vĩnh Thạnh, lễ đón thần lúa trước khi vào mùa thu hoạch lúa rẫy rất linh thiêng. Từng gia đình và làng tổ chức lễ đón thần lúa về làng, báo cáo với các vị thần, sau một năm lao động vất vả nay đã đến mùa thu hoạch. Lễ vật dâng cúng các thần linh thường là lợn, gà, rượu cần, cốm, cơm… Bà con dân làng cùng đánh cồng, đánh chiêng, múa, hát.
Nghi thức mừng về nhà mới của người Chăm H'roi, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định. |
Bà Võ Thị Hồng Liên, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Mừng được mùa rẫy thì bà con gọi là đón thần lúa về làng, bà con mở hội để ăn mừng. Về lễ hội của bà con, chúng ta cần thực hiện công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy những truyền thống của bà con dân tộc đồng bào Ba Na Vĩnh Thạnh. Du lịch cộng đồng rất cần gắn với văn hóa truyền thống mỗi vùng miền để có đặc sắc riêng phục vụ văn hóa, du lịch."
Ngành văn hóa, thể thao tỉnh Bình Định thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định tổ chức Ngày hội Văn hóa Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ 16 năm 2022 với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định trong thời kỳ hội nhập và phát triển bền vững đất nước”.
Người dân thưởng thức rượu cần sau nghi thức Mừng về nhà mới của người Chăm H'roi. |
Tham gia ngày hội năm nay có hơn 600 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên của 6 đoàn đến từ các huyện của Bình Định là huyện Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Phù Cát, Vân Canh, Tây Sơn. Trong 3 ngày diễn ra Ngày hội, các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đã tham tranh tài, thi đấu các môn thể thao (bóng đá, đẩy gậy, bắn nỏ…), trình diễn lễ hội dân gian, biểu diễn nghệ thuật quần chúng, nghệ thuật cồng chiêng, dệt thổ cẩm truyền thống, thi người đẹp miền núi, giao lưu văn hóa ẩm thực… Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Bình Định, cho biết: "Để phát huy được du lịch của tỉnh và đặc biệt mang bản sắc, sắc thái của dân tộc thiểu số tại tỉnh Bình Định, chúng tôi sẽ tổ chức tập trung ở một số điểm mà có truyền thống như Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh, sẽ tổ chức điểm để thu hút khách du lịch. Thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, cũng như các hoạt động sản xuất mang tính truyền thống của bà con dân tộc của các làng."
Những bản sắc văn hóa riêng của người Chăm, Bana, H’rê ở Bình Định phong phú và đa dạng được thể hiện trong lao động, sản xuất, đời sống, xã hội, tâm linh… Những bản sắc văn hóa đó đã trở thành nét đẹp, các chuẩn mực văn hóa được đồng bào các dân tộc tỉnh Bình Đinh gìn giữ, bảo tồn và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.