Những người giữ lửa cho văn hóa Ê đê

Lan Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Người Ê đê dù sống ở vùng đất nào, Tây Nguyên hay Duyên hải miền Trung thì cũng đều chung một nếp sống, thực hiện cùng một nghi lễ văn hóa. Dù ở đâu người dân tộc Ê đê cũng ý thức gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc mình trong trang phục, lời ăn tiếng nói và vốn văn hóa truyền thống.
(VOV5) - Người Ê đê dù sống ở vùng đất nào, Tây Nguyên hay Duyên hải miền Trung thì cũng đều chung một nếp sống, thực hiện cùng một nghi lễ văn hóa. Dù ở đâu người dân tộc Ê đê cũng ý thức gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc mình trong trang phục, lời ăn tiếng nói và vốn văn hóa truyền thống.

Những người giữ lửa cho văn hóa Ê đê - ảnh 1
Một số nhà người Êđê có những nhạc cụ treo như thế này.

Nghe âm thanh tại đây:



Nghệ nhân Ama H’Loan ở buôn K’Thôn, xã Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, chưa qua bất kỳ một lớp học nhạc nào nhưng lại là người làm ra nhiều nhạc cụ đạt chất lượng âm thanh chuẩn. Đã  ngoài 70 tuổi nhưng mọi thao tác của nghệ nhân  Ama H’Loan còn nhanh nhẹn và tinh tường. Trong ngôi nhà nhỏ của mình, sau mỗi lần làm xong một loại nhạc cụ nào, ông lại tự tấu lên một bản nhạc quen thuộc và yêu thích.

Trong buôn K’Thôn và cả các thôn xung quanh, ít người còn biết làm nhạc cụ như nghệ nhân Ama H’Loan. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà ông biết làm nhạc cụ. Mọi cái đều bắt nguồn từ sự đam mê. Điều đó nghệ nhân Ama H’Loan học được từ ông cha mình: “Các loại nhạc cụ này từ lúc nghe, rồi đến lúc hiểu được âm điệu rồi dần dần  tôi tò mò học. Lúc đầu bập bẹ nhưng hiểu được điệu nhạc rồi học và say mê. Rồi làm được cũng phải có lòng say mê và  cái tâm. Làm gì cũng vậy phải có tâm mới làm được. Như Bác Hồ nói không có việc gì khó chỉ sợ lòng không bền.....”

 Nghệ nhân Ama H’Loan ngày ngày cặm cụi vót tre, đẽo gọt tỉ mỉ để tạo ra những cây đàn, chiếc kèn có âm thanh tốt nhất. Đôi bàn tay dường như đã quen với mọi kích cỡ của từng loại nhạc cụ nên, nghệ nhân Ama H’Loan làm ra cái nào thì chuẩn cái đó. Là người chơi và làm nhiều loại nhạc cụ, nghệ nhân Ama H’Loan luôn trăn trở: “Bây giờ có một số nơi mở lớp dạy cho các cháu để truyền bá văn hóa để sau này chúng nối lại những người đi trước. Muốn giữ lại nhạc cụ thì phải có người biết sử dụng, biết làm nhạc cụ. Cho nên phải mở lớp đào tạo, dạy dỗ làm đàn, dạy lớp hát khan, lớp chiêng tre rồi học đánh chiêng đồng. Dần dần bọn trẻ lớn lên mới học được. Tôi tham gia dạy chiêng tre, làm tù và, đinh Put”.

Dù tuổi cao sức yếu nhưng hễ đâu mời đến dạy cho lớp trẻ về nhạc cụ Ê đê, nghệ nhân Ama H’Loan nhận lời ngay. Ông biết rằng nếu không truyền dạy nhanh thì vài năm nữa thôi khi những người già như ông khuất núi thì lấy ai say mê với nhạc cụ truyền thống của dân tộc Ê đê nữa: Thấy bây giờ cũng rất vui, hễ ai gặp tôi cũng thích gần, muốn hỏi thăm cách dùng và cách làm vài nhạc cụ. Từ lúc đầu thấy bọn trẻ ngơ ngác chả yêu chả thích thì thấy nó ở gần mình càng vui và tranh thủ lôi kéo động viên nó cố gắng hơn để trở thành người sử dụng nhiều nhạc cụ thành thạo”.

Những người giữ lửa cho văn hóa Ê đê - ảnh 2
Nghệ nhân Oi Blư

Ở huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, ai cũng biết đến nghệ nhân Oi Blư. Ông cũng là một trong số những người còn rất ít trong cộng đồng người Ê đê biết chơi và làm nhiều loại nhạc cụ như kèn Đinhpah, Chiêng đinh, Chiêng đồng, Chiêng K’ram và Đinh-năm. Đủ thấy tâm huyết của ông trong việc giữ lửa cho văn hóa Ê đê. Ngôi nhà dài, nơi sinh sống của vợ chồng ông và gia đình 2 người con gái cũng là nơi trưng bày nhiều loại nhạc cụ do ông làm. Phần lớn thời gian trong ngày ông dành làm kèn, làm trống. Cũng giống với nghệ nhân Ama H’Loan, ông Oi Blư trăn trở việc truyền lại cho lớp trẻ tình yêu nhạc cụ của dân tộc mình: “Từ năm 18 tuổi tôi biết chơi nhạc cũng là do bố tôi truyền dạy. Rồi cũng do mình tò mò ham thích nên cũng tự học thêm những người lớn tuổi khác trong bản. Rồi đến giờ tôi không thấy lũ trẻ hăm hở với các loại nhạc dân tộc như mình ngày trước. Nếu mai mình mất đi thì ai sẽ kế thừa đây?”

Chợt dừng câu chuyện, ông đưa chiếc đinh năm lên thổi một bản nhạc của người Ê đê tặng chúng tôi. Bản nhạc vừa dứt ông Oi Blư lại quay trở về câu chuyện đang dang dở. Ông cho biết cũng bởi yêu tiếng khèn Đinhpah, tiếng chiêng nên ông vẫn nhiệt tình tham gia các lễ hội văn hóa của tỉnh và huyện tổ chức: “Được tham gia những ngày hội của dân tộc là dịp tôi được giới thiệu với đông đảo bà con về những cái hay, cái đẹp của dân tộc Ê đê. Rồi cũng thông qua lễ hội tôi muốn lôi kéo lớp trẻ biết đến thế nào là nhạc cụ của người Ê đê, cách làm ra sao, cách chơi như thế nào”.   

Những nghệ nhân như Ama H’Loan hay Oi Blư đều được người dân coi như bảo tàng sống, là người lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của dân tộc Ê đê. Cũng chính họ, những nghệ nhân già đang ngày ngày giữ cho ngọn lửa văn hóa luôn cháy trong lòng mỗi người dân Ê đê./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu