Tri ân “Chân đăng” người Việt ở Tân Đảo

Thu Nga, An Ngọc
Chia sẻ
(VOV5) - Chẳng phải mời mọc ân cần, chỉ  một thông báo ngắn của  anh Phạm Đức, Chi hội Việt Kiều Tân thế giới tại Hà Nội trên mạng về lễ chuyển giao bức tượng “Chân đăng” từ Việt Nam sang Nouvelle Caledonie với một bên là chủ đầu tư công trình - đại diện thế hệ Việt Kiều thứ hai (Niaouli) sinh ra tại Tân Thế giới đã cùng cha mẹ (nguyên là chân đăng) hồi hương những năm 1960 thế kỷ trước và các nhà thiết kế, thi công công trình…

(VOV5) - Chẳng phải mời mọc ân cần, chỉ  một thông báo ngắn của  anh Phạm Đức, Chi hội Việt Kiều Tân thế giới tại Hà Nội trên mạng về lễ chuyển giao bức tượng “Chân đăng” từ Việt Nam sang Nouvelle Caledonie với một bên là chủ đầu tư công trình - đại diện thế hệ Việt Kiều thứ hai (Niaouli) sinh ra tại Tân Thế giới đã cùng cha mẹ (nguyên là chân đăng) hồi hương những năm 1960 thế kỷ trước và các nhà thiết kế, thi công công trình… là anh chị em, con cháu Việt Kiều từ thành phố Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh Nam Định, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Tuyên Quang…đã nô nức tụ hội  tai Đại Bái, Bắc Ninh vốn nổi tiếng về nghề truyền thống đúc đồng Việt Nam…

 Tri ân  “Chân đăng” người Việt ở Tân Đảo - ảnh 1

Sớm đầu thu, mảnh sân cạnh Xưởng đúc Mạnh Quyết lộng lẫy, sôi động với cờ hoa, biểu ngữ, gương mặt tươi vui của hơn 140 Việt Kiều cùng gia đình trong trang phục nhiều kiểu dáng, mầu sắc hoà quyện với những khúc nhạc rộn ràng… để chiêm ngưỡng bức tượng Chân đăng và chứng kiến Lễ chuyển giao công trình. Bức tượng đồng đen bóng láng nổi bật ba nhân vật: ông bố đội mũ thợ mỏ chuẩn bị vào ca, bà mẹ làm nội trợ bịn rịn bên chồng và người con với chiếc cạp lồng trên tay mang cơm cho bố… được đặt tại nơi trang trọng nhất. Chỗ này một nhóm Việt Kiều say sưa chiêm ngưỡng, chụp hình lưu niệm bên bức tượng, chỗ kia  xúm xít chuyện trò, thăm hỏi nhau; đây đó, cánh phóng viên báo chí  khẩn trương tác nghiệp. 

Ông Phạm Đức, nguyên là Việt Kiều Tân thế giới, thành viên Ban tổ chức Lễ chuyển giao bức tượng, cho biết: Bức tượng Chân đăng có được hôm nay xuất phát từ ý tưởng của bà con Việt Kiều đang sống trong nước và Quốc đảo Nouvelle Calédonie đã đề xuất với Chính quyền nước sở tại cho họ được đặt bức tượng Chân đăng tại trung tâm thành phố Nouméa (Thủ phủ Nouvelle Calédonie) để vinh danh những người Việt Nam (chân đăng) từng đi phu cho Pháp đã đổ bao mồ hôi, nước mắt và xương máu vì mảnh đất xa lạ này. Khi được Thị trưởng Nouméa chấp nhận, một số Việt Kiều và Hội Ái Hữu xứ này đã về Việt Nam cùng bà con Việt Kiều trong nước đặt làm tượng. Quá trình triển khai công trình có nhiều ý kiến khác nhau về bố cục, nhân vật, chất liệu… ; cuối cùng cũng thống nhất là bức tượng phải có 3 nhân vật: ông bố, bà mẹ, người con bằng đồng đen nguyên chất. Ông bố- bà mẹ thể hiện hình ảnh người chân đăng đi phu cho Pháp phải lao động nhọc nhằn đầy hiểm nguy tại các vùng mỏ Tân thế giới xa xôi; nhân vật người mẹ làm nội trợ chuẩn bị cho người chồng xuống hầm mỏ; và người con là thế hệ thứ hai (niaouli)  được cha mẹ sinh ra, lớn lên ở xứ người.

 Tri ân  “Chân đăng” người Việt ở Tân Đảo - ảnh 2

Ông Trần Ngọc Bích, Chi hội trưởng Chi hội Việt Kiều Tân thế giới tại Hải Dương giải thích: Chân đăng là những nông dân Việt Nam ở nhiều vùng quê miền Bắc thời Pháp thuộc, vì  thực dân, phong kiến cấu kết bóc lột, họ đã ký hợp đồng lao động với chủ Pháp (engagés sur contrat) để đi khai thác mỏ ở Tân thế giới và làm đồn điền trồng ca cao ở Tân đảo. Xa Tổ quốc, gia đình, các cụ chân đăng kiếm kế sinh nhai nơi xứ người đều bị bạc đãi, làm quần quật như tù khổ sai. Sau hợp đồng 5 năm, những tưởng được trở về Tổ quốc đoàn tụ gia đình, nhưng lúc đó xảy ra chiến tranh Đông Dương nên các cụ phải ở lại, tiếp tục cống hiến sức trẻ cho mảnh đất xa lạ này. Cuối năm 1960 mới có chuyến tàu đầu tiên chở các cụ hồi hương. Và sau 11 chuyến tàu, 5146 chân đăng và gia đình đã được trở về Tổ quốc; ra đi với đầu xanh tuổi trẻ, ngày trở về mái tóc họ đã bạc! 

Ông Bích giãi bày: Hơn 50 năm qua, chúng tôi, thế hệ con cháu các cụ được sống trong lòng Đất mẹ, trong tình thương yêu của đồng bào, được học tập, trưởng thành; mỗi người một hoàn cảnh, cương vị và các lĩnh vực hoạt động khác nhau, nhưng đều đóng góp công sức, xương máu bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Tới nay, hầu hết thế hệ Niaouli chúng tôi đã về hưu.  Được tham gia làm bức  tượng Chân đăng này, chúng tôi vô cùng cảm động, gửi vào đây cả tâm huyết, tấm lòng yêu thương, biết ơn các cụ đã một thời lao động cực nhọc, đấu tranh mạnh mẽ với chính quyền Pháp để đưa con cháu trở về quê hương và có ngày hôm nay. Ba tôi, khi còn ở Nouméa đã cùng bà con xây dựng quỹ kiến thiết đất nước với nhiều hình thức: quyên góp tiền gửi về nước, tổ chức sinh hoạt văn hoá, văn nghệ vào các ngày kỷ niệm 2/9, 19/5, Tết âm lịch…Qua đó để thế hệ con cháu luôn nhớ về cội nguồn. Với các hoạt động này, nhiều cụ được Tổ quốc ghi công, tặng Cờ Tổ quốc, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Liên đoàn lao động thế giới tặng Kỷ niệm chương…Bức tượng chân đăng này sẽ được Thị trưởng Nouméa trang trọng tổ chức buổi lễ và đặt tại trung tâm thành phố, thể hiện sự ngưỡng mộ, tri ân của chính quyền Quốc đảo này với các cụ. 

 Tri ân  “Chân đăng” người Việt ở Tân Đảo - ảnh 3

Bà Nguyễn Thị Loan, hội viên Chi hội Việt Kiều Hà Nội từng là công nhân Nhà máy dệt 8/3, kể: Bà là con một người chân đăng xa đất nước từ năm 1914, làm nghề đóng giày ở Nouméa tới năm 1961 mới được hồi hương. Suốt thời gian sống ở xứ người, cụ đã tích cực tham gia phong trào đấu tranh của Việt Kiều Nouméa chống đóng thuế ngoại kiều và nhập quốc tịch Pháp. Cụ bị chúng bỏ tù ngoài đảo xa, khi bà còn rất nhỏ “Tôi thường đi thăm nuôi cụ. Hôm nay được chiêm ngưỡng bức tượng Chân đăng do Việt Kiều trong nước và hải ngoại góp công tạo dựng, tôi vô cùng cảm động và tự hào. Điều này thể hiện tinh thần đấu tranh kiên cường của ông cha ta, các cụ chân đăng, buộc chủ Pháp phải cho các cụ hồi hương, đã được thế hệ con cháu ghi nhớ. Công lao của các cụ trong quá trình xây dựng xứ sở xa xôi này còn được Chính quyền Quốc đảo Tân thế giới công nhận và vinh danh bằng việc cho đặt tượng đài Chân đăng tại Trung tâm thành phố Nouméa.” 

 Tri ân  “Chân đăng” người Việt ở Tân Đảo - ảnh 4
Thăm lại khu mỏ nơi các chân đăng làm việc ngày xưa 

Tiễn đưa bức tượng Chân đăng về Nouvelle Caledonie, nơi các cụ  đã đấu tranh kiên cường để được cùng con cháu hồi hương, nơi các cụ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân vì một mảnh đất xa lạ… mãi ghi sâu sâu trong tâm khảm các thế hệ Việt Kiều ở mọi phương trời xa. Lịch sử Chân đăng sống mãi với thời gian!

                                                          

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu
Nguyễn Thị Trang

Kính gửi ban biên tập VOV5 đài truyền hình Việt Nam, tôi đang nghiên cứu về những người Việt Nam ở New Caledonia và Vannuatu... Xem thêm

Le luân

Chị trần Ngọc Bích, anh phạm Đức chi hội trưởng Việt kiều tân thế giới tại hải dương, Hà nội số điện thoại... Xem thêm

Le luân (cải)

Ai là chị fin từng học tại đại học ngoại thương Hà nội Việt nam có con là Hương Giang, chị... Xem thêm

Phạm Hào

Kính gửi cộng đồng người Việt Nam ở Tân Thế giới:Cụ nội tôi là : Phạm Văn Thanh sinh khoảng 1882-1883 chết khoảng 1935 tại... Xem thêm

Phạm Ngọc San Roland

kg ban biên tập VOV5 đài truyền hình VN .Được bạn bè là những VK đang sống tại VN cho biết địa chỉ ,được đọc bài viết này :về bức tượng Chân Đăng .Là một người VN sống xa quê cha đất mẹ ,tôi cũng là một Niaouli( con những người Chân Đăng- thế... Xem thêm