Nghi lễ vòng đời của người Tày

Giàng Seo Pùa
Chia sẻ
(VOV5) - Trong lễ mừng thọ, con cháu, họ hàng trong gia đình đến dự lễ mừng thọ đều phải chuẩn bị những túm gạo nhỏ.

Đồng bào dân tộc Tày cư trú ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và một số tỉnh Tây Nguyên. Dù sinh sống ở đâu, đồng bào cũng có những phong tục tập quán, nghi lễ tín ngưỡng khá tương đồng, trong đó nổi bật là lễ đầy tháng và lễ mừng thọ. Lễ đầy tháng (hay còn gọi là Lễ ra tháng) là lễ thức đầu tiên có ý nghĩa quan trọng trong chu kỳ vòng đời của người Tày. Lễ đầy tháng được người Tày chuẩn bị chu đáo, công phu, bởi đây là thời kì đánh dấu sự trưởng thành của một đứa trẻ để chuẩn bị bước vào tuổi mới, được tổ tiên, ông bà, được họ hàng công nhận.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây:  
Đối với lễ đầy tháng của dân tộc Tày, thầy cúng đóng vai trò hết sức quan trọng. Thầy cúng có nhiệm vụ trình báo để tổ tiên biết hôm nay là ngày đầy tháng của con cháu trong gia đình, thỉnh mời ông bà tổ tiên đến dự và công nhận gia đình đã có thêm một thành viên mới. Về thời gian tổ chức nghi lễ đầy tháng, ông Nguyễn Văn Chự ở xã Phương Độ, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang, cho biết: "Thường thường ở đây là 33 ngày trình báo cho gia tiên, tổ nội của mình đây này là hôm nay con cháu mình đã được 33 ngày, được chính thức ra khỏi chỗ dựa của cha mẹ về với cộng đồng, được chung sống với cộng đồng. Thế nhưng làm lễ cúng mụ nó khác. Làm lễ cúng mụ lại dâng lễ lên cửa mụ của nó, có nghĩa là lên các bà mụ ở trên thiên đình.

Nghi lễ cúng bà mụ trong lễ đầy tháng gồm nhiều chương mục khác nhau. Thời gian cúng lễ kéo dài vài ba giờ đồng hồ; trong không gian diễn xướng, ngay bên dưới bàn thờ tổ tiên của gia đình. Trong các chương đoạn, chương quan trọng nhất là vào cửa mụ, vun cây hoa và nộp lễ cửa mụ. Về lễ vật chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp của gia đình nhằm tạ ơn thần linh, ông bà tổ tiên đã che chở và phù hộ cho đứa bé sinh ra được khỏe mạnh.

Nghi lễ vòng đời của người Tày - ảnh 1Mừng bé đầy tháng của người Tày. Nguồn ảnh: Báo ảnh DT & MN-TTXVN

Ông Nguyễn Văn Chự cho biết thêm: "Lễ cúng mụ ngày xưa là phải có lợn, dê... tạ lễ, có nhiều người còn phải mổ trâu nhưng bây giờ tất cả những cái đấy xóa bỏ hết rồi, bây giờ chỉ có con gà, con vịt là xong. Lấy áo của cháu rồi lấy hoa cắt làm hoa, con gái là 9 bông, con trai là 7 bông, làm lễ dâng hoa đến mụ, báo cáo cho bà mụ biết được là cháu đã sinh xuống trần gian thành người và đã được cha mẹ ở dưới trần gian đưa đón cháu và dạy khôn cháu.

Theo quan niệm của người Tày, cửa mụ là nơi trú ngụ của các bà mụ, người ban con cái cho các cặp vợ chồng ở trần gian. Khi vào đến cửa mụ, thầy phải dâng lễ vật của gia đình cúng lên các bà mụ để tạ ơn các bà đã cho gia chủ con cái và xin bà mụ đặt tên cho đứa bé. Ông Hoàng Tương Lai ở xã Xuân lai, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, cho biết sau khi làm Lễ đặt tên xong, thầy sẽ làm lễ công nhận đứa trẻ là thành viên mới của gia đình và cho cháu đi chợ. Trong lễ cúng, quan trọng nhất là chiếc địu của bà ngoại gửi tặng cháu yêu:                

"Hôm làm lễ đón con về làm dâu thì có lễ làm khớ tức là ướt khô đấy, giờ phút này mẹ mới dành lại vải đó để may một cái địu để tặng cháu yêu của mình. Địu đó ông thầy cũng làm phép để cho cháu luôn luôn ở trên lưng mẹ, trên lưng chị hoặc trên lưng bố là không khóc."

Ngoài lễ đầy tháng đối với trẻ nhỏ thì người Tày còn có Lễ mừng thọ cho ông bà, bố mẹ. Lễ mừng thọ của người Tày thể hiện tấm lòng hiếu thảo, sự kính trọng và cầu cho ông bà, bố mẹ khỏe mạnh, có thêm nhiều thời gian ở bên con cháu. Lễ thường diễn ra từ đêm hôm trước tới sáng hôm sau với nhiều nghi lễ. Để nghi lễ được tiến hành, gia đình phải chuẩn bị ba mâm cúng dưới chân bàn thờ; trong đó có một mâm chay dành cho bà mụ sinh, một mâm mặn cúng tổ tiên và một mâm dành cho hành binh, hành kiến.

Ông Nguyễn Văn Chự, xã Phương Độ, Thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang cho biết: "Đối với người Tày 61 tuổi là đã có lễ mừng thọ. Lễ mừng thọ các cụ bà là 9 bánh dày, cụ ông là 7 bánh dày, và phải mổ lợn. Lợn trước đây lợn to, lợn nhỏ tùy hoặc lấy cái thủ lợn có 4 chân giò thay vào vẫn được. Đến 70 tuổi mừng thượng thọ cũng mổ lợn, mổ gà rồi anh em đồng niên, đồng tuổi người ta công nhận mình.

Trong lễ mừng thọ, con cháu, họ hàng trong gia đình đến dự lễ mừng thọ đều phải chuẩn bị những túm gạo nhỏ. Sau khi hành lễ, những túm gạo đó sẽ được đổ vào một chiếc thúng. Từ thúng gạo này trải một tấm vải đen tượng trưng là cầu nối từ hạ giới lên thiên đình, trên mặt vải đặt những chiếc đũa hình chữ chi kèm với vàng mã, tượng trưng cho những thanh cầu và tiền hành lộ.

Lễ mừng thọ của người Tày là một trong những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, thể hiện chữ hiếu của con cháu đối với các bậc sinh thành, là giá trị văn hóa đặc sắc mà đồng bào dân tộc Tày luôn bảo tồn, gìn giữ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu