Tết Canh Tý 2020 này là cái Tết đầu tiên gia đình anh chị Nguyễn Thị Minh Hạnh - Vladimir Kolotov sum họp trong ngôi nhà gỗ ở ngoại ô thành phố Saint Peterburg (Nga). Cách đây 3 tháng, anh chị đã mua ngôi nhà kiểu truyền thống Nga này để dành cho những ngày cuối tuần hoặc lễ tết.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nhiệt độ ngoài trời dưới 0 độ C nhưng những cơn gió lạnh buốt không thể len vào ngôi nhà đầy ắp âm nhạc và tiếng cười. Thật may mắn, Tết Nguyên đán của Việt Nam năm nay lại trùng vào dịp nghỉ cuối tuần ở Nga nên cả gia đình chị Hạnh lại được đón những ngày Tết xa xứ trọn vẹn bên nhau.
|
Gia đình chị Minh Hạnh - anh Kolotov và 2 con gái |
Chị Hạnh sang Nga đến nay thấm thoắt đã 24 năm. Chị bảo mình thật may mắn khi có chồng là một người Nga rất yêu Việt Nam. Hơn 20 năm trước, anh Kolotov sang Việt Nam học tiếng Việt và nghiên cứu tại TP Hồ Chí Minh. Chính tình yêu Việt Nam đã giúp anh gặp chị - khi ấy là cô sinh viên tiếng Nga gốc Hà Nội trẻ trung, sôi nổi rồi hai