Dân tộc Mường ở Hòa Bình gìn giữ tiếng mẹ đẻ

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Tiếng Mường không chỉ trường tồn cùng Mo Mường mà còn trường tồn cùng vốn văn hóa dân tộc Mường nói chung.

Mỗi dân tộc đều có tiếng nói, chữ viết riêng. Trong thế giới hội nhập, việc bảo tồn ngôn ngữ của mỗi dân tộc càng trở nên cần thiết để bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc. Cộng đồng dân tộc Mường ở Hòa Bình đang nỗ lực gìn giữ tiếng Mường cho muôn đời con cháu mai sau thông qua các hoạt động truyền dạy văn hóa dân gian dân tộc Mường trong cộng đồng.

Dân tộc Mường ở Hòa Bình gìn giữ tiếng mẹ đẻ - ảnh 1Người Mường thường sử dụng mo trong các nghi lễ - Ảnh: baodantoc.vn
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 

Dân tộc Mường có một nền văn hóa phong phú và đặc sắc và được lưu truyền đến ngày nay chủ yếu bằng phương thức truyền miệng trong dân gian. Từ lâu, người Mường đã có ý thức tạo dựng cho mình một bộ chữ viết ghi lại tiếng nói của tổ tiên mình. Hiện nay trong nhân dân vẫn còn lưu lại một số văn bản người xưa sử dụng chữ Hán để ghi lại tiếng Mường. Sau 1945, Việt Nam chính thức sử dụng bộ chữ Quốc ngữ là bộ chữ cho tiếng Việt. Cũng từ đây các nhân sĩ, trí thức người Mường bắt đầu sử dụng chữ Quốc ngữ để ghi lại tiếng Mường. Kết quả là hàng vạn câu thơ Mo Mường được sưu tầm, nhiều ấn phẩm được xuất bản và được thực hành trong đời sống cộng đồng, góp phần gìn giữ tiếng Mường trong đời sống cộng đồng.

Mo Mường thực sự là một di sản văn hóa đặc sắc, phản ánh nhân sinh quan, vũ trụ quan độc đáo của dân tộc Mường, hàm chứa nhiều ý nghĩa giáo dục đối với cộng đồng và thể hiện đậm đặc giá trị về tiếng nói, chữ viết của dân tộc Mường. Thống kê cho thấy có tới 23 nghi lễ của người Mường được thực hiện sử dụng Mo. Vai trò của ông Mo gắn liền với vòng đời của con người: Từ khi sinh ra cất tiếng khóc chào đời, ông Mo cầu cho trẻ hay ăn, chóng lớn. Khi đau yếu, lạc vía, Mo làm vía mụ sao cho trẻ được khỏe mạnh, nhanh nhẹn, thông minh. Tuổi trưởng thành, khi đau yếu, Mo làm vía giải hạn, trừ tà ma. Vai trò của ông Mo còn thể hiện qua đám cưới, trong lễ cúng gia tiên hai họ đến đón dâu hay lễ mừng nhà mới, lễ mát nhà, cầu sức khỏe, bình an... Đến tuổi già sức cạn, ông Mo làm lễ kéo si mong cho sức khỏe, minh mẫn, sống lâu. Khi nhắm mắt xuôi tay về với Mường Trời, ông Mo đóng vai trò là cầu nối tiễn hồn người chết sang thế giới bên kia. Trong cộng đồng hiện nay, rất nhiều cá nhân đã và đang nỗ lực gìn giữ vốn văn hóa cổ thể hiện đậm đặc tiếng Mường này.

Ông Đinh Công Tiến, nghệ nhân Mo Mường ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, cho biết: "Tôi học Mo khi tôi đang là chủ nhiệm hợp tác xã. Khi đó, tôi đã chép hết những bài mo Mường từ những năm 1971, 1972 vào sách. Các bài mo các cụ truyền lại thôi không có sổ sách gì nhưng bây giờ có chữ nên học dễ hơn. Tôi vừa học, vừa nghe và ghi chép lại và đi theo các cụ thực hành nên mo ngấm vào tôi rất nhanh. Mo Mường là di sản văn hóa của người Mường".

