Tôi kể chuyện Trường Sa - Lan tỏa tình yêu biển đảo

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Chương trình “Tôi kể chuyện Trường Sa” mang đến cho cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc và bạn bè quốc tế cái nhìn chân thực về chủ quyền biển đảo của Việt Nam cũng như cuộc sống của quân và dân trên quần đảo Trường Sa.

Từ khi thành lập vào năm 2015 đến nay, Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hàn Quốc đã thực hiện nhiều chương trình hướng về biển đảo Tổ quốc. Đó là quyên góp ủng hộ cán bộ, chiến sĩ quần đảo Trường Sa, triển lãm ảnh và tư liệu về biển đảo Việt Nam… Chương trình “Tôi kể chuyện Trường Sa” cũng đã mang đến cho cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc và bạn bè quốc tế cái nhìn chân thực về chủ quyền biển đảo của Việt Nam cũng như cuộc sống của quân và dân trên quần đảo Trường Sa.

Tôi kể chuyện Trường Sa - Lan tỏa tình yêu biển đảo - ảnh 1                    Các khách mời tham gia chương trình "Tôi kể chuyện Trường Sa"

 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Chương trình “Tôi kể chuyện Trường Sa” đã được lên kế hoạch từ khá lâu. Và đến cuối năm 2017, Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hàn Quốc và Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc đã phối hợp thực hiện chương trình này trong khuôn khổ Ngày hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc lần thứ 13 với sự tham dự của trên 1000 sinh viên Việt Nam. Tham gia chương trình là ba khách mời đã từng đặt chân đến quần đảo Trường Sa. Đó là anh Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hàn Quốc; anh Phạm Hải Chiến, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc; chị Huỳnh Trâm, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Konkuk.

Tôi kể chuyện Trường Sa - Lan tỏa tình yêu biển đảo - ảnh 2Đoàn kiều bào Hàn Quốc lắp máy chuyển đổi không khí thành nước ngọt ở đảo Cô Lin trong chuyến thăm Trường Sa tháng 4 năm 2016. 

Mở đầu chương trình, các sinh viên đã được xem phóng sự về những hoạt động của các đại biểu đại diện cho người Việt ở Hàn Quốc trong chuyến thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 năm 2016, 2017. Đó là việc lắp ráp và trao tặng các thiết bị như pin năng lượng mặt trời hiệu năng cao, máy hút độ ẩm không khí tạo nước ngọt, máy phát điện mini cầm tay, giàn trồng rau công nghệ cao tặng cho các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. Để có được những món quà thiết thực như vậy là sự góp công, góp sức của nhiều tấm lòng thông qua Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hàn Quốc. Năm 2017 vừa qua, tổng trị giá các dự án mà Quỹ trao tặng cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa là 25.000 USD.

Tôi kể chuyện Trường Sa - Lan tỏa tình yêu biển đảo - ảnh 3Anh Nguyễn Trung Kiên lắp đặt giàn rau thủy canh tặng đảo Trường Sa Đông. 

Để minh chứng rõ hơn về chuyến đi Trường Sa, chị Huỳnh Trâm đã mang tới một clip với nhiều hình ảnh do chính tay chị chụp được để phác họa một góc nhìn về cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và người dân ở đây. Ấn tượng đầu tiên đối với chị là các khẩu hiệu được treo ở các đảo mà chị đến thăm: “Khi tôi đặt chân đến đảo Nam Yết, tôi nhìn thấy một khẩu hiệu là “Quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ”. Tôi rất ấn tượng vì tôi nghĩ khẩu hiệu đó để họ nhìn vào hàng ngày và tự nhắc nhở mình hàng ngày. Cho nên tôi tin tưởng rằng đất nước bờ cõi của mình đang được gìn giữ rất cẩn thận. Tôi thấy mình hoàn toàn yên tâm vì mục tiêu đầu tiên ở quần đảo này đó là bảo vệ được bờ cõi của mình”.

Tôi kể chuyện Trường Sa - Lan tỏa tình yêu biển đảo - ảnh 4Các đại biểu đại diện cho người Việt ở Hàn Quốc trong chuyến thăm đảo Trường Sa năm 2017 

Với anh Phạm Hải Chiến, hai lần ra thăm Trường Sa đã đem lại trong anh nhiều xúc cảm về những chiến sĩ với tuổi đời còn rất trẻ nhưng rất rắn rỏi, kiên trung, luôn chắc tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Anh Phạm Hải Chiến cho rằng khi đã thực sự yêu mến Trường Sa và biển đảo quê hương, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài có nhiều cách tiếp cận để góp sức xây dựng Trường Sa: “Mỗi sinh viên khi học tập ở nước ngoài, tiếng nói của các bạn cất lên, tình cảm của các bạn thể hiện hướng về quê hương, đất nước có tác dụng rất lớn so với khi các bạn học tập ở trong nước. Các bạn có cơ hội cất tiếng nói của mình, thể hiện lập trường chính nghĩa của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Các bạn có cơ hội thể hiện tình cảm của kiều bào ở nước ngoài đối với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Chúng ta có thể đóng góp bằng vật chất và tinh thần dù ít dù nhiều nhưng một khi chúng ta đã dành tình cảm cho Trường Sa, cho quê hương thì tất cả sự đóng góp của các bạn đều được trân quý”.

Tôi kể chuyện Trường Sa - Lan tỏa tình yêu biển đảo - ảnh 5Chị Nguyễn Lan Phương nhận giấy chứng nhận và biểu trưng Cột mốc chủ quyền, quà tặng của Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hàn Quốc trong việc đồng hành cùng các hoạt động hướng về Trường Sa của Quỹ. 

Cũng trong chương trình này, chị Nguyễn Lan Phương, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, người đã ba lần đồng hành cùng kiều bào đến Trường Sa, thay mặt cho tập thể lớp 12D2 Đống Đa khóa 1993-1996 trao 25 triệu đồng thông qua Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hàn Quốc mua máy phát điện mini để tặng cho Trường Sa vào năm 2018: “Khi nghe chương trình “Tôi kể chuyện Trường Sa” từ các nhân chứng sống, tôi vô cùng xúc động và nhớ đến những em nhỏ ở ngoài đảo xa, những chiến sĩ Trường Sa và biển đảo quê hương mình. Đối với chúng tôi, những người đã đến Trường Sa, tôi nghĩ rằng ai cũng giống nhau thôi đều có chung một tình cảm là chung lòng hướng về Trường Sa. Khi đi Trường Sa về, tôi luôn cố gắng làm điều gì đó hướng về Trường Sa, thông tin cho nhiều người biết về chủ quyền biển đảo của Việt Nam để mọi người hiểu hơn về biển đảo Tổ quốc”.

Anh Nguyễn Trung Kiên cho rằng trong năm 2018 này ngoài việc tiếp tục quyên góp ủng hộ tặng quà cho quân và dân trên quần đảo Trường Sa, Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hàn Quốc còn kêu gọi sự đóng góp về các ý tưởng, giải pháp hoặc các công trình khoa học để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: “Chúng tôi đang ấp ủ thành lập một nhóm nghiên cứu khoa học về chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Biển Đông. Nhóm nghiên cứu khoa học này sẽ đưa ra các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế, công bố với thế giới một cách khoa học và biện chứng rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Nếu chương trình này được thực hiện thì chắc chắn sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ có những đóng góp cho chương trình này. Tôi hi vọng có sự tham gia đông đảo của các bạn sinh viên”.

Anh Nguyễn Trung Kiên mong rằng chương trình “Tôi kể chuyện Trường Sa” sẽ được tổ chức nhiều hơn trên khắp đất nước Hàn để những người đã từng đặt chân đến quần đảo Trường Sa chia sẻ những câu chuyện với những góc nhìn khác nhau, cảm nhận khác nhau về Trường Sa từ đó cộng đồng người Việt ở nước ngoài sẽ có nhiều hành động hướng về Trường Sa hơn nữa.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu