Đậm đà bản sắc văn hóa trong phong tục cưới dân tộc Chăm theo đạo Hồi Islam

Lâm Thanh
Chia sẻ
(VOV5) - Đám cưới người Chăm Islam ngày nay vẫn giữ những nét truyền thống cơ bản nhưng có phần gần với cuộc sống đương đại. 

Tỉnh An Giang có những nghi lễ độc đáo, mang bản sắc văn hóa địa phương, trong đó nổi bật là phong tục cưới của dân tộc Chăm theo đạo Hồi Islam. Lễ cưới của người Chăm Islam tỉnh An Giang tồn tại lâu đời và vẫn lưu giữ những nét riêng cho đến ngày nay. 

Lễ cưới diễn ra trong 3 ngày: Ngày đầu tiên là ngày họp họ - làm bánh. Bánh dùng trong lễ cưới gồm có 3 loại bánh là bánh ha bum (bông lan), tapaikagah, gti kling (bánh ba lỗ) và món cơm cà ri. Ngày thứ hai - ngày “lên ghế” (giường), cả hai gia đình nhà gái, nhà trai tự làm lễ cầu nguyện ở mỗi gia đình, người đại diện sẽ đọc những lời chúc cầu nguyện cho cô dâu, chú rể sống bình an, hạnh phúc, sau đó mời cơm dân làng. Ngày thứ ba là ngày “đưa rể”, nhà trai tự đưa chú rể đến nhà gái.

Đậm đà bản sắc văn hóa trong phong tục cưới dân tộc Chăm theo đạo Hồi Islam - ảnh 1Chú rể và nhà trai đến thánh đường làm lễ. Ảnh: Kim Cương

Đến gần ngày cưới, nhà trai mang theo một mâm trái cây làm lễ vật và những vật dụng cần thiết cho cô dâu trong đời sống riêng sau này, như: xà rông, khăn đội đầu, kim chỉ... Phụ nữ bên nhà trai sẽ mang xiêm y để cô dâu mặc trong lễ cưới và một phong bì gọi là “tiền chợ” để chuẩn bị cho các bữa tiệc.

Chị Ri Xơ Lá, người dân tộc Chăm theo đạo Islam ở tỉnh An Giang, cho biết: "Chừng nào nhà gái chấp nhận nhà trai, họ mời ông thầy qua đặt tiền vàng. Tùy theo điều kiện kinh tế nhà trai, nhà khá giả cho nhiều, nhà khó khăn cho ít. Giàu thì cho nhà gái 1 cây vàng, nếu không có cho ít thôi.

Ít hôm sau, nhà gái “trả lễ” nhà trai bằng một mâm bánh. Trước khi đến nhà gái, nhà trai phải đến Thánh đường làm lễ. Tất cả mọi người có mặt trong khán phòng sẽ cùng cầu nguyện cho hai vợ chồng hạnh phúc, sống cùng nhau đến đầu bạc, răng long. Trong lễ cưới của người Chăm theo đạo Hồi Islam, nghi lễ quan trọng nhất là Ijab & Kabul (tức là nghi thức bàn giao). Thông thường, nghi thức này sẽ được tổ chức tại nhà cô dâu hoặc ở Thánh đường. Mục đích của nghi lễ này là cha cô dâu sẽ bàn giao trọng trách bảo vệ, chăm sóc và chở che con gái mình cho chú rể.

Đậm đà bản sắc văn hóa trong phong tục cưới dân tộc Chăm theo đạo Hồi Islam - ảnh 2Ngày cưới của đôi trai gái trẻ cũng là ngày vui của bà con trong ấp. Ảnh: Kim Cương

Trong lễ cưới, cô dâu sẽ mặc áo dài nhung dài đến gối và trùm khăn ren trắng tinh khôi. Trên người cô dâu được tô điểm bằng nhiều loại trang sức, như: kiềng, vòng vàng, nhẫn xuyến. Trong khi chú rể lịch lãm, khoác chiếc áo dài truyền thống màu trắng đặc trưng của đạo Islam và đầu quấn khăn sà pạnh được sử dụng trong những dịp lễ hội trọng đại của người Chăm.

Một nghi lễ khá quan trọng trong lễ cưới của người Chăm Islam An Giang là lượm bạc cắc trong phòng cưới sau bữa ăn tối. Người ta sẽ cho đúng 10 đồng bạc cắc vào trong chậu nước. Vợ chồng người Chăm sẽ cùng lúc đưa tay nhặt những đồng bạc này. Người nào nhặt được nhiều đồng bạc hơn đồng nghĩa với việc người đó sẽ có tiếng nói quyết định trong đời sống gia đình sau này.

Ngày cưới của đôi trai gái trẻ cũng là ngày vui của bà con trong ấp. Bà con xóm ấp cùng nhau tương trợ, giúp đỡ hai gia đình nhà trai, nhà gái để đám cưới thành công tốt đẹp. Lễ đưa rể sẽ có một đoàn nhà trai tháp tùng chú rể đến nhà gái, một vị chức sắc có uy tín trong làng sẽ cầm theo chiếc khăn dắt tay chú rể vào nhà gái, tiếng trống, kèn rộn rã theo từng đoàn người nối tiếm nhau vào nhà gái.

Chị Sa Thi Ná, người dân tộc Chăm theo đạo Hồi Islam ở tỉnh An Giang, kể: "Chú rể ngày cưới ăn mặc như một ông Hoàng, để qua nhà gái rước cô dâu. Ngày xưa, chú rể đi xe lôi đến nhà cô dâu, còn giờ thì chú rể đi xe ô tô."

Sau lễ cưới của người Chăm Islam ở tỉnh An Giang, chú rể sẽ ở lại nhà cô dâu 3 đêm đầu tiên. Sau đó, tùy theo sự thỏa thuận của hai bên gia đình mà đàn ông sẽ ở rể hay người phụ nữ về nhà chồng làm dâu. Theo phong tục xưa của người Chăm Islam, chàng trai thường đi ở rể, vì vậy, sẽ diễn ra nghi thức tiễn chàng trai đi lấy vợ. Ông Ha Zi Sa Lý, người dân tộc Chăm theo đạo Hồi Islam ở tỉnh An Giang, cho biết: "Theo Luật Hồi giáo, chia tài sản trong gia đình thì đàn ông được 2 phần, phụ nữ có 1 phần. Cho nên khi cưới vợ, đàn ông phải về nhà vợ, nuôi vợ mình, chăm nom cha mẹ vợ nữa vì đó là trách nhiệm. Ngày cưới, nhà trai làm cơm, mời cả xóm. Cả xóm đưa rể đi, nhạc trống linh đình."

Đám cưới người Chăm Islam ngày nay vẫn giữ những nét truyền thống cơ bản nhưng có phần gần với cuộc sống đương đại. Trang phục có chút thay đổi để thích nghi theo cuộc sống hiện đại: Màu sắc, kiểu dáng theo sở thích của cô dâu và chú rể, trang sức của cô dâu, chú rể theo điều kiện kinh tế gia đình của họ…

 Trong ngày thứ ba của đám cưới cô dâu, chú rể có thể bỏ tục rửa chân và tục lượm bạc cắc. Cô dâu, chú rể cũng không nhất thiết phải thực hiện nghi lễ ở Thánh đường mà có thể tiến hành tại nhà cô dâu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu