Liên Hợp Quốc: Nền tảng để ngoại giao đa phương Việt Nam cất cánh

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Từ dấu mốc lớn năm 1977 khi Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc, đất nước đã có những bước tiến đáng tự hào trên con đường hội nhập.

Ngày này cách đây 75 năm (24/10/1945-24/10/2020), Liên Hợp Quốc, tổ chức đa phương lớn nhất thế giới ra đời với mục tiêu ngăn ngừa, giải quyết các nguy cơ xung đột, đẩy lùi chiến tranh, duy trì hòa bình, xây dựng một thế giới phát triển, ấm no, thịnh vượng. Đồng hành với Liên Hợp Quốc từ năm 1977, Việt Nam đã tạo được dấu ấn riêng biệt trong tổ chức này, từ đó đem về những lợi ích to lớn cho đất nước. Và có thể khẳng định gia nhập Liên Hợp Quốc chính là tiền đề để ngoại giao đa phương Việt Nam cất cánh.

Liên Hợp Quốc: Nền tảng để ngoại giao đa phương Việt Nam cất cánh - ảnh 1

Việt Nam tham gia tích cực và có trách nhiệm trong các hoạt động của Liên hợp quốc - Ảnh: TTXVN

Ngay từ những ngày đầu của Nhà nước Việt Nam độc lập, Hồ Chủ tịch đã khẳng định “tự do, độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn” của dân tộc phải gắn với nền hoà bình của thế giới và Người đã trực tiếp gửi thư vận động mạnh mẽ để Việt Nam sớm tham gia và có được sự công nhận của Liên Hợp Quốc.

Chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc từ năm 1977, Việt Nam đã khẳng định vị thế của một quốc gia độc lập, thống nhất với những quyền dân tộc cơ bản trên trường quốc tế. Cũng từ đây, Việt Nam đã định vị vai trò và vị thế tại các cơ chế hợp tác đa phương toàn cầu.

Từ “tham gia” đến “định hình”

Từ dấu mốc lớn năm 1977 khi Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc, đất nước đã có những bước tiến đáng tự hào trên con đường hội nhập và trở thành thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Gia nhập Liên Hợp Quốc, hoạt động ngoại giao đa phương Việt Nam đã có bước tiến lớn với những sự kiện mang tính bước ngoặt. Đó là bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), được kết nạp vào Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ký hiệp định khung về kinh tế với Liên minh Châu Âu (EU), gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2008 – 2009, Chủ tịch ASEAN, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, làm chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ 2020 – 2021….Và dần dần Việt Nam nắm giữ những vị trí quan trọng trong Liên Hợp Quốc. Vị thế của Việt Nam bắt đầu thay đổi.

Liên Hợp Quốc: Nền tảng để ngoại giao đa phương Việt Nam cất cánh - ảnh 2

Tối 7/6/2019 (giờ Việt Nam), Chủ tịch Đại hội đồng LHQ đã công bố Việt Nam chính thức trở thành ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 - Ảnh: TTXVN

Ông Ngô Quang Xuân, Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc giai đoạn 1993-1999 đồng thời là người có nhiều năm gắn bó với ngoại giao đa phương Việt Nam, chia sẻ: "Chúng ta chuyển động, tự lập, tự lực để hoạt động trên cơ sở lợi ích của mình gắn kết với lợi ích của bạn bè quốc tế, để người ta thấy rằng Việt Nam là một đất nước, một thành viên có trách nhiệm trong Liên Hợp Quốc, một đối tác có thể nhìn thấy tiềm năng phát triển và tin cậy. Chúng ta đã vượt qua một giai đoạn như thế. Bây giờ, chúng ta đã rất vững vàng khi tham gia vào bất cứ một cơ chế lãnh đạo nào của Liên Hợp Quốc. Ngoại giao đa phương nói chung và vị trí của Việt Nam trong Liên Hợp Quốc đã thay đổi một cách rất rõ ràng, ngoạn mục".

Có thể khẳng định, trong 43 năm qua, tham gia Liên Hợp Quốc đã mang lại cho đất nước những thành tựu to lớn. Không chỉ tích cực hỗ trợ Việt Nam trong các hạng mục phát triển an sinh xã hội, tập trung thu hút nguồn lực cho sự nghiệp đổi mới, đổi mới chính sách phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác Việt Nam- Liên Hợp Quốc hỗ trợ tích cực Việt Nam trên con đường hội nhập.

Liên Hợp Quốc: Nền tảng để ngoại giao đa phương Việt Nam cất cánh - ảnh 3

Nữ quân nhân, thành viên Bệnh viện dã chiến 2.1 của Việt Nam với trẻ em Nam Sudan - Ảnh: Mỹ Hạnh

Theo Đại sứ Ngô Quang Xuân, quan hệ Việt Nam-Liên hợp quốc có thể coi là hình mẫu hợp tác điển hình thành công trên thế giới. "Có thể nói Liên Hợp Quốc hỗ trợ Việt Nam rất nhiều, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực. Liên hợp quốc đã chuẩn bị cho chúng ta những điều kiện bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, thương hiệu của Việt Nam được xây dựng trên những nền móng này. Trong hợp tác song phương giữa Việt Nam và các nước có lúc cao, lúc thấp, lên bổng, xuống trầm, tức là có những lúc khó khăn. Tuy nhiên, có thể nói hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc luôn đi lên và luôn mang màu sắc tích cực, khách quan và minh bạch" - Đại sứ cho biết.

Tầm mức mới, trọng tâm mới

Hiện nay, quan hệ Việt Nam – Liên Hợp Quốc hướng tới nâng cao chất lượng phát triển với việc ưu tiên 3 lĩnh vực trọng tâm là tăng trưởng bền vững, tăng cường tiếp cận các dịch vụ thiết yếu chất lượng cao, bảo trợ xã hội, và thúc đẩy quản trị công nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện hiệu quả các chiến lược phát triển. Trải qua 43 năm, quan hệ Việt Nam – Liên Hợp Quốc với những bước phát triển vượt bậc trên tất cả phương diện và trên nhiều cấp độ khác nhau, đã không ngừng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đem lại niềm tự hào cho dân tộc Việt Nam trong một tổ chức có quy mô lớn nhất hành tinh.

Trong bối cảnh các mối quan hệ quốc tế phức tạp hiện nay, cách hành xử giữa các nước lớn và các nước nhỏ đang chi phối trật tự quan hệ quốc tế, Việt Nam tiếp tục thể hiện năng lực và chủ động, tích cực cùng bạn bè quốc tế khơi dậy tinh thần đa phương và hợp tác quốc tế. Tầm mức mới của hợp tác đa phương đã khác trước rất nhiều. Việt Nam nhận thức rõ việc cần phải đảm nhận trọng trách lớn hơn, đóng góp nhiều sáng kiến, ý tưởng hơn, tham gia định hình cấu trúc, cơ chế, luật chơi mới…Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực, chủ động tại các diễn đàn đa phương trong đó có Liên hợp quốc, đấu tranh và bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc như nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ các nước, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, đồng thời và bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu