Lễ cúng cổng bon làng của đồng bào M’nông

Giàng Pùa VOV4
Chia sẻ
(VOV5) -Lễ cúng cổng bon được tổ chức hàng năm khi mùa mưa trên Tây Nguyên chuẩn bị bắt đầu, tức là vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 âm lịch.

Người dân tộc thiểu số M’nông đã có một quá trình lâu dài sinh sống tại Đắk Nông với sức sáng tạo văn hóa không ngừng được bồi đắp qua bao thế hệ. Nhiều di sản văn hóa, trong đó có các nghi lễ truyền thống đặc trưng của dân tộc, cho đến nay vẫn còn giữ được giá trị văn hóa. Những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của con người trong cuộc sống được thể hiện qua những nghi lễ này. Trong số đó phải kể tới Lễ cúng cổng bon làng (Bư brah mpêr bon), với mong muốn cho mưa thuận, gió hòa, cho mùa màng bội thu, cho đời sống của người dân trong bon làng được ấm no, hạnh phúc.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Tại tỉnh Đắk Nông, nơi tập trung đông cộng đồng đồng bào M’nông, mọi người sống tập trung thành từng bon, từ chục đến vài chục gia đình trở lên và có mối quan hệ láng giềng gần gũi với nhau. Trong mỗi bon của người M’nông hiện nay vẫn giữ được nét truyền thống xưa là có cổng ra vào. Mỗi cổng bon đều có một nét văn hóa riêng nhưng phía sau cổng bon ấy của người M’nông là sự kết nối cộng đồng, dòng tộc, là những nét chung trong phong tục tập quán, truyền thống văn hóa. Chính vì vậy người M’nông có một cách ứng xử nhân văn đối với cổng bon là tổ chức cúng cổng bon.

Ông Phan Công Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông, cho biết: Cổng bon cũng giống như cổng làng, rất quan trọng. Tất cả các thành viên trong cộng đồng của người M’nông khi đi lên nương, lên suối thì đều đi ngang qua cổng bon. Khi gặp nhau, người ta chào hỏi nhau để tạo nên một sự thân thiện, gắn kết cộng đồng và để mang lại tình đoàn kết trong bon làng với nhau. Đằng sau cổng bon là sinh hoạt của các thành viên của các gia đình trong bon và mục đích, ý nghĩa của lễ cúng cổng bon này là mong muốn cho mưa thuận, gió hòa, cho mùa màng bội thu, cho đời sống của người dân trong bon được ấm no, hạnh phúc.”

Lễ cúng cổng bon được tổ chức hàng năm khi mùa mưa trên Tây Nguyên chuẩn bị bắt đầu, tức là vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 âm lịch. Trước lễ cúng, già làng sẽ triệu tập tất cả các thành viên trong bon để thống nhất ngày giờ và sau đó già làng phân công cho các thành viên trong bon chuẩn bị các lễ vật để dâng lên thần linh.

Lễ cúng cổng bon làng của đồng bào M’nông - ảnh 1

Chị Nguyễn Thị Nga, cán bộ phòng nghệ thuật quần chúng, trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Nông, một người am hiểu về lễ cúng cổng bon, cho biết lễ vật gồm 1 hòn than củi được nhặt trong bếp bằng tay trái, quấn bằng vòng bông vải làm khố gọi là sà ôn, được coi như vị thần liên lạc giữa con người với các thần linh. Mang lễ vật của con người dâng lên các thần và cầu mong các thần ban cho sự giàu mạnh cho cả gia đình và bon làng.

Các lễ vật gồm gạo trắng, mỗi gia đình góp 1 nắm, thuốc lào góp 1 nhúm rồi 1 hòn than củi, 1 cặp ngà voi, 1 sừng tê giác giả làm bằng gỗ, 1 lá trầu có quết sẵn vôi, 1 miếng cau, 3 chiếc bánh nếp gói bằng lá chuối, 3 quả chuối xanh, 3 củ khoai lang  luộc chín, 3 đoạn mía xanh mỗi đoạn 3 đốt, 4 cây nến sáp cắm trên 4 đầu cọc của bàn cúng. Phía trước bàn cúng sẽ có 1 ché rượu giả làm bằng vỏ quả bầu khô.”

Các lễ vật này sẽ được dâng lên trước cây nêu, vật tượng trưng cho sự giao hòa giữa đất và trời. Lễ vật dâng lên thần linh để thần linh chứng giám cho lòng thành của người dân trong bon. Đặc biệt, khi mang những lễ vật này ra trước cây nêu, đồng bào M’nông phải đi khom người, nhằm tái hiện lại quá trình lao động trên nương trên rẫy khi đi cấy lúa, cấy bắp.

Trong lễ cúng cổng bon của người M’nông không thể thiếu hình tượng của các con vật tê giác, voi, cọp được làm bằng gỗ. “Người M’nông muốn dùng hình tượng đó đặt trước cổng để những con ma quỷ, dịch bệnh nhìn thấy tượng con cọp hay sừng tê giác, ngà voi, những biểu tượng của sức mạnh, nó sẽ sợ mà bỏ đi, không dám vào trong cổng bon làng để quấy phá dân làng.”

Trong buổi lễ, tất cả mọi người tham gia ai cũng mặc trang phục truyền thống của dân tộc M’nông. Cánh đàn ông thì đóng khố, mặc áo hở sát nách, hay quàng 1 tấm vải vắt chéo ngang vai. Còn người phụ nữ thì mặc váy, áo dài tay hoặc ngắn tay với hoa văn sặc sỡ.

Già làng K’Măng, ở bon N’riêng, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, người thực hiện lễ cúng, cho biết: “Bài cúng gọi các thần linh, thần núi các nơi, gọi dòng suối, dòng suối… phải gọi hết. Sau đó nhắc nhở bà con dân bản về vấn đề ăn ở phải tốt để làm ăn phát triển. làm lúa, nuôi gà vịt, bò heo năng suất cao… phải dặn hết. Các bon làng khác phải đoàn kết với nhau, người nào tài giỏi thì mình làm theo, người xấu không được theo.”

Khi đã đầy đủ lễ vật, già làng cầm 1 một chiếc ổng thổi gần giống như tù và tiến về giữa sân, nơi có dựng cây nêu và sà phên để đồ cúng. Sau lời kêu gọi của già làng và tiếng hú đáp lại của dân làng, đội cồng chiêng gồm 6 người bước ra.

Sau khi làm lễ cúng ở cổng bon làng, già làng và các chủ hộ lấy rượu ra pha với tiết lợn mang về nhà để cúng thần nhà, thần bếp, thần giữ cửa, thần giữ kho lúa cầu mong các thần linh giữ nhà cửa, không cho thần ác gây phá rối hoặc làm hại cho con người.

Trong lễ cúng cổng bon làng của người M’nông còn có lễ cúng trao vòng sức khỏe với ý nghĩa cầu chúc các gia đình trong bon làng và cho những người bạn phương xa, những vị khách quý được mạnh khỏe và hạnh phúc. Kết thúc các nghi lễ, trong không khí hơi se lạnh điểm xuyết làn nắng vàng như rót mật, già làng cùng nam thanh nữ tú trong bon và du khách vui vẻ thưởng thức hương rượu cần thơm ngọt giữa nhịp chiêng trầm ấm bồng bềnh. Khung cảnh thanh bình như đưa hồn ta về với dòng sông, con suối, về với núi rừng đại ngàn bình yên.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu