Bí quyết nghề rèn của đồng bào dân tộc Mông

Tô Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) - Nghề rèn của người Mông đòi hỏi sự tài hoa khéo léo, thể hiện sự sáng tạo của người thợ rèn cho ra lò những sản phẩm tinh xảo vừa có giá trị làm vật dụng vừa thể hiện bản sắc văn hóa riêng của người Mông.

Nghề rèn của đồng bào dân tộc Mông có từ lâu đời. Trước kia, hầu như gia đình người Mông nào cũng có một lò rèn riêng để làm ra những nông cụ và đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Ngày nay trong xu thế phát triển, nhưng nghề rèn thủ công của đồng bào Mông vẫn tồn tại. Các sản phẩm rèn của người Mông vẫn nổi tiếng bởi độ bền, độ tinh xảo với bí quyết riêng.

Bí quyết nghề rèn của đồng bào dân tộc Mông - ảnh 1Ông Tráng A Chơ thao tác chiếc pít-tông bên lò rèn - Ảnh: Thanh Thuận/baobienphong.com 

 Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Cùng với sự phát triển của xã hội, máy móc hiện đại thay thế cho sức lao động thủ công tạo ra nhiều vật dụng, nông cụ, vừa rẻ vừa đẹp, thế nhưng, những sản phẩm rèn bằng tay của người Mông vẫn được đồng bào ưa chuộng và là những vật dụng không thể thiếu trong đời sống lao động sản xuất. Lò rèn của gia đình ông Tráng A Chơ ở bản Hua Tạt, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La là một trong số ít các gia đình người Mông còn giữ lại được nghề rèn truyền thống. Ban đầu, ông chủ yếu tự rèn nông cụ cho gia đình và giúp đỡ mọi người trong bản. Sau ông mở lò rèn bán đồ rèn nông cụ cho bà con trong vùng. Sau hơn 30 năm làm nghề các sản phẩm rèn của gia đình ông được nhiều người biết đến. Khách hàng từ khắp nơi đến tìm mua ngày càng nhiều. Ông Tráng A Chơ tâm sự: “Trước kia tôi chỉ làm trong gia đình. Một năm chỉ làm 2-3 lần thôi, thế rồi nhiều gia đình mua mang đi, họ dùng thấy tốt, người nọ bảo người kia, thế là họ tìm đến, có người đến đặt mua 5-10 con dao, họ mang mẫu đến đến, thì mình làm theo cho người ta”.

Bí quyết nghề rèn của đồng bào dân tộc Mông - ảnh 2 Người dân mua dụng cụ lao động được rèn thủ công tại chợ phiên - Ảnh: baodienbienphu

Ông Chơ còn cho biết: bí quyết làm nghề để làm ra những con dao có độ sắc và độ bền chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Ngoài việc chọn loại thép tốt, phù hợp cho từng sản phẩm, còn đòi hỏi kinh nghiệm tôi thép trong khi làm. Chẳng hạn để làm con dao phải mua được cái Nhíp ô tô, mà phải là nhíp ô tô Liên Xô cũ, thì đồ làm mới sắc, dẻo, dao chặt đồ không sợ hỏng. Kỹ thuật tôi thép cũng rất quan trọng. Thép được tôi nhúng vào nhựa chuối thì con dao vừa sáng lại vừa bền. Ông Chơ cho biết: “Trong lúc rèn, nếu tôi thép chưa đủ độ nóng thì thép non, không dùng lâu được, mà tôi quá lửa lại hay bị gẫy, do vậy phải tôi thép làm sao để thép có đủ độ rắn và độ lạnh mới được”.

Trong khi rèn than đốt lò của người Mông cũng rất đặc biệt. Người Mông không dùng than đá mà dùng than củi cây trong rừng hay than củi từ cành tre già. Trong khi rèn nhiệt độ lò rèn cũng rất quan trọng, nhiệt nóng đều sẽ cho ra sản phẩm tốt. Ngày nay trong một số công đoạn làm rèn, người Mông đã sử dụng máy móc, như quạt thổi lò, máy mài…Tuy nhiên hầu hết các lò rèn vẫn sử dụng các công cụ truyền thống. Các sản phẩm được tạo ra hoàn toàn bằng thủ công, từ khâu cắt sắt, tạo hình, quai búa, làm tay cầm… tất cả vẫn làm bằng tay không có sự can thiệp của máy móc. Nhưng cũng chính vì vậy, đồ rèn của người Mông làm ra vẫn có độ tinh xảo, sắc bén và dùng bền lâu hơn. Với sản phẩn làm ra, nghề rèn của đồng bào Mông không chỉ góp phần thiết thực vào đời sống lao động sản xuất, mà còn góp phần duy trì nét văn hóa độc đáo truyền thống.của dân tộc mình.

Ông Nguyễn Văn Thụ, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, cho biết: “Hiện nay nghề rèn của đồng bào Mông một số nơi vẫn giữ được nghề truyền thống, mặc dù nghề truyền thống này chủ yếu sản xuất ra các nông cụ và những nông cụ này sử dụng trong các gia đình là chính còn bán ra thị trường thì ít hơn. Tuy nhiên, các hoạt động này chủ yếu là để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và duy trì bảo tồn nghề truyền thống đảm bảo cuộc sống của họ”.

Nghề rèn của người Mông đòi hỏi sự tài hoa khéo léo, thể hiện sự sáng tạo của người thợ rèn cho ra lò những sản phẩm tinh xảo vừa có giá trị làm vật dụng vừa thể hiện bản sắc văn hóa riêng của người Mông. Trong sự phát triển của xã hội, nghề rèn trong đồng bào Mông có thể ít dần đi, nhưng nét tinh túy nghề truyền thống vẫn còn đó và vẫn được các thể hệ sau giữ gìn và phát huy.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu