Dân tộc Xơ Đăng trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Xơ Đăng là dân tộc cư ngụ lâu đời ở vùng đất Tây Nguyên. Trong quá trình hình thành và phát triển, đồng bào Xơ Đăng vẫn gìn giữ được các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Dân tộc Xơ Đăng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer với dân số khoảng 170.000 người, là 1 trong 6 dân tộc có số dân đông nhất ở khu vực Tây Nguyên. Đồng bào Xơ Đăng sinh sống chủ yếu ở tỉnh Kon Tum, một số ít ở miền núi của tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Quảng Nam.

 

Dân tộc Xơ Đăng trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên - ảnh 1 Ngôi nhà công cộng (nhà rông) nổi bật trong làng ở nhiều vùng người Xơ Ðăng. Ảnh: Internet

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Người Xơ Đăng chủ yếu làm rẫy và trồng một số loại cây lương thực khác cùng với chăn nuôi gia súc, gia cầm, hái lượm, đánh bắt cá… Ngoài ra đồng bào Xơ Đăng còn có nghề đan lát, dệt, nghề rèn rất phát triển. Người Xơ Đăng sống gần gũi với thiên nhiên nên trong đời sống tâm linh nên đồng bào thờ nhiều vị thần liên quan đến sản xuất và sinh hoạt.

Trang phục truyền thống của đồng bào Xơ Đăng chủ yếu màu đen, nam giới đóng khố, cởi trần. Khố là một tấm vải dài, khổ hẹp luồn qua háng, quấn quanh thắt lưng, thả mành mành hai đầu buông dài trước và sau đến gần cổ chân. Một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Xơ Đăng gồm có: áo, váy và tấm choàng (khăn vai). Áo là kiểu áo chui đầu, không có tay. Tấm choàng hay còn gọi là khăn vai của phụ nữ Xơ Đăng được dệt từ những sợi bông với nhiều màu sắc khác nhau, chủ yếu là màu đen. Phụ nữ Xơ Đăng cũng thích đeo đồ  trang sức bằng cườm đá nhiều màu sắc ở thắt lưng, cổ tay, cổ chân, đeo vòng đồng, vòng bạc trên cổ và khuyên tai. Bà Lương Thanh Sơn, Nhà nghiên cứu dân tộc Tây Nguyên, cho biết: Trang phục của đồng bào Xơ Đăng giống với trang phục với các dân tộc ở khu vực Tây Nguyên. Điểm khác là trang phục của dân tộc Xơ Đăng là nhiều họa tiết, hoa văn trên trang phục. Trong các lễ hội, trang phục của người đàn ông quấn thêm một tấm vải quấn chéo trên ngực, nhìn như một chiến binh đang ra trận. Còn những người phụ nữ mặc váy áo sát nách, khi múa thì người đàn ông nhìn mạnh mẽ, phụ nữ thì uyển chuyển, mềm mại.

 

Dân tộc Xơ Đăng trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên - ảnh 2 Người Xơ Ðăng không chỉ đan đồ mây tre rất đẹp mà còn tạo ra một số đồ dùng bằng lá như cái nón trong ảnh. Ảnh: Internet

 

Đồng bào Xơ Đăng vẫn duy trì chế độ gia đình nhiều thế hệ ở trong một ngôi nhà sàn dài. Tên của người Xơ Đăng không có họ kèm đi theo, nhưng có từ chỉ định giới tính: nam có chữ đầu là A hay U, còn nữ là Y. Trai gái lớn lên, được tự do  tìm hiểu, yêu nhau. Lễ cưới hỏi của đồng bào Xơ Đăng khá  đơn giản và khi cưới, vợ chồng có thể ở bên nhà trai hoặc nhà gái.

Trong đời sống, đồng bào Xơ Đăng hiện vẫn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán và  lễ hội truyền thống. Đàn ông Xơ Đăng không chỉ có tinh thần thượng võ mà còn có tài nghệ trong kiến trúc, điêu khắc và hội họa. Về âm nhạc, người Xơ Đăng có kho tàng đồ sộ với các loại hình nghệ thuật dân gian như múa, hát, âm nhạc. Những dịp lễ hội, Tết, đồng bào Xơ Đăng thường diễn xướng cồng chiêng và kể những câu chuyện sử thi về dân tộc mình cũng như về cội nguồn của vùng đất Tây Nguyên. Dân tộc Xơ Đăng cũng tiếng về nhiều loại nhạc cụ được làm từ các ống tre, nứa như đàn gong, đàn t’rưng, sáo, klong put… Người Xơ Đăng có một số lễ hội dân gian liên quan đến đời sống nông nghiệp, nổi bật là lễ ăn mừng lúa mới, lễ cầu mùa để tạ ơn thần lúa cho mùa màng bội thu. Ông A Khao, dân tộc Xơ Đăng, xã Đak Ang, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, cho biết: Nhiều lễ hội, trong đó có Lễ mừng lúa mới của người Xơ Đăng chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình những ngày nay đã trở thành lễ hội chung của cả cộng đồng. Trong lễ hội, Già làng là người đứng ra điều hành mọi sinh hoạt chung và đại diện cho buôn tế lễ cảm ơn thần linh cho mọi gia đình có một mùa lúa bội thu: “Dân tộc Xơ Đăng ở từng địa phương có nét văn hóa khác nhau. Các lễ hội của đồng bào Xơ Đăng chủ yếu diễn ra vào đầu năm, lúc bắt đầu tỉa cây trồng và ăn lúa mới. Khi thu lúa vào kho, khoảng đầu tháng giêng, các nhà làm một con heo nhỏ để ăn mừng lùa mới. Để mừng lúa mới trong kho luôn được nhiều, con heo, con gà ăn mãi không hết”.

Mọi việc trong buôn làng Xơ Đăng đều do “Già làng”, người uy tín, được nể trọng và nhiều tuổi nhất trong buôn, là người điều hành các hoạt động trong làng và là đại diện cho tiếng nói của dân làng. Mỗi lần buôn làng có việc, những người dân trong làng Xơ Đăng đều quây quần trong ngồi nhà rông để bàn bạc, lắng nghe ý kiến già làng, rồi cùng chia sẻ công việc. Nhà rông được đặt ở giữa mỗi làng, không chỉ là nơi để đồng bào nghỉ ngơi, vui chơi, giao lưu, tiếp khách, mà còn là nơi trưng bày các các đồ vật liên quan đến cuộc sống của dân làng như cồng chiêng, các pho tượng thờ tổ tiên.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu