Kiến trúc nhà ở của người Brâu

Tô Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) - Như nhiều dân tộc sinh sống trên vùng đất Tây Nguyên, người Brâu coi trọng việc chọn đất lập làng và làm nhà ở. Hình ảnh buôn làng Brâu với những mái nhà sàn quây quanh nhà Rông ở giữa làng như một biểu tượng hội tụ sức mạnh cộng đồng, nơi thể hiện sinh động các phong tục tập quán tín ngưỡng và nghệ thuật kiến trúc dân gian của dân tộc Brâu.
(VOV5) - Như nhiều dân tộc sinh sống trên vùng đất Tây Nguyên, người Brâu coi trọng việc chọn đất lập làng và làm nhà ở. Hình ảnh buôn làng Brâu với những mái nhà sàn quây quanh nhà Rông ở giữa làng như một biểu tượng hội tụ sức mạnh cộng đồng, nơi thể hiện sinh động các phong tục tập quán tín ngưỡng và nghệ thuật kiến trúc dân gian của dân tộc Brâu.

Nghe nội dung chi tiết tại đây



Trước đây, người Brâu thường lập làng trên gò cao và làng có kiến trúc khá riêng biệt. Khi vào làng, các cửa nhà ở hướng về phía nhà Rông là ngôi nhà chung và có kiến trúc nổi bật ở giữa làng. Nhà truyền thống của người Brâu thường là loại nhà sàn dài, nơi sinh sống của đại gia đình. Nhà sàn sẽ được nối dài thêm khi trong nhà có các người con lấy vợ hoặc lấy chồng và bếp lửa trong nhà cũng đuợc chia tách ra để thành các tiểu gia đình. Ông Nguyễn Văn Nam, hướng dẫn viên du lịch tỉnh Kon Tum, cho biết: “ Người ta làm kiểu nhà sàn bởi trước đây cư dân sống ở rừng. Nếu làm nhà dưới đất thì sợ muôn thú, rắn, rết…bởi vậy làm nhà sàn mới an toàn. Mặt khác dưới sàn nhà còn làm nơi giữ trâu,bò, súc vật. Trong nhà bao giờ cũng có bếp lửa để giữa nhà, ngoài việc đun nấu còn dùng để sửa ấm”.

Nhà sàn của người Brâu có mái dốc, được lợp bằng tranh hay bằng lá rừng. Sàn nhà thường lát bằng tre hoặc cây lồ ô đập dập. Tường nhà được đan bằng thân cây lồ ô. Người Brâu rất chú trọng làm đến việc làm đẹp cho ngôi nhà. Trên mái nhà chạy dọc theo nóc nhà là những phên tre đan các hình trang trí, hai đầu hồi là hình đầu chim, hom giỏ, hay hình mặt trời, nan quạt. Mặt sàn nhà được chia thành các phần khác nhau. Sàn thấp ( gọi là tir)  là nơi để cối giã gạo, còn sàn cao (re pơ tư) là nơi để ngồi khâu vá, nghỉ ngơi. Gian bên trong cũng chia thành hai tầng, sàn thấp đặt bếp lửa và ống nước, sàn cao dùng để ngủ. Bên cạnh nhà chính là nhà phụ là nơi chứa lương thực, thực phẩm và một số nông cụ và đồ dùng của gia đình.


Kiến trúc nhà ở của người Brâu - ảnh 1
Đồng bào người Brâu vừa làm lễ để đón mừng ngôi nhà mới được dựng lên.(Ảnh: danviet.vn)


Trong làng truyền thống của người Brâu, nhà Rông luôn là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của cả làng. Nhà Rông được dựng và trang trí bằng chính công sức, tài nghệ của mọi cư dân trong làng. Cũng với gỗ, tre, nứa lá, cũng buộc, chằng theo cách thức như nhà sàn..., nhưng nhà Rông được làm chắc chắn và cầu kỳ hơn. Cột nhà to và bằng loại gỗ quý, mái nhà rất dốc và cao, bề thế và được trang trí công phu bằng nhiều hình họa và khắc gỗ phong phú, đa dạng. Nhà Rông là công trình kiến trúc nghệ thuật, là bộ mặt, niềm tin và lòng kiêu hãnh của cả buôn làng. Nhà Rông còn là không gian linh thiêng, nơi quy tụ sức mạnh tâm linh, bởi vậy ở đây thường diễn ra những nghi thức quan trọng của làng như : Lễ hội cồng chiêng mừng làng mới, mừng nhà mới, lễ hội trỉa lúa, mừng được mùa, mừng lúa vào kho…Già làng Thao La ở thôn Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, cho biết: “ Tập quán của dân tộc Brâu là khi vào làng mới và vào nhà mới nhà ở và nhà Rông đều tổ chức cúng thần đất, thần núi, thần nước phù hộ cho có chỗ ở êm đẹp mà mát mẻ . Xin có chỗ ở mãi mãi, cho 100 năm cho mỗi người, thứ hai là để có cuộc sống hạnh phúc ấm no ở đất này, làng này”

Với tập quán sống du canh, du cư, trong thời gian chiến tranh, người Brâu đã chuyển chỗ ở sâu vào trong rừng. Năm 1999, trước nguy cơ suy thoái, giảm sút dân số, với sự quan tâm của Nhà nước, tộc người Brâu đã được đưa về định cư tại làng mới ở thôn Đăk Mế, xã Bờ Y, ven quốc lộ 40 thuộc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Nhà nước đầu tư để dân tộc Brâu có đất ở, có cây trồng để ổn định cuộc sống.

Kiến trúc nhà ở của người Brâu - ảnh 2
Trong làng Ðắc Mế hiện nay, nhà ở đều là nhà trệt, thưng ván, lợp ngói... Kiểu nhà cổ truyền Brâu chỉ còn hiện hình ở ngôi nhà bếp; mà cũng rất ít thấy. Ðó là loại nhà sàn, mái lợp cỏ tranh, cửa ra vào ở mặt trước... (Ảnh: http://cema.gov.vn)



Nhà nước đầu tư 34 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng nhà sàn cọc bê tông cho mỗi gia đình trong làng và dựng cho làng nhà Rông mới cùng 2 ngôi nhà ở bằng gỗ theo đúng nguyên mẫu nhà truyền thống của dân tộc Brâu. Làng Đắk Mế giờ khang trang như một khu phố nhỏ giữa rừng xanh bạt ngàn hoa lá. Cái đói, cái nghèo và những hủ tục lạc hậu đã bị đẩy lùi. Trong vòng tay nhân ái của cộng đồng và sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, gần 400 nhân khẩu dân tộc Brâu đã chỗ ở, sản xuất ổn định và có sống gắn bó, hoà thuận với các dân tộc anh em khác trên cao nguyên trù phú này./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu