Theo thứ tự luân phiên, tháng 4/2021 Việt Nam sẽ tiếp tục đảm trách chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong nhiệm kỳ ủy viên không thường trực giai đoạn 2020-2021. Nhân dịp này, Phạm Huân, phóng viên Đài TNVN thường trú tại Mỹ, trao đổi với Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc để tìm hiểu về những ưu tiên, sáng kiến và giải pháp mà Việt Nam dự kiến thực hiện.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Việt Nam đã rất thành công trên vai trò Chủ tịch Hội đồng bảo an trong tháng 1 năm ngoái, vậy đây có là sức ép hay động lực để chúng ta tiếp tục đảm nhiệm vị trí này trong tháng Tư hay không thưa Đại sứ?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Động lực nhiều hơn là sức ép bởi vì theo tôi, mục đích và nhiệm vụ chính của Chủ tịch Hội đồng bảo an là điều phối các hoạt động của Hội đồng bảo an, làm sao cho Hội đồng bảo an làm tốt nhất nhiệm vụ của mình là duy trì hòa bình, an ninh quốc tế thông qua việc ra những quyết định kịp thời và đúng đắn trước những sự kiện xảy ra. Thành công của tháng 1 là động lực để chúng ta đảm nhiệm công việc đó một cách thành công. Điều thứ hai đó là nước nào làm Chủ tịch cũng muốn để lại dấu ấn và thể hiện sự đóng góp của họ trong tháng Chủ tịch đó và chúng ta trong tháng này cũng hướng tới một vài dấu ấn giống như thế dưới dạng nghị quyết, tuyên bố chủ tịch về những vấn đề mà cộng đồng quốc tế quan tâm.
Đại sứ Đặng Đình Quý trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV. |
PV: Đây là lần thứ hai Việt Nam giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong nhiệm kỳ 2020-2021 của mình, xin Đại sứ cho biết công tác chuẩn bị chương trình nghị sự của chúng ta tới nay ra sao và những nội dung Việt Nam ưu tiên thúc đẩy lần này là gì?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Chúng ta đã chuẩn bị từ ngay sau tháng 1 năm ngoái nhưng gần đây thì công tác chuẩn bị được thúc đẩy nhanh hơn và tới bây giờ đã hòm hòm. Ngoài những vấn đề thuộc chương trình thường kỳ của tháng 4, chúng ta cũng thúc đẩy 4 sự kiện mang sáng kiến riêng của chúng ta. Sự kiện quan trọng nhất diễn ra vào 19/04. Đây là một cuộc thảo luận mở về việc tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực và tiểu khu vực trong việc thúc đẩy đối thoại và các biện pháp xây dựng lòng tin để ngăn ngừa xung đột. Cuộc đó sẽ có sự điều hành của lãnh đạo cấp cao của ta.
Sự kiện quan trọng thứ hai diễn ra vào ngày 08/04, là một cuộc thảo luận mở về bom mìn để nói về những thách thức hiện tại của bom mìn, để chia sẻ những kinh nghiệm của các nước, các khu vực trong giải quyết các vấn đề bom mìn, cả hiện tại và hậu quả của cuộc chiến tranh trước kia, đồng thời đề ra những biện pháp mới để cộng đồng quốc tế đối phó tốt hơn với vấn đề bom mìn. Bom mìn đang hàng ngày tác động tới hơn 60 nước và vùng lãnh thổ đang hoặc đã có xung đột trên thế giới. Bom mìn đang giết người thầm lặng và tác động tới rất nhiều đối tượng, nhất là phụ nữ và trẻ em nên đây là chủ đề quan trọng.
Chủ đề thứ ba sẽ được tổ chức vào ngày 28/4, là một cuộc thảo luận mở về các biện pháp bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống của dân thường, đây cũng là một chủ đề mà quốc tế quan tâm. Sự kiện cuối cùng chúng ta dự định làm vào ngày 14/04 với chủ đề bạo lực tình dục trong xung đột. Luật nhân đạo đã cấm sử dụng bạo lực tình dục như một phương tiện chiến tranh nhưng điều đó vẫn đang được rất nhiều bên xung đột trên thế giới sử dụng và tạo ra những hậu quả vô cùng lâu dài và đau khổ cho phụ nữ và trẻ em gái. Đây là 4 chủ đề thế giới quan tâm và chúng ta sẽ thúc đẩy trong tháng Tư.
PV: Bối cảnh quốc tế trước dịch bệnh Covid-19 hồi tháng 1 năm ngoái khác so với tình hình hiện nay khi đang xuất hiện những bất hòa về một số vấn đề nóng như phân bổ vắc-xin ngừa Covid-19, chính biến tại Myanmar hay như quan hệ giữa các nước lớn trên thế giới. Việt Nam sẽ làm gì để dung hòa quan ngại của các nước thành viên về các chủ đề này?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Lúc nào cũng có những chuyện đó xảy ra và lúc nào cũng có những vấn đề mà người ta thống nhất với nhau hoặc không thống nhất với nhau và tất nhiên bối cảnh mỗi lúc mỗi khác. Hiện nay chúng ta cũng phải đối phó với rất nhiều vấn đề đang diễn ra như Myanmar, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên rồi xa hơn như Syria, Yemen, Libya. Có những vấn đề các nước lớn bây giờ có vẻ dễ tìm tiếng nói chung hơn là tháng 1 năm ngoái khi chúng ta làm Chủ tịch nhưng trong rất nhiều vấn đề họ vẫn có quan điểm khác nhau. Việc của Chủ tịch là làm sao có thể dung hòa, tìm được công thức chung cho các bên cùng làm việc với nhau để sao cho Hội đồng bảo an đi đến được quyết định kịp thời và đúng nhất trước những vấn đề nảy sinh và đó là một vấn đề khó mà Chủ tịch nào cũng phải làm.
PV: Hiện nay dịch bệnh Covid-19 tại Mỹ và trên thế giới hiện vẫn diễn biến phức tạp, vậy xin Đại sứ cho biết các sáng kiến, giải pháp mà Việt Nam dự kiến áp dụng để đảm bảo hoàn thành chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an trong tháng 4/2021?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Phần lớn các cuộc họp trong tháng Tư này có lẽ vẫn diễn ra theo hình thức trực tuyến thế nhưng mà chúng tôi cũng đang thúc đẩy cuộc thảo luận trong Hội đồng bảo an về chuyện tìm ra được một sự kiện nào đó mà vẫn đảm bảo được tiêu chuẩn về an toàn y tế. Tổ chức được trong phòng họp của Hội đồng bảo an thì có tính chất biểu tượng rất lớn đối với hình ảnh của Hội đồng bảo an và với cả thế giới này. Cũng hy vọng là cuối tháng Tư thì nhiều thành viên Hội đồng bảo an đã được tiêm vaccine để đảm bảo an toàn cho việc quay trở lại. Tuy nhiên, việc quay trở lại họp ở phòng Hội đồng bảo an hay không thì còn phụ thuộc vào việc 15 nước thành viên đồng ý hay không và chúng ta đang thảo luận theo hướng đó.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!.