Việt Nam hai tiếng tự hào

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Người Việt Nam càng ở xa quê càng đau đáu nhớ về quê hương, đất nước. Mỗi khi cất lên tiếng Việt Nam ở xứ người là thấy thương, thấy tự hào và cồn cào nỗi nhớ.

Đất nước Việt Nam có dáng hình chữ S, nơi đó đã có biết bao bãi biển, tên núi, tên sông nổi danh trên bản đồ du lịch thế giới, đã làm mê hoặc du khách về vẻ đẹp tự nhiên. Đó là Vịnh Hạ Long với 1600 hòn đảo đá vôi lớn nhỏ, hai lần được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới, là Phố cổ Hội An lung linh đèn lồng, là quần thể di tích Cố đô Huế cổ kính, trầm mặc, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn kỳ vĩ, Hoàng thành Thăng Long dấu ấn của nghìn năm hay Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng - điểm đến du lịch hấp dẫn...

Việt Nam hai tiếng tự hào - ảnh 1Cộng đồng người Việt mừng Quốc khánh Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 
Nếu ai còn nhớ bài thơ “Em đi học” của nhà thơ Tố Hữu sẽ thấy lời thơ trong bài đã nói hộ phần nào vẻ đẹp của đất nước và tình yêu quê hương trong tim người Việt: “Học đi em/ Học đi mà nhớ mãi/ Quê hương ta một dải/ Từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái/ Quê hương ta đồng ruộng phì nhiêu, đủ bốn mùa hoa trái…”; “Học đi em, học đi mà nhớ mãi/ Đất ta liền một dải/ Như máu chảy trong người”. Nguyễn Kiều Ngân, sinh ra và lớn lên ở thành phố mang tên Bác, sau đó sang Malaysia sinh sống, cho biết cô đã nhiều lần kể say sưa với bạn bè quốc tế về các danh thắng Việt Nam: “Việt Nam rất thú vị. Mình đi từ Nam ra Bắc có rất nhiều cảnh đẹp không bao giờ bị trùng lặp, từ văn hóa ẩm thực cho tới giọng nói vùng miền. Tôi tâm sự với bạn bè rằng nếu điều kiện cho phép, hãy đến thăm Việt Nam, mỗi lần đến thăm một địa điểm khác nhau để tận hưởng sự khác biệt và sự giao thoa văn hóa ở các vùng miền này”.
Việt Nam hai tiếng tự hào - ảnh 2

Kiều Ngân và gia đình nhỏ của mình

Sống ba chục năm ở Việt Nam, yêu Việt Nam và thấm nhuần văn hóa Việt, khi sang Malaysia, Kiều Ngân luôn cố gắng dạy con cái những phong tục, tinh hoa văn hóa truyền thống đã được cha ông đúc kết từ nghìn đời. Đó là lễ phép với ông bà, cha mẹ, người trên; chăm chỉ, cần cù, sáng tạo trong học tập, lao động. Cao hơn nữa là tình yêu quê hương, Tổ quốc. Trong các bài học lịch sử, Kiều Ngân cũng chỉ cho con mình về sự đoàn kết, đùm bọc, “thương người như thể thương thân” của người Việt Nam. Việt Nam đó, một đất nước nhỏ bé, một dấu chấm khiêm nhường trên bản đồ thế giới nhưng đã đánh bại được hai cường quốc to và mạnh. Sự đoàn kết, kiên cường, bất khuất và thắng lợi của Việt Nam là tấm gương cho nhiều quốc gia khác học tập để giành độc lập cho dân tộc mình.

Là thế hệ trẻ lớn lên sau chiến tranh, qua sách vở, Trần Ngọc Minh Hiền, Phó Ban truyền thông của Hội Sinh viên Việt Nam tại Hungary, cũng cảm nhận những khốc liệt của chiến tranh đồng thời nhân lên niềm tự hào về thế hệ cha ông đã quyết tử bảo vệ Tổ quốc: “Khi nhắc tới cuộc chiến tranh mà Việt Nam đã từng trải qua, thực sự, là một người Việt Nam, chắc chắn rằng ai cũng cảm thấy tự hào khi mình là người Việt Nam. Bạn bè quốc tế đã biết Việt Nam tuy là một đất nước nhỏ bé nhưng có thể đánh bại được những cường quốc lớn nhất thế giới”.

Từ những hi sinh của thế hệ đi trước để đất nước có được hòa bình, độc lập, những thế hệ sau như Minh Hiền cũng đã có những cách thức riêng để xây dựng và cống hiến cho quê hương bản quán. Hiền cùng với thành viên Budapest Blend (một câu lạc bộ dành cho sinh viên quốc tế của trường Đại học Corivnus) thực hiện một số hoạt động giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam. Cụ thể là trưng bày gian hàng ẩm thực giới thiệu các món ăn Việt Nam. Hiền cũng tham gia nhiều hoạt động của cộng đồng, là một gương mặt dẫn chương trình thân thuộc của sinh viên Việt Nam tại Hungary.

Việt Nam hai tiếng tự hào - ảnh 3Chương trình Vietnam's got talent tại Hungary

“Hội Sinh viên Việt Nam tại Hungary có nhiều những hoạt động kết nối sinh viên. Ví dụ: những chương trình tìm kiếm tài năng hay chương trình thể thao, bóng đá, v.v. Chúng tôi còn có hoạt động thường niên là chào mừng tân sinh viên. Nhiều người trong hội chúng tôi sẵn sàng dành thời gian để ra tận sân bay đón các học sinh, sinh viên mới sang. Mọi người sẵn sàng chia sẻ, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Tôi cảm thấy thực sự rất tự hào và hãnh diện vì mình là người Việt Nam” - Minh Hiền tâm sự.

Việt Nam hai tiếng tự hào - ảnh 4Hội Sinh viên Việt Nam tại Hungary đón đoàn sinh viên Việt Nam mới sang. 

Trên đường hội nhập khu vực và quốc tế, Việt Nam đánh dấu những bước tiến quan trọng với tâm thế ngày càng tự tin, tích cực, chủ động, là một đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng các nước Đông Nam Á nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung. Với Alissa Phan Thị Hải Yến đang sinh sống tại Đài Loan (Trung Quốc), dòng máu Việt Nam luôn chảy trong tim và cô tự hào khi Việt Nam được xướng tên trên nghị trường quốc tế: “Điều mà Alissa tự hào nhất khi nghĩ về Việt Nam là tình cảm yêu thương và sự bình yên. Việt Nam có một chiều sâu văn hóa và có một truyền thống tốt đẹp. Việt Nam sẵn sàng ra tay giúp đỡ những người bạn trên thế giới khi họ gặp khó khăn”.

Việt Nam hai tiếng tự hào - ảnh 5

Alissa Phan Thị Hải Yến (áo đỏ bìa bìa phải) cùng các bạn chuẩn bị cho tiết mục biểu diễn trong sự kiện "Hội tụ doanh nhân Đài Loan".

Lòng tự hào dân tộc như một mạch nguồn trong mỗi con người Việt Nam. Từ trân trọng lịch sử, truyền thống Việt Nam, mỗi con dân Việt ý thức rõ trách nhiệm của mình với đất nước, với dân tộc. Từ đó, mỗi người đóng góp trí lực, vật lực cho công cuộc phát triển đất nước để xây dựng Việt Nam ngày một cường thịnh.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu