Là nơi hội cư của nhiều dân tộc anh em, tỉnh Lạng Sơn được biết đến với rất nhiều làn điệu dân ca của đồng bào Tày, Nùng như: then, sli sình làng, sli sloong hàu, hát lượn, quan làng, cỏ lẩu, phong slư… Đến nay, các làn điệu dân ca truyền thống vẫn luôn được gìn giữ và phát huy. Kết quả này có sự đóng góp to lớn của Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, mái nhà chung và cũng là cái nôi nuôi dưỡng những tài năng nghệ thuật dân gian của đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
"Năm năm mới bấy nhiêu ngày/Mà then, sli, lượn đắm say lòng người/Then, sli thoang thoảng hương hồi/Mua vui đã được, một vài tháng năm/Lá vàng nay lại tươi xanh/Ngọt môi đằm thắm, đượm tình quê hương…."
Những thành viên Đội văn nghệ Hội dân ca tỉnh Lạng Sơn |
Đó là bức tranh nghệ thuật dân gian đặc sắc của xứ Lạng được thể hiện qua những câu thơ mộc mạc của ông Vi Hồng Nhân, Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Với mong muốn gìn giữ bản sắc văn hóa của bà con dân tộc Tày, Nùng, năm 2010 ông Nhân đã đứng ra vận động thành lập Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Đến nay, Hội đã phát triển được gần 1.000 hội viên, sinh hoạt tại 50 Câu lạc bộ (CLB) ở hầu hết các huyện trên tinh thần tự nguyện, tự trang trải kinh phí.
Em Nguyễn Hoàng Tường An (11 tuổi) thành viên nhỏ tuổi nhất trong CLB hát then Cẩu Pung, huyện Tràng Định, cho biết: "Em tham gia sinh hoạt ở CLB đã được 4 năm, chúng em tham gia lớp hát then đàn tính được các bà các cô truyền dạy lại những cái hay cái đẹp của hát then đàn tính. Đến nay, em đã học được khá nhiều bài cơ bản."
CLB hát then Cẩu Pung, huyện Tràng Định là một trong những câu lạc bộ hoạt động rất tích cực với hội viên đa dạng ở mọi lứa tuổi. |
Từ những lớp học này, rất nhiều hội viên của CLB đã trở thành những người "chắc tay đàn, ngọt giọng hát", đóng góp hiệu quả cho hoạt động văn hóa văn nghệ tại cơ sở. Nhiều cuộc giao lưu liên xã, liên huyện được tổ chức như: hội xuân Chợ Bãi (Văn Quan), hội xuân Tô Hiệu (Bình Gia), chợ tình Tân Thành (Cao Lộc),… hay giao lưu với Hội Bảo tồn dân ca của các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Thái Nguyên,…
Nghệ sĩ nhân dân Triệu Thủy Tiên, Nguyên trưởng đoàn Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn, hiện là Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát then - đàn tính của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn, cho biết: "Ở Lạng Sơn, rất đáng mừng là những năm này đã quy tụ được khá nhiều thế hệ trẻ tham gia vào các hoạt động bảo tồn, đó là các thanh niên, nhất là độ tuổi THCS, họ đã tổ chức được những lớp học hát then, đàn tính. Và đặc biệt là lực lượng nghệ nhân, tức những người thực hành tín ngưỡng về nghi lễ then có độ tuổi rất trẻ, nắm một lượng tri thức dân gian khá lớn."
Hội Bảo tồn dân ca Lạng Sơn đã phát triển được gần 1.000 hội viên, sinh hoạt tại 50 CLB ở hầu hết các huyện trên tinh thần tự nguyện, tự trang trải kinh phí. |
Để lưu giữ và phát huy được giá trị của những làn điệu dân ca, bản sắc văn hóa của các dân tộc, các nghệ nhân dân ca cũng như các cấp chính quyền mong muốn cộng đồng người dân cùng vào tham gia công tác bảo tồn các làn điệu dân ca truyền thống của đồng bào các dân tộc tại địa phương.
Ông Vi Hồng Nhân, Chủ tịch Hội bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, chia sẻ: "Không phải chỉ riêng Hội bảo tồn dân ca, không phải chỉ riêng những nghệ nhân và những người tâm huyết yêu thích mà cần phải có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các cấp chính quyền của từng địa phương. Trước hết cần phải có chuyển biến từ nhận thức, coi dân ca là vốn quý, là di sản tinh thần vì mất đi rồi thì không dễ gì phục dựng lại được."
Gần 10 năm hoạt động, Hội bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn không chỉ là mái nhà chung của những người yêu mến, muốn lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, mà đây còn là cái nôi nuôi dưỡng những tài năng nghệ thuật dân gian của đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Từ nơi đây, rất nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian đang ngày ngày thắp lên ngọn lửa đam mê, để những làn điệu dân ca giầu bản sắc, mãi trường tồn với thời gian.