Ngày 20/4, tại Hà Nội, Cục Xúc Tiến thương mại, Bộ Công Thương và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đồng tổ chức Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022. Tham dự diễn đàn có các chuyên gia quốc tế hàng đầu về thương hiệu sản phẩm - doanh nghiệp, lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước; lãnh đạo nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế…
Các đại biểu thực hiện Lễ khởi động Tuần lễ Thương hiệu quốc gia 2022 - Hưởng ứng ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4. Ảnh: Anh Sơn/baoquocte. |
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, qua gần 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực, thu hút sự quan tâm và tạo uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, nhấn mạnh, những thành tựu phát triển của đất nước ta trong những năm qua là kết quả của việc phát huy hiệu quả sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, trong đó có sự đóng góp và vai trò quan trọng của cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022. Ảnh: Anh Sơn/baoquocte |
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho rằng, doanh nhân kiều bào cũng đóng vai trò lớn trong thúc đẩy hội nhập quốc tế: “Cộng đồng doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài với kiến thức, kinh nghiệm ở sở tại, và tình yêu quê hương đã vượt qua nhiều thách thức để đưa hàng hóa từ Việt Nam đến các nước sở tại. Các cơ sở phân phối, quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài của kiều bào tuy quy mô còn hạn chế nhưng đã phủ sóng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần quảng bá sản phẩm Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Trong đó, một số trung tâm thương mại, chợ Việt Nam có quy mô lớn và còn nhiều dư địa để hợp tác với trong nước”.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Anh Sơn/baoquocte. |
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận như: Thương hiệu quốc gia trong mối tương quan với thương hiệu sản phẩm/thương hiệu doanh nghiệp; Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng thương hiệu quốc gia thành công; Định vị và nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập. Trong đó, tọa đàm “Thương hiệu quốc gia Việt Nam – Nâng tầm vị thế, chắp cánh bay xa” đặt ra vấn đề làm thế nào để xây dựng và tăng độ phủ sóng cho thương hiệu Việt Nam, nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp sản phẩm của Việt Nam nói riêng trong nước cũng như khu vực và trên trường quốc tế. Ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu cho biết: “Để góp phần đưa thương hiệu của Việt Nam vào thị trường khó tính thị trường châu Âu, tôi thấy chúng ta có thể đem hàng hóa để quảng bá thương hiệu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam thông qua hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp người Việt ở khu vực các nước châu Âu. Chúng ta cũng có thể đem hàng hóa thương hiệu của Việt Nam vào các hệ thống trung tâm thương mại của người Việt ở các nước châu Âu”.
Ảnh: Anh Sơn/baoquocte |
Trong giai đoạn tới, việc xây dựng thương hiệu quốc gia nói chung cũng như thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm Việt nói riêng đóng vai trò quan trọng nhằm gia tăng sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam là hoạt động thường niên quan trọng được tổ chức nhằm tăng cường nhận biết trong đại chúng và cộng đồng doanh nghiệp về Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia. Mục tiêu của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.