Bánh chưng thảo dược – Món ăn độc đáo của đồng bào dân tộc Mường tỉnh Phú Thọ

Khánh Linh
Chia sẻ
(VOV5) - Bánh chưng thảo dược giờ đây trở thành món ẩm thực độc đáo với nhiều du khách trong nước và nước ngoài mỗi khi đến với các bản Mường Yên Lập.

Đồng bào dân tộc Mường ở tỉnh Phú Thọ có nhiều món ăn độc đáo, trong đó có món bánh chưng thảo dược, hay còn gọi là bánh chưng đen, mang đậm hương sắc núi rừng. Món bánh đặc sản này cũng không thể thiếu trên mâm cỗ cúng tổ tiên, đất trời của người Mường mỗi khi lễ, tết.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
 Cứ vào dịp lễ, tết, đồng bào dân tộc Mường ở huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, lại tất bật chuẩn bị nguyên liệu quen thuộc để làm bánh chưng thảo dược. Bà Đỗ Thị Mận, xã Hương Long, huyện Yên Lập, cho biết: Dù Tết hay lễ hội, nhà giàu hay nghèo khó, với đồng bào các dân tộc Mường nơi đây, bao giờ trên mâm cỗ cúng tổ tiên, đất trời cũng phải có món bánh chưng thảo dược. Món bánh chưng thảo dược này có từ lâu đời, được truyền qua bao thế hệ, đến nay vẫn giữ nguyên được nét truyền thống.
Bánh chưng thảo dược – Món ăn độc đáo của đồng bào dân tộc Mường tỉnh Phú Thọ - ảnh 1Nguyên liệu để làm ra loại bánh chưng này bao gồm gạo nếp, đỗ, thịt lợn và những thảo dược của núi rừng.Ảnh Danviet.vn

 Các thế hệ người Mường ngay từ nhỏ đã được xem các bà, các mẹ gói bánh chưng thảo dược nên việc làm này đã trở thành nét đẹp truyền thống, được lưu giữ từ đời này sang đời khác:  "Bánh chưng thảo dược đã có từ rất lâu rồi, từ những ngày tôi còn nhỏ, ông bà, bố mẹ đã làm cho ăn loại bánh chưng đen này. Ngày xưa ông bà đã lên rừng hát những loại lá cây như lá gùn, lá gai…. về phơi khô, giã để làm nguyên luyện làm bánh chưng… Từ đó thì truyền cho con cháu và trong gia đình thì tôi là người được truyền dạy để làm loại bánh chưng này.

Nguyên liệu để làm bánh chưng thảo dược được người Mường chọn lựa kỹ càng gồm có lá dong, gạo nếp Mỹ Lung, đỗ xanh, thịt nhiều mỡ thái mỏng, ướp với gia vị và hạt tiêu. Đặc biệt để tạo màu đen cho bánh, người Mường Yên Lập lấy lá gùn, lá gai, lá cầm trên rừng phơi qua rồi đem đốt, giã mịn như bột, hòa vào nước trộn lẫn với gạo nếp, đảo đều cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen. Các loại lá cây rừng làm nguyên liệu bánh chưng thảo dược không chỉ tạo cho bánh một hương vị riêng, màu sắc độc đáo mà còn có tác dụng thanh nhiệt. Bánh chưng thảo dược không chỉ có hương vị riêng, màu sắc độc đáo, còn có tác dụng thanh nhiệt. 

Bánh chưng thảo dược – Món ăn độc đáo của đồng bào dân tộc Mường tỉnh Phú Thọ - ảnh 2Bánh chưng dược liệu không chỉ có hương vị riêng, màu sắc độc đáo, còn có tác dụng thanh nhiệt. Ảnh Danviet

Để có một chiếc bánh chưng thảo dược thơm ngon, người dân nấu bánh khoảng 8 đến 10 tiếng. Bà Đỗ Thị Mận cho biết thêm: Mỗi lần làm bánh là dịp để gắn kết tình cảm của các thành viên trong gia đình vì mỗi khi gói bánh, tất cả mọi người trong gia đình đều tham gia. Những cháu nhỏ thì tước, rửa lá, người lớn hơn thì vo gạo, thái thịt, vót lạt, những người khéo tay, có kinh nghiệm thì gói bánh.     

"Mỗi dịp lễ, tết… gia đình lại ngồi quây quần bên nồi bánh chưng. Đây là dịp ông bà nói chuyện, giáo dục cho con, cháu về truyền thống văn hóa của dân tộc, của gia đình, quê hương. Đặc biệt là nói cho con cháu giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc và đất nước."

Bánh chưng thảo dược giờ đây trở thành món ẩm thực độc đáo với nhiều du khách trong nước và nước ngoài mỗi khi đến với các bản Mường Yên Lập và trở thành món ăn phổ biến mà bất cứ ai khi tới nơi đây đều muốn mua về làm quà tặng người thân.

Chị Thảo Phương, du khách ở Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Bánh rất ngon có, gạo nếp rất dẻo, đặc biệt là hương vị rất lạ… Tôi đã ăn bánh chưng làm bằng gạo lứt, gạo nếp cẩm nhưng hôm nay được ăn bánh chưng thảo dược thì mê luôn. Vị bánh rất thơm, mát, dễ ăn, vị thịt trong bánh không bị chán và thơm, chỉ muốn ăn thêm.

Bánh chưng thảo dược không những mang đậm hương sắc núi rừng nơi đây, mà còn thể hiện sự sáng tạo và thành kính của người dân tộc Mường với tổ tiên của mình khi làm ra món bánh độc đáo này.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu