Đồng bào các dân tộc tỉnh Trà Vinh tự do tín ngưỡng

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Tỉnh Trà Vinh có gần 380 cơ sở tôn giáo, khoảng 600.000 tín đồ. Toàn tỉnh có 465 cơ sở tín ngưỡng với các loại hình.

Tỉnh Trà Vinh có dân số hơn 1 triệu người, với 3 dân tộc chính: Kinh, Khmer, Hoa. Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 tôn giáo, gồm: Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Tin Lành, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội, Hồi giáo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật giáo Hòa Hảo. Đồng bào các dân tộc tỉnh Trà Vinh được bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, hoạt động với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Tỉnh Trà Vinh có gần 380 cơ sở tôn giáo, khoảng 600.000 tín đồ. Toàn tỉnh có 465 cơ sở tín ngưỡng với các loại hình, như: thờ thành hoàng, thờ anh hùng dân tộc, thờ tổ tiên, thờ mẫu… Các tổ chức tôn giáo đồng hành cùng chính quyền địa phương tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc.

Các chức sắc, chức việc, tín đồ các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng, Nhà nước; hoạt động theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo.

Đồng bào các dân tộc tỉnh Trà Vinh tự do tín ngưỡng - ảnh 1Quang cảnh sinh hoạt tôn giáo ở chùa Long Trường. Ảnh: Ngọc Anh

Hòa thượng Thạch Oai, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh, trụ trì chùa Ông Mẹt, cho biết: "Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà vinh là một thành viên của Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh. Hội có trách nhiệm tuyên truyền và vận động chư tăng, phật tử thực hiện theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và chính sách phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà. Hội hoạt động theo quy chế và điều lệ của Hội trong khuôn khổ pháp luật, với phương châm đạo pháp dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chăm lo chư tăng phật tử, bà con dân tộc Khmer. Sinh hoạt tôn giáo ở Trà Vinh không bị cản trở gì, miễn là phù hợp với pháp luật của Nhà nước."

Để đồng bào có đạo nắm rõ tình hình, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, các vị chức sắc, chức việc chủ động tuyên truyền đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc về tình hình tôn giáo và công tác tôn giáo của địa phương.

Thượng tọa Thạch Út, Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Tiểu Cần, trụ trì chùa Ô Chhuc, cho biết "Hiện nay, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh tiếp tục đẩy mạnh phát triển về văn hóa, giáo dục, bảo tồn văn hóa người Khmer, học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bà con Công giáo, Phật giáo đoàn kết, giao lưu, Noel mình thăm Công giáo rồi lễ Chol Thnam Thmay họ lại thăm mình. Dân tộc Việt Nam là một, các dân tộc luôn đoàn kết với nhau":

Hằng năm, Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các ngành chức năng của tỉnh Trà Vinh tổ chức các lớp tuyên truyền chủ trương, chính sách tôn giáo của Nhà nước cho chức sắc và tín đồ của các tôn giáo, như: phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; thông tin về chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tình hình biên giới, biển đảo; tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo…

Đồng bào các dân tộc tỉnh Trà Vinh tự do tín ngưỡng - ảnh 2Nhà thờ Rạch Vồn, cơ sở tôn giáo ở huyện Tiểu Cần

Ông Kim Hồng Danh, nguyên cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, cho rằng: "Muốn làm tốt công tác dân tộc trước hết phải am hiểu về chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước. Thường xuyên tuyên truyền các đường lối, chính sách của Nhà nước đến địa bàn đồng bào dân tộc tỉnh. Các cơ sở tôn giáo vận dụng những chủ trương đó bảo đảm đúng với hoạt động tôn giáo của mình, vận động theo quỹ đạo, đạo pháp dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nhờ vậy, thời gian qua, đời sống đồng bào các dân tộc tỉnh được cải thiện và nâng cao. Chính sách: nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề… rất thiết thực, đi vào thực tế đời sống đồng bào."

Mỗi năm, tỉnh Trà Vinh tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở tôn giáo tổ chức các lễ lớn, như: Lễ Kiết giới Sima, Lễ Đại giới đàn, Đại lễ cầu siêu, Đại lễ Phật đản, Mừng Thiên chúa Giáng sinh, lễ Phục sinh…

Các cơ sở tôn giáo phát huy tinh thần đại đoàn  kết các dân tộc, khi có lễ hội của tôn giáo nào thì các tôn giáo khác cử đại diện đến thăm hỏi, chúc mừng, giao lưu. Sư Kim Hoàng Trung, ở huyện Trà Cú, cho biết: "Mình chung sống có 3 dân tộc Khmer, Việt, Hoa, sống hòa thuận. Bà con dân tộc nào cũng đối xử tốt, bình đẳng với nhau."

Các chủ trương, chính sách của chính quyền tỉnh Trà Vinh mang lại những thay đổi tích cực trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Sự chỉ đạo, quan tâm của chính quyền địa phương đã củng cố lòng tin của tín đồ, chức sắc, nhà tu hành, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu