Người Thái ở Mường Lay giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Văn hóa vốn gắn liền với cuộc sống và sự phát triển của xã hội, của dân tộc. Văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc thể hiện sinh động những nét tinh hoa, bản sắc của dân tộc đó. Xã hội ngày càng phát triển, văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc càng có nguy cơ mai một, nhưng cộng đồng dân tộc Thái ở thị xã Mường Lay tỉnh Điện Biên có cách rất riêng để giữ gìn những cái hay, cái đẹp trong văn hóa của dân tộc mình.
(VOV5) - Văn hóa vốn gắn liền với cuộc sống và sự phát triển của xã hội, của dân tộc. Văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc thể hiện sinh động những nét tinh hoa, bản sắc của dân tộc đó. Xã hội ngày càng phát triển, văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc càng có nguy cơ mai một.


Người Thái ở Mường Lay giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc - ảnh 1


Cộng đồng dân tộc Thái ở thị xã Mường Lay tỉnh Điện Biên có cách rất riêng để giữ gìn những cái hay, cái đẹp trong văn hóa của dân tộc mình.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Chúng tôi tới phường Na Lay, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên, đúng vào dịp địa phương tổ chức “Hội thi trang phục truyền thống và vật dụng trong gia đình” dành cho bà con dân tộc Thái. Những chàng trai trong trang phục áo chàm, những cô gái khoác trên mình những chiếc áo cóm đang tất bật chuẩn bị, sắp xếp những vật dụng trong gia đình của người Thái chờ tới lượt vào trình diễn. Anh Lò Văn Mạnh, cán bộ văn hóa phường Na Lay, cho biết: “Đây là chương trình lần đầu tiên chúng tôi làm. Qua các phần thi, chúng tôi muốn khôi phục, phục dựng những đồ dùng, vật dụng của người Thái từ xưa đến giờ. Công tác chuẩn bị của các thôn bản rất tốt, mọi người rất hưởng ứng phong trào này.”

“Hội thi trang phục truyền thống và vật dụng trong gia đình” năm 2013 là một trong số những hoạt động thuộc đề án bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc, trong đó có dân tộc Thái, trên địa bàn thị xã gắn với phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2015, định hướng 2020. Đề án được chính quyền thị xã Mường Lay thực hiện nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc trên địa bàn thị xã. Chị Trần Thị Hương Giang, trưởng phòng Văn hóa thông tin thị xã Mường Lay, cho biết:“Mục đích hướng tới của chúng tôi là bảo vệ văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc Thái trên địa bàn. Bảo tồn từ trang phục sinh hoạt hàng ngày đến tiếng nói của dân tộc… để không bị pha tạp với những vùng khác. Phải làm sao cho bà con giữ gìn, giáo dục truyền thống cho lớp trẻ để biết bảo tồn những nét văn hóa của dân tộc mình, không được đánh mất những nét văn hóa đó mà phải gìn giữ thường xuyên.

Kế hoạch triển khai đề án bảo tồn văn hóa dân tộc Thái được phòng Văn hóa và thông tin thị xã Mường Lay thực hiện theo từng năm, từng giai đoạn. Trong đó, việc tổ chức các hội thi được xem là hoạt động hiệu quả nhất để tuyên truyền cho người dân hiểu được tầm quan trọng của việc gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, từ đó nâng cao ý thức trong việc bảo tồn và phát huy những nét truyền thống của người Thái. Bởi việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc phải do chính đồng bào tự nguyện giữ gìn. Chị Lò Thị Liên, phường Na Lay, chia sẻ:“Mình ở nhà thì nói tiếng Thái, còn đi làm ra ngoài giao tiếp, gặp người ngoài người ta không biết nói tiếng Thái thì mình mới nói tiếng phổ thông. Để lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình thì như con mình còn bé mình vẫn nói tiếng Thái để sau này nó không bị mai một. Các con khi đi học thì nói tiếng phổ thông nhưng ở nhà vẫn nói tiếng Thái.”

Đề án bảo tồn và phát triển văn hóa của dân tộc Thái còn được lồng ghép với phong trào xây dựng đời sống văn hóa của từng thôn, bản. Từ đó, mô hình các đội văn nghệ được chú trọng phát triển. Toàn thị xã có tới hơn 30 tổ đội văn nghệ tại các thôn, bản. Vào mỗi tối cuối tuần, các đội văn nghệ này tập hợp lại dưới nếp nhà sàn, cùng nhau tập những điệu múa nón, múa quạt, múa khăn, múa coóng khẩu…, hát lên những điệu then với cây đàn tính tẩu. Chị Trần Thị Hương Giang cho biết:“Hiện nay, xã Lay Nưa còn đội múa gồm những người cao tuổi trong xã. Họ là những nghệ nhân tuổi trên 60. Các cụ cũng thấy rằng đây là đề án cấp thiết và cần phải được triển khai nên cũng nhiệt tình truyền dạy lại cho con em trong xã Lay Nưa. Đồng thời các cán bộ của phòng văn hóa thị xã gồm 1 biên đạo múa và 1 nhạc công cũng tới dự lớp học để 2 cán bộ này nắm được những điệu múa cổ, sau đó về triển khai đồng loạt trên 34 đội văn nghệ của toàn thị xã Mường Lay. Hiện nay các đội văn nghệ đều được tập huấn về các nét và các điệu múa cổ của dân tộc Thái trên địa bàn.”

Các em nhỏ, học sinh dân tộc Thái thuộc địa bàn thị xã Mường Lay được xác định là đối tượng chính để giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc. Giữa gia đình và nhà trường có sự phối hợp dạy dỗ để các em hiểu được về dân tộc mình. Chị Trần Thị Hương Giang, trưởng phòng Văn hóa thông tin thị xã Mường Lay, cho biết: Chúng tôi cũng vận động các gia đình may cho con em mình những trang phục truyền thống để các cháu mặc trong những dịp lễ, tết. Còn các trường học thì có ngày thứ 6 triển khai mặc trang phục dân tộc truyền thống. Bên cạnh đó là các cuộc sinh hoạt ngoại khóa thì tổ chức kể các câu chuyện dân gian của các dân tộc trên địa bàn nhằm giáo dục niềm tự hào, truyền thống dân tộc để thế hệ trẻ nhận biết được phong tục tập quán của dân tộc mình, cái nét đẹp, tinh hoa của dân tộc để các em sau này sẽ kế thừa những thành tựu đó.”

Cùng với đó, vấn đề gìn giữ chữ viết của dân tộc Thái cũng được chính quyền địa phương hết sức chú trọng. Chị Trần Thị Hương Giang cho biết thêm: “Phòng giáo dục cũng triển khai đề án dạy chữ Thái trong các trường phổ thông. Năm học 2012 – 2013, phòng giáo dục đã triển khai thí điểm dạy chữ Thái cho trẻ em lớp 3 của xã Lay Nưa và 65 cháu đã biết chữ Thái. Năm nay chúng tôi tiếp tục triển khai lên lớp 4.”

Dân tộc Thái tại Mường Lay nói riêng và ở khu vực Tây Bắc nói chung là một dân tộc có nền văn hóa phong phú, lâu đời và hết sức đặc sắc. Do đó những nét đẹp trong văn hóa của dân tộc này cần phải được lưu giữ. Với những cách làm của thị xã Mường Lay, những tinh hoa văn hóa của dân tộc Thái sẽ tiếp tục được các thế hệ sau kế thừa và phát huy, mãi là niềm tự hào của những người Tây Bắc./.


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu