Chuyện học của người Mông ở Hua Nhàn, Sơn La

Chia sẻ
(VOV5) - Hua Nhàn, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La là xã khó khăn nhất của một trong những huyện nghèo nhất Việt Nam. Xã Hua Nhàn gồm 17 bản thì có 16 bản người Mông còn một bản của người Khơ Mú. Xã có gần 4000 người dân nhưng có đến 54% hộ nghèo. Cuộc sống khó khăn là vậy nhưng đến nay đa phần người Mông ở Hua Nhàn đều cho con đến trường học chữ.

(VOV5) - Hua Nhàn, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La là xã khó khăn nhất của một trong những huyện nghèo nhất Việt Nam. Xã Hua Nhàn gồm 17 bản thì có 16 bản người Mông còn một bản của người Khơ Mú. Xã có gần 4000 người dân nhưng có đến 54% hộ nghèo. Cuộc sống khó khăn là vậy nhưng đến nay đa phần người Mông ở Hua Nhàn đều cho con đến trường học chữ.


Nghe nội dung chi tiết tại đây:


 

Chuyện học của người Mông ở Hua Nhàn, Sơn La - ảnh 1


Đoạn đường từ quốc lộ chính vào xã dài 15km mà ai đi một lần cũng cảm thấy dài vô tận. Trời mưa, bùn, đất ngập sâu khiến cho việc đi lại khó khăn. Phương tiện duy nhất đi được trên con đường này vào trời mưa đó là xe máy. Trời nắng thì bụi, đường lại gập ghềnh khó đi. Có đi qua chặng đường này mới phần nào cảm nhận được nỗi vất vả của đồng bào địa phương. Chuyện đi lại khó khăn một thì việc làm nương còn khó gấp bội phần. Người dân Hua Nhàn phải bám từng mỏm đất, khe đá mà tra ngô. Lương thực chính của người dân ở đây là ngô. Vì chỉ có ngô mới sống được trên những dốc núi đá dựng đứng, luôn bị xói lở sau mỗi trận mưa. Một vài hộ nuôi thêm dăm con dê, con lợn, con gà phòng khi nhà có công có việc. Cuộc sống của người Mông ở Hua Nhàn còn rất nhiều khó khăn, vì thế, họ ít quan tâm tới việc cho con em đến trường học chữ. Người lớn dành thời gian cho việc kiếm sống còn trẻ em sinh ra và lớn lên như cây dại trong rừng. Khi biết làm, trẻ theo bố mẹ lên nương làm rẫy, đâu quan tâm tới cái chữ. Ông Giàng A Lềnh, Bí thư xã Hua Nhàn: Vì lý do dân tộc Mông ngày xưa bố mẹ không cho con gái đi học nhưng đến nay, con gái cũng như con trai nghĩa là có con là được đi học đầy đủ. Về quan niệm của bà con rất lo là con gái đi học sau này khó tìm việc làm, mà về làm nương rẫy lại không biết làm.

 

Dù cơ sở vật chất còn chưa được khang trang, nhưng nhờ sự giúp đỡ của Tổng công ty Giấy Việt Nam, mới đây xã đã xây dựng được trường cấp 2 khang trang, có chỗ cho hơn 200 em học nội trú. Thế nhưng, nhiều em nhà ở bản xa, cách trường học đến 40km nên mỗi lần về thăm nhà phải đi mất cả ngày đường. Muốn lên cấp 3, các em phải xuống huyện và tỉnh để học. Còn trường mẫu giáo và tiểu học, đa số vẫn là phòng học tạm, thiếu thốn trang thiết bị dạy và học. Cơ sở vật chất thiếu thốn gây khó khăn cho giáo viên và học sinh trong dậy và học, đặc biệt trong mùa đông. Tuy nhiên cả thầy cô giáo và học sinh đã vượt lên được những khó khăn đó để duy trì việc dạy và học. Cô Đỗ Thị Lan, Hiệu trưởng trường mầm non Hua Nhàn, cho biết: Các cháu mầm non đến lớp vất vả. Hầu như cô giáo phải đến từng nhà để đưa các cháu đến lớp. Bố mẹ trình độ dân trí chưa thật cao còn phần đa cô giáo giúp đỡ các cháu rất nhiều như vệ sinh. Cô phải đến tận nhà. Đường đi đã khó nhưng để vận động cũng rất khó nhưng bằng sự tận tình, tâm huyết các cô cũng đã đến vận động, tuyên truyền với phụ huynh để cho các cháu đến lớp.

 

Thời gian gần đây, nhờ sự tuyên truyền bền bỉ của chính quyền xã cũng như các thầy cô giáo, quan niệm về chuyện học của người Mông ở xã Hua Nhàn đã thay đổi. Ông Giàng A Lềnh, Bí thư xã Hua Nhàn cho biết: Việc huy động con em đủ tuổi đến trường hiện nay đã cao hơn mấy năm trước. Vì Đảng và Nhà nước quan tâm đến con em của xã, tới phụ huynh học sinh và bản thân họ cũng có ý thức trách nhiệm hơn trong việc cho con em đi học đầy đủ. Chính quyền tuyên truyền với bà con là đi học không phải để làm cán bộ nhưng có văn hóa, có chữ thì làm gì cũng được và hiệu quả hơn. Sau đó bà con hiểu được và nâng cao ý thức trách nhiệm cho con em gia đình của mình đi học đầy đủ.

 

Cái nghèo đã làm cho không ít người Mông suy nghĩ con chữ liệu có nuôi sống được họ bằng cây lúa, cây ngô không? Nhưng giờ đây quan niệm này đã được cởi bỏ. Có văn hóa, con họ có tương lai tươi sáng hơn. Và người Mông ở Hua Nhàn phần nào thấy ấm lòng khi mà ngày càng có nhiều tấm lòng hảo tâm dành sự quan tâm cho việc học cho con em họ. Mới đây, hơn 40 em mầm non được học trong phòng học khang trang với nhiều đồ dung học tập do Hội tuổi thơ và sức khỏe (Vinaes-Cộng hòa Pháp) tài trợ. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, đại diện của Hội tuổi thơ và sức khỏe tại Việt Nam trong buổi bàn giao công trình, chia sẻ: Lần đầu tiên tôi đặt chân đến đây thấy cuộc sống thanh bình nhưng rất khó khăn nên cũng muốn góp một phần với địa phương chăm lo sự nghiệp giáo dục cho các cháu. Trong quá trình thực hiện Hôm nay đây là kết quả cố gắng của cả tập đoàn, hội và chính quyền địa phương và nhân dân xã Hua Nhàn. Mong địa phương sử dụng hiệu quả công trình và nâng chất lượng giáo dục của xã nhà.

 

Những đứa trẻ cất tiếng hát véo von nhưng khuôn mặt không dấu được sự ngạc nhiên và vui sướng khi được ngồi trong phòng học khang trang. Nhìn con trẻ rạng rỡ ông chủ tịch Vàng A Lềnh hay các thầy cô giáo đều không giấu được xúc động. Sự chung tay của cộng đồng đã phần nào làm ấm lòng cho con em người Mông và động viên các thầy cô gắn bó với sự nghiệp trồng người nơi vùng xa như Hua Nhàn./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu