Nhà sàn của người Thái đen

Lan Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Nhà sàn của người Thái là biểu tượng của sự hài hòa giữa đất trời và thiên nhiên. Những ngôi nhà sàn của dân tộc Thái đen thường nằm nép mình bên sườn núi tạo hình ảnh đẹp của núi rừng Tây Bắc. Ở mỗi ngôi nhà từ kiến trúc cho đến các đồ vật đều thể hiện tính triết lý nhân sinh của bà con dân tộc.
(VOV5) - Nhà sàn của người Thái là biểu tượng của sự hài hòa giữa đất trời và thiên nhiên. Những ngôi nhà sàn của dân tộc Thái đen thường nằm nép mình bên sườn núi tạo hình ảnh đẹp của núi rừng Tây Bắc. Ở mỗi ngôi nhà từ kiến trúc cho đến các đồ vật đều thể hiện tính triết lý nhân sinh của bà con dân tộc.


Nhà sàn của người Thái đen - ảnh 1
(Ảnh: yenbai.gov.vn)


Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Nhà sàn của người Thái mang một nét đẹp riêng biệt, đơn sơ nhưng trang nhã. Ngôi nhà  được làm bằng các loại cây thân gỗ và các loại cây như tre, vầu, nứa... lợp bằng cỏ gianh hay lá cọ. Thay vì đóng đinh thì giữa các mấu nối được buộc bằng dây chằng, thắt nút khá công phu và tinh xảo. Dây buộc là cây giang, mây hoặc vỏ những cây chuyên dùng như năng hu, năng xa. Khi làm nhà để nối cái cột kèo, người Kinh thường lắp mộng còn nhà sàn người Thái sử dụng những đòn dầm xuyên suốt qua các cột. Kiến trúc của nhà sàn của người Thái nhìn đơn giản nhưng chắc chắn. Anh Lương Văn Thiết, nhà nghiên cứu của Bảo tàng dân tộc học Việt Nam cho biết: “Nhà của người Thái đen có mái giống hình con rùa, họ cho rằng con rùa dạy người ta làm nhà cho nên ngôi nhà khum khum giống lưng rùa.  Phía trên mái nhà có Khau Cút là 2 thanh tre để chéo nhau. Những thanh tre hoặc gỗ, họ cũng được chia nhiều kiểu dáng khác nhau, thể hiện các tầng lớp trong xã hội. Người giàu thì luôn làm khau cút hình hoa sen thể hiện sự thanh tao và giàu có. Còn ngược lại dân thường thì làm thanh gỗ vắt ngang và không có họa tiết gì. Còn những gia đình mới ra ở riêng thì làm hình người phụ nữ mang bầu để cầu mong sự sinh sôi nảy nở”.

Với người Thái đen, ngôi nhà là sự giao hòa giữa trời đất và thiên nhiên nên các gian nhà và cầu thang luôn mang mang số lẻ 3, 5 , 7 và 9. Mỗi ngôi nhà thường có 2 cầu thang. Cầu thang ở cuối nhà dành cho phụ nữ đi có 9 bậc. Còn cầu thang phía trước nhà dành cho nam giới và khách đi có 7 bậc.

Chị Hoàng Minh Nguyệt, cán bộ bảo tàng dân tộc học Việt Nam, cho biết trong ngôi nhà của người Thái đen có nhiều chi tiết tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực, đặc biệt cây cột lan can của cầu thang: Với cầu thang phía nữ giới, khi một cô gái trong gia đình chưa có chồng hoặc lấy chồng rồi mà chưa có con thì cô ta sẽ sờ vào cây cột này để mong là lấy được chồng và có những đứa con khỏe mạnh. Đây là thể hiện giới tính của người đàn ông. Số bậc cầu thang luôn là số lẻ tượng trưng cho sự may mắn và tránh được tà ma”.

Mỗi gian nhà được bố trí và có vai trò rất rõ ràng. Trong ngôi nhà, thì gian chính giữa trang trọng nhất và là nơi người Thái đen đặt ban thờ. Trong gian này chỉ có nam giới mới được ngủ lại. Còn người phụ nữ, nhất là người con dâu khi đi qua gian nhà này phải cúi người xuống. Với người Thái đen đó là gian nhà linh thiêng . Không gian phía trên ngôi nhà dành cho cha mẹ hoặc người con trai còn người con gái hay con dâu thì ở phía dưới ngôi nhà.

Người Thái rất chú trọng đến không gian dành cho việc dệt vải. Anh Lương Văn Thiết cho biết: “Ngày xưa con gái mà không biết dệt vải thì không lấy được chồng vì những của hồi môn của người Thái ngày xưa do chính bàn tay các cô gái làm ra như cái gối, cái chăn, cái đệm, không chỉ dành cho đôi vợ chồng mà còn mang về tặng cho nhà trai như bố mẹ chồng, ông bà mối, những người bề trên. Đặc biệt số chăn, gối làm số lượng nhiều để chia cho nhà trai. Chính vì vậy không gian dệt trong ngôi nhà được người ta xem trọng. Trong gia đình có con gái Thái thì phải có khung dệt.  Nếu không có khung dệt thì họ cho rằng người con gái đó lười không biết làm gì, lười sẽ bị xã hội chê cười. Thường là đặt ngay cửa sổ, gần chỗ ngủ của cô gái. Chỗ đó làm sao để người ngoài dễ dàng nhìn thấy”.

Nhà sàn của người Thái có 2 bếp lửa. Bếp lửa chính thường đặt ở giữa ngôi nhà thường dùng để tiếp khách. Bên ánh lửa bập bùng cả chủ và khách ngồi quây quần, chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống để thấy mối quan hệ thêm khăng khít, gần nhau hơn. Còn bếp lửa phía dưới nhà dùng vào việc nấu nướng, sinh hoạt hàng ngày.

Theo anh Lương Văn Thiết chỉ cần nhìn vào bếp lửa là biết được văn hóa, ứng xử của các thành viên trong gia đình: “Khi nhìn vào là biết ngay gia đình như thế nào, vai vế như thế nào. Cái bếp là linh hồn của ngôi nhà. Người Thái sợ nhất là ngôi nhà không có ai nhóm bếp, đó là ngôi nhà không hạnh phúc. Bếp lửa còn là nơi sưởi ấm, tâm tình của các chàng trai, cô gái khi họ quen thân nhau rồi. Bếp lửa còn là nơi gia đình quây quần. Trên bếp có gác bếp là Xạ và Thàn. Xạ là phía dưới và họ để những gì thường xuyên sử dụng như mắm muối, nồi niêu, vật dụng đan lát còn những gì ít sử dụng như dây mây dùng dần, mẹt, cót để ở cót trên”.

Với người Thái đen, cửa sổ của ngôi nhà chính là đôi mắt nên lúc nào cũng để thông thoáng, không che khuất. Chính vì vậy khi đến chơi nhà người Thái đen, khách chớ quay lưng lại với cửa sổ. Dù cuộc sống đổi thay thì thì người Thái đen ở Tây Bắc vẫn ăn cơm nếp, chấm chẩm chéo, mặc áo cóm và ở nhà sàn. Bởi nhà sàn là linh hồn, là biểu tượng muôn đời của dân tộc thái đen ở Tây Bắc./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu