Tục cưới hỏi của đồng bào Xơ Đăng có nét văn hóa riêng, tuy đơn sơ nhưng ấm cúng. Dù ngày cưới của đôi trẻ là việc của gia đình nhưng luôn được cả buôn làng coi như ngày vui chung.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đến tuổi trưởng thành, trai gái Xơ Đăng được tự do tìm hiểu nhau để đi đến hôn nhân. Nhưng đám cưới phải tuân theo tục lệ của dân tộc, cũng như buôn làng. Trước đây, chỉ sau khi chàng trai được làm lễ cưa răng, nghi lễ trượng trưng chứng tỏ chàng trai đã trưởng thành, thì chàng trai mới thực sự trở thành thành viên chính thức, cùng chia sẻ những quyền lợi đối với gia đình, dòng họ, bản làng. Và đó cũng là điều kiện để được xây dựng gia đình. Ông A Phâng, xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cho biết: “Tiêu chuẩn chọn vợ, chọn chồng của các chàng trai, cô gái Xơ Đăng không phải là sắc đẹp mà thường để ý đến người chăm chỉ lao động, có sức khỏe. Cô gái phải giỏi làm nương rẫy, dệt vải, chàng trai phải săn bắt giỏi, biết rèn sắt, đan gùi. Ông A Phâng cho biết về thủ tục để đi đến hôn nhân: “Hai người quyết định đến với nhau thì dẫn về nhà bố mẹ hai bên để biết mặt xem bố mẹ có đồng ý hay không. Nếu bố mẹ đồng ý sẽ cho người làm mai, làm mối. Đã yêu nhau trước rồi, nhưng khi có bà mai làm mối thì cả hai nên vợ nên chồng sẽ xác định yêu nhau mãi mãi”.
Chén rượu trao nhau thay lời đính ước |
Trước đây, lễ vật thách cưới mang đến nhà gái thường phải có chiêng, ché, đây cũng là của hồi môn của cha mẹ cho con gái khi lập gia đình, đồng thời cũng là lễ vật khẳng định uy tín của gia đình, dòng tộc nhà trai. Đối với nhà trai, lễ vật không có chiêng, ché thì khó lấy được vợ. Nhưng hiện nay, lễ vật trong lễ ăn hỏi của đồng bào Xơ Đăng đã đơn giản hơn, ngoài trầu cau, thuốc lá, thịt khô, nhà trai còn mang đến một con heo, cá, một đôi gà trống, mái. Chi Y Mon, xã Đăk Ang chia sẻ: “Nhà gái khi làm đám cưới phải nấu rượu. Nhà trai có gà, đến nhà nhau uống rượu, ăn thịt gà. Yêu nhau có vòng tay thì trao nhau, hoặc cùng nhau trao chén rượu với nhau”.
Trong lúc yêu cũng như lúc tổ chức đám cưới, các đôi trai gái Xơ Đăng thường trao cho nhau chiếc vòng tay bằng kim loại như bạc, đồng. Tuy không có giá trị cao về mặt vật chất, nhưng chiếc vòng là một lời đính ước của hai người và cũng là để cho mọi người biết rằng cô gái đó đã có chủ. Ông A Khao cùng ở xã Đăk Ang cho biết: “Nam nữ yêu nhau thì trao nhau chiếc vòng tay. Khi tôi yêu một cô gái, tôi và cô ấy sẽ trao nhau chiếc vòng… nếu không thành thì trả lại cho nhau. Hợp nhau, tìm hiểu, được cha mẹ chấp nhận và đi đến hôn nhân thì phải đeo mãi, coi như là kỷ niệm tình yêu và đeo đến chết”.
Chú rể mang lễ vật dẫn cưới tặng cô dâu. Ảnh: Tấn Vịnh
|
Hôn nhân bằng tình yêu tự nguyện nên đồng bào Xơ Đăng rất coi trọng sự chung thủy trong cuộc sống vợ chồng. Khi chiếc vòng được trao cho nhau và chén rượu được hai người cùng uống, họ sẽ cùng nhau xây dựng cuộc sống và bên nhau cho đến lúc đầu bạc, răng long. Ông A Khao cho biết thêm: “Bà mối dặn bên nhà trai nếu bỏ bên gái thì phải đền một con trâu, thường thì đàn ông phải đền nhiều hơn đàn bà. Nếu người đàn ông không giữ được tình yêu và phản bội người phụ nữ thì sẽ bị họ nhà gái phạt rất nặng, từ con heo đến con trâu. Điều này như một lời căn dặn đàn ông Xê Đăng chỉ yêu một người đàn bà, không được thay lòng đổi dạ.
Ông mai trao ống thuốc bột cho cô dâu và chú rể. Ảnh: Tấn Vịnh
|
Sau khi cưới xong, cô gái về nhà chồng nhưng chưa vào nhà ngay mà phải đợi đến khi gia đình nhà trai mời bà con, họ hàng đến tổ chức ăn mừng. Nhà trai cũng phải chuẩn bị một con gà trống và rượu để cô dâu, chú rể ăn chung với nhau trong phòng hợp hôn, điều này thể hiện quan niệm của đồng bào Xơ Đăng mong cho đôi vợ chồng luôn hòa hợp, hạnh phúc. Những ngày tháng sau đó, vợ chồng có thể về ở chung với gia đình bên trai hoặc bên gái trước khi ra ở riêng.