Nghệ thuật làm đàn tính của người Tày ở Cao Bằng

Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Cây đàn Tính (còn gọi là Tính tẩu) là loại nhạc cụ tiêu biểu của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái nói chung.

Đàn được dùng trong đời sống tâm linh, trong lễ hội, hát xướng, giao duyên, kết bạn. Tuy nhiên, mỗi dân tộc tại mỗi địa phương lại lưu truyền kỹ thuật làm đàn khác nhau.

Nghệ thuật làm đàn tính của người Tày ở Cao Bằng - ảnh 1Biểu diễn đàn tính

Cây đàn tính trong âm nhạc của người Tày giữ vị trí và vai trò quan trọng. Nó vừa là dẫn dắt, vừa là đệm nhưng đồng thời cúng là một giọng hát thứ hai, bổ sung cho giọng hát nghệ sĩ diễn xướng. Đàn tính thuộc đàn họ dây. Khi đánh đàn, dùng ngón tay trỏ của tay phải để gảy.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Ít người biết phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp mới tạo ra được cây đàn tính. Đàn tính gồm các bộ phận chính là bầu đàn làm bằng nửa quả bầu khô, cần đàn thường làm bằng gỗ dâu, dây đàn thì làm bằng tơ xe. Làm đàn tính khó nhất là tìm quả bầu. Phải chọn được quả bầu không quá to, cũng không quá nhỏ, miệng phải tròn, có chu vi từ 60 - 70 cm, phải là quả già, hình dáng bên ngoài tròn đẹp, vỏ dày, gõ vào phải kêu đanh, như thế đàn mới có âm sắc chuẩn. Ông Đàm Xuân Hòa, người Tày, thợ làm đàn tính ở Cao Bằng, cho biết: “Lựa chọn bầu già, lấy về phải cắt bỏ phần trên, lấy ruột ra và ngâm nước 1 tuần rồi rửa sạch, phơi khô. Phơi khô xong, giai đoạn thứ 2 là ngâm vôi khoảng 2 - 3 ngày. Ngâm vôi mục đích là để không bị mọt. Không ngâm thì chỉ 1 thời gian là bầu bị mọt, quả không cứng và âm thanh cũng khác".

Nghệ thuật làm đàn tính của người Tày ở Cao Bằng - ảnh 2Nghệ nhân Điêu Chính Lả chế tác đàn tính 

Quả bầu sau khi phơi khô sẽ được đục lỗ xung quanh để tạo âm cho đàn. Kích thước của lỗ đục cũng phải tùy theo kích thước to hay nhỏ của quả bầu. Ông Hòa chia sẻ: Trước kia các cụ dùi lỗ ở đáy đàn nên khi đánh, ôm vào người, tiếng không thoát ra được. Có 6 điểm đục lỗ, mỗi điểm 9 lỗ, xung quanh có 54 lỗ tất cả. Quả bé thì khoan lỗ bé, quả to khoan lỗ to để nó thoát âm. Khi nào đàn lên, nghe thấy âm nó đạt là được, nếu chưa được mình phải dùi thêm".

Công đoạn tiếp theo là làm nắp đàn. Nắp đàn là một tấm gỗ nhẹ, thường dùng gỗ cây hoa sữa (phần thân), có nơi làm bằng gỗ cây vông, vì gỗ mềm để tạo tiếng vang, dày khoảng 3 mm. Trước kia, chưa có keo dính, người Tày phải vào rừng để kiếm nhựa cây hồng. Việc lấy nhựa cây không phải mùa nào cũng có bởi một năm chỉ có một mùa.

Nghệ thuật làm đàn tính của người Tày ở Cao Bằng - ảnh 3Đàn tính luôn gắn liền với hát Then ở địa phương 

Ông Đàm Xuân Hòa cho biêt trong tất cả các công đoạn làm đàn tính, việc làm cần đàn đòi hỏi phải tỉ mỉ và cẩn thận. Cần đàn hoàn toàn làm bằng thủ công. Cần đàn (căn tính) làm bằng các loại gỗ dẻo được đẽo công phu, đánh giáp cho bóng. Dùng cây thông đất, cây mỡ, cây xoan hoặc gỗ cây dẻ (loại cây 15 năm tuổi trở lên). Phải chọn cây gỗ già, mịn, ít vân, mắt, để đàn dùng lâu cần không bị cong vênh. Cần đàn có chiều dài trung bình từ 80 cm – 1 m, tùy theo sải tay của người chơi. Kinh nghiệm dân gian mà sau này như một công thức cho tỷ lệ bầu đàn và cần đàn là “slam căm tẩu, cẩu căn càn” (tức là chiều rộng mặt bầu được đo bằng ba nắm tay, chiều dài cần đàn là chín nắm tay).

Phía trên cần đàn là thủ đàn cong hình lưỡi liềm. Mỗi người thợ sẽ chạm khắc bằng tay những hoa văn riêng trang trí cho thủ đàn. Cần đàn sau khi hoàn thành được gắn vào bầu đàn, đánh bóng và phơi khô. Cuối cùng là công đoạn lắp dây đàn. Đàn tính truyền thống có 3 dây. Ngày xưa, dây đàn được lựa chọn là tơ xe. Ngày nay người ta có thể thay tơ xe bằng các loại dây dễ có chất liệu khác như dây dù hoặc dây cước.

Nghệ thuật làm đàn tính của người Tày ở Cao Bằng - ảnh 4Truyền nghề đánh đàn tính, hát then 

Để làm được cây đàn tính cần tính kiên trì, đôi bàn tay khéo léo. Một cây đàn tính tốt, có tiếng đàn hay, chuẩn cần có hội tụ đủ các yếu tố: Bầu đàn đủ kích cỡ, đục lỗ bầu và chỉnh dây chuẩn. Theo ông Hòa, đối với đàn tính, âm chuẩn hay không phải dựa trên kinh nghiệm và cái tai biết thẩm thấu của người thợ đàn. Do đó, muốn có được cây đàn tốt, thanh âm chuẩn thì người thợ còn phải là người biết hát các điệu then, những quãng âm, nhạc lý cơ bản. Với cá nhân ông Hòa, ông vừa biết hát điệu then, vừa biết đánh đàn tính, nên việc chỉnh dây đàn thường không mất nhiều thời gian. Sau khi hoàn thiện cây đàn tính, ông lại gẩy một điệu then để kiểm tra chất lượng âm thanh của đàn.

Từ bao đời nay, cây đàn tính không thể thiếu trong các làn điệu then, trong các lễ hội, hoạt động truyền thống văn hóa, văn nghệ ở Cao Bằng. Đàn tính, hát then góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Tày Cao Bằng. Ngày nay, đồng bào vẫn tiếp tục gìn giữ và truyền nghề làm đàn tính cho thế hệ trẻ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu