(VOV5) - Đã hơn một thế kỷ kể từ khi những người Việt đầu tiên ghi danh theo dạng mộ phu thời Pháp thuộc để đi làm, hay còn gọi là những người "Chân Đăng", đặt chân tới Tân Thế giới (New Caledonia), một lãnh thổ hải ngoại thuộc Cộng hoà Pháp. Thế hệ con cháu của họ, hiện ước tính khoảng hơn 4.000 người, đã hoàn toàn hoà nhập với cuộc sống và văn hoá nơi đây và đặc biệt thành công trong buôn bán và trồng trọt. Vậy nhưng hoà nhập không có nghĩa là hoà tan. Mặc dù đã từng có thời điểm bị ngăn cấm tại Tân Thế giới nhưng hiện tại, tiếng Việt - ngôn ngữ của cội nguồn đã và đang dần tìm lại được chỗ đứng trong cộng đồng Việt kiều trên mảnh đất này.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Bất ngờ, vui sướng và tự hào! Đó chính là những cảm xúc đan xen trong tôi khi lần đầu tiên đặt chân tới hòn đảo xinh đẹp nằm ở phía Nam Thái Bình Dương và tình cờ gặp gỡ cô bé có gương mặt bầu bĩnh, mái tóc ngắn, đen và dày, nói tiếng Việt rất sõi. "Con tên là Ngọc, con 10 tuổi. Con là người Việt và là con út. Con học tiếng Việt ở Ái Hữu Việt Nam. Con học đọc, học viết, học hát, học dịch tiếng Việt. Bố con tên là Hoan, là kỹ sư, mẹ con tên là Mai, nhân viên cửa hàng. Con có một chị hai tên là Hằng, 15 tuổi".
|
Bé Ngọc trong lớp học tiếng Việt |
Vậy lý do gì khiến Ngọc, cũng như cha mẹ của em, dù sinh ra và lớn lên tại một lãnh thổ sử dụng tiếng Pháp ở cách xa Việt Nam tới hơn 8.000 km, lại có thể nói sõi ngôn ngữ của ông cha mình như thế ? Câu hỏi đó cứ thôi thúc tôi tìm đến và dự lớp học tiếng Việt của em tại Hội Ái hữu Việt Nam.
4 giờ rưỡi chiều thứ sáu tại Ái hữu Việt Nam, một trong những hội người Việt Nam tại nước ngoài có trụ sở quy mô lớn nhất trên thế giới. Bên ngoài khoảng sân chính, các cậu chàng choai choai đang mải mê đuổi theo trái bóng còn các bác trung niên túm tụm quanh các trái bi sắt. Trên tầng hai của ngôi nhà vang lên bài thơ "Quà" - vốn rất quen thuộc với trẻ em Việt Nam.
"Bà ơi cháu rất yêu bà/ Đi đâu bà cũng mua quà về cho/ Một hôm có chiếc bánh bò/ Bà chia cho cháu phần to nhất nhà…"
Nếu nhắm mắt lại và chỉ lắng nghe thôi thì chắc chắn tôi sẽ nghĩ rằng mình đang đứng ngoài cửa lớp một trường tiểu học ở Việt Nam, nếu không nghe đâu đó xen lẫn trong những âm thanh trong trẻo kia chút âm điệu chưa tròn của người nước ngoài đọc tiếng Việt.
Ông Jean-Pierre Định, chủ tịch Hội Ái hữu kiêm lãnh sự danh dự Việt Nam tại Tân Thế giới, cho biết: "Ở Ái hữu chúng tôi mở hai lớp học tiếng Việt, một lớp cho trẻ em và một lớp cho người lớn. Người học hoàn toàn không phải đóng học phí. Lương giáo viên do chúng tôi chi trả. Chúng tôi cảm thấy thực sự rất tự hào vì có thể phát triển việc dạy và học tiếng Việt trên mảnh đất này".
Khi bước vào lớp thì một lần nữa, tôi hoàn toàn bị bất ngờ. Ngồi xen kẽ với các em nhỏ tuổi từ 6 đến 14 còn có những học sinh "quá tuổi"-chính là cha mẹ của các em. Bắt đầu học đánh vần "A, Bờ, Cờ" ở độ tuổi đã ngoài 40 nhưng có thể thấy ở họ không hề có sự ngượng ngùng. Ngược lại, ai nấy đều tham gia rất hào hứng và nghiêm túc vào các tiết học.
|
Tình Nga và mẹ |
Tình Nga, 12 tuổi và mẹ em, Elisa, đều mang trong mình hai dòng máu Việt-Pháp. Hai mẹ con đã đi học tiếng Việt được hơn một năm. Nga chia sẻ:"Gia đình cháu là gia đình Việt Nam. Ông cháu rất muốn các con các cháu học tiếng Việt và cháu thấy rất vui được học ngôn ngữ của quê hương mình. Đi học cùng với mẹ cũng rất thú vị, nhất là khi được thấy mẹ cùng học kiến thức mới và thấy mẹ tiếp thu nó như thế nào. Cháu thấy mẹ hay gặp khó khăn khi học tiếng Việt. Theo cháu, tiếng Việt tương đối khó nhưng bây giờ cháu đã biết đọc và có vốn từ ngữ kha khá nên nói được tương đối nhiều".
Còn với chị Elisa, đến với lớp học này cũng để lại cho chị những cảm nhận sâu sắc: "Đó là một trải nghiệm thực sự thú vị với cả con gái tôi và tôi và điều đó khiến tôi cảm thấy mình trẻ lại. Phải thừa nhận là bọn trẻ học và tiếp thu nhanh hơn mình rất nhiều. Nga có thể đọc được, nói được và hát bằng tiếng Việt nữa, cháu hát rất hay".
Chị Phương Anh Christine và con gái Mai Linh là cặp mẹ con lai Việt-Pháp khác mà tôi có dịp được gặp gỡ. Nếu như trước đây ở nhà họ toàn nói tiếng Pháp thì bây giờ mọi chuyện đã khác. Hai mẹ con tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Chị Phương Anh Christine vui vẻ tâm sự: "Giờ tôi có thể giới thiệu được bằng tiếng Việt tên và tuổi của mình, nói các con số và một số các loại quả".
|
Mai Linh học đánh vần với bảng chữ cái tiếng Việt |
Và rồi hai mẹ con Phương Anh và Mai Linh bắt đầu một "trò chơi" đoán các loại quả. Mỗi khi mẹ gọi tên một loại quả bằng tiếng Pháp, thì cô bé Mai Linh nhắc lại bằng tiếng Việt. Nhìn cách hai mẹ con hào hứng như vậy, chúng ta không thể không nhắc tới công sức và tâm huyết của cô giáo Nghi. 11 năm qua, kể từ khi thành lập lớp với tổng số học sinh và giáo viên không đủ để đếm năm đầu ngón tay, với cô Nghi, mỗi năm lại mang lại cho cô một cột mốc và một niềm vui mới. "Tôi quyết định phải chia ra làm hai lớp để tiện giảng dạy hơn bởi vì thứ nhất số lượng học viên năm nay rất đông, lên tới 28 người. Thứ hai là trình độ của các học viên rất chênh lệch nhau, tôi không thể làm việc cùng lúc với 3-4 trình độ được. Hiện các em có thể đăng ký học lớp tiếng Việt vỡ lòng hoặc lớp nâng cao. Đối với các học viên thì điều khó nhất đối là các thanh điệu và các thời trong ngữ pháp. Nhưng nhìn chung họ đều rất thích được khám phá ngôn ngữ thông qua thực hành viết và đặc biệt là hát và đọc thơ bằng tiếng Việt" – cô Nghi cho biết.
|
Ông Hoàng Minh Sơn Tổng lãnh sự Việt Nam tại Australia trao tặng sách dạy và học tiếng Việt cho cô giáo Nghi
|
Việt Nam được vinh dự lựa chọn là quốc gia chủ đề của diễn đàn Pháp ngữ Thái Bình Dương (FFP) lần thứ 9 vừa được tổ chức tại Nouméa, thủ phủ của Tân Thế giới. Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trao tặng hơn 20 bộ sách dạy và tự học tiếng Việt cùng nhiều sách song ngữ Pháp - Việt về lịch sử và văn hóa Việt Nam cho cộng đồng người Việt tại đây. Ông Hoàng Minh Sơn, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Australia cho biết: "Nhân dịp có hội nghị lần thứ 9 FFP, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam mang theo hơn 100 kg sách gồm hơn 300 đầu sách các loại, trong đó phần lớn là sách giáo khoa tiếng Việt các trình độ, sách giới thiệu về văn hoá, du lịch và con người Việt Nam song ngữ Việt-Pháp để học sinh bên này có thể cập nhật nhanh nhất. Chúng tôi có đi thăm một lớp chừng 20 học sinh từ 9 đến 20 tuổi và khi nhìn thấy những nỗ lực học tiếng Việt của các em, chúng tôi rất phấn khởi và rất muốn tiếp thêm các trang thiết bị, kinh nghiệm cũng như các chương trình giảng dạy để tiếng Việt được gìn giữ không chỉ ở đây mà còn ở khắp nơi trên toàn thế giới".
Ông Nguyễn Thiệp, đại sứ đại diện Việt Nam bên cạnh Tổ chức quốc tế Pháp Ngữ chia sẻ: "Rất cảm động bởi vì ở xa Tổ quốc mà các cháu giữ được tiếng Việt như thế này cũng là một điều rất là quý vì thời gian là ngày nghỉ và các cháu còn rất nhỏ nhưng các cháu vẫn thích học tiếng Việt, biết yêu tiếng Việt và còn sử dụng được tiếng Việt. Đó là những điều cần khuyến khích".
|
Bà Giang Kim Thanh, chủ tịch hội Phật giáo tại thành phố Nouméa (đứng giữa) và ông Nguyễn Thiệp, đại sứ đại diện Việt Nam bên cạnh Tổ chức quốc tế Pháp Ngữ (bên phải), ông Jean-Pierre Định, chủ tịch Hội Ái hữu kiêm lãnh sự danh dự Việt Nam tại Tân Đảo tại lễ trao tặng sách cho chùa Nam Hải Phổ Đà.
|
Thành công của hội Ái hữu trong việc thúc đẩy dạy và học tiếng Việt cho thế hệ con cháu người Chân Đăng đã và đang tiếp tục lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng những người con xa xứ nơi đây. Bà Giang Kim Thanh, chủ tịch hội Phật giáo tại thành phố Nouméa chia sẻ: "Chúng tôi rất cảm động trước sự quan tâm của Nhà nước đối với người Việt ở nước ngoài qua việc tặng sách dạy và học tiếng Việt. Đó là quà tặng mà chúng tôi đang rất là cần. Mặc dù là bên Ái Hữu cũng đã có lớp nhưng chúng tôi dự định qua Tết nguyên đán mở thêm lớp học tiếng Việt tại hội trường Hoa Thiền Chân Đăng của chùa Nam Hải Phổ Đà. Mong muốn của chúng tôi là làm sao để các con các cháu mình có thể đọc kinh bằng tiếng Việt, nói chuyện với cha mẹ bằng tiếng Việt, qua đó giữ được ngôn ngữ và truyền thống của người Việt Nam mình".
Rời New Calédonie, giọng tiếng Việt ngọng nghịu dễ thương của các em nhỏ như vẫn còn vấn vít theo tôi về. Để nhớ rằng ở nơi chân trời góc biển ấy, con cháu của những người Chân đăng xưa, nói như nhà thơ Lưu Quang Vũ, "vẫn chung tiếng Việt cùng tôi / như vị muối chung lòng biển mặn / như dòng sông thương mến chảy muôn đời"...