Dân tộc Mường ở Hòa Bình gìn giữ tiếng mẹ đẻ - ảnh 2Làn điệu dân ca là món ăn tinh thần đặc sắc, không thể thiếu trong hoạt động Lễ hội Khai hạ Mường Bi năm 2020 - Ảnh: baohoabinh.vn

Tiếng Mường không chỉ trường tồn cùng Mo Mường mà còn trường tồn cùng vốn văn hóa dân tộc Mường nói chung, trong các làn điệu dân ca, hát ví của người Mường nói riêng. Trong vài năm gần đây, ý thức về giá trị của dân ca Mường nói riêng, bản sắc văn hóa dân tộc Mường nói chung, được khơi dậy trong cộng đồng. Năm 2017, lần đầu tiên, câu lạc bộ bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường được thành lập tại xóm Ngòi, xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Năm 2019 có thêm một câu lạc bộ bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc ra đời ở xóm Định, thị trấn Mãn Đức. Các câu lạc bộ đẩy mạnh hoạt động truyền dạy đánh chiêng, các làn điệu dân ca, dân vũ, hát đối đáp, duy trì việc mặc trang phục dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường qua lời ăn tiếng nói.

Theo chia sẻ của nghệ nhân Bùi Thị Miên, người trực tiếp truyền dạy dân ca Mường ở câu lạc bộ xóm Định thì việc học dân ca, hát ví của dân tộc Mường ngày càng thu hút nhiều lứa tuổi. Nhiều người cao tuổi cũng muốn tham gia, theo dõi để khắc sâu thêm những làn điệu của dân tộc, quê hương. Đặc biệt, sau mỗi khóa học, các học viên đều phát huy được vốn kiến thức, kỹ năng đã học, góp phần đưa các làn điệu dân ca gần gũi hơn với cuộc sống, nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở và sự hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, làm lan tỏa tiếng nói dân tộc Mường xa hơn trong cộng đồng các dân tộc ở địa phương.

Nghệ nhân Bùi Văn Yểu, huyện Tân Lạc, Hòa Bình, cho biết: "Hát đúm hát ví ăn sâu vào tiềm thức của lứa tuổi của người Mường. Bởi vì nó xuất phát từ công việc thực tế, ngày cưới ngày giỗ, lễ hội hay công việc của người Mường. Nó nằm trong tiềm thức của người Mường. Ngày cưới, ngày giỗ người ta hát say sưa lắm. Tôi rất trăn trở chỉ sợ đến một lúc nào đó, chỉ sợ đến một lúc nào đó, các cháu văn hóa phương Tây du nhập sẽ mai một đi.Vì thế thấy con cháu nào muốn học tôi cũng sẵn sàng truyền dạy mang tính chất bảo tồn vốn văn hóa dân tộc Mường".

Tỉnh Hòa Bình hiện có trên 63% dân số là đồng bào người dân tộc Mường. Dẫu cho cộng đồng dân tộc Mường, đặc biệt là các nghệ nhân, từ xưa đến nay đã rất nỗ lực giữ gìn tiếng nói và chữ viết của dân tộc Mường song trong bối cảnh hiện nay, thì việc bảo tồn và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể là tiếng nói và chữ viết của dân tộc Mường đang được coi là một việc làm cấp bách và thường xuyên. Cùng với việc các nghệ nhân và cộng đồng bà con dân tộc Mường tích cực lưu truyền tiếng mẹ đẻ qua vốn văn hóa dân gian, tỉnh Hòa Bình đã ban hành  Đề án "Dạy và học tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường”, mở ra nhiều hy vọng cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc địa phương cũng như phát huy tiềm năng, lợi thế nội lực trong bản sắc văn hóa dân tộc Mường.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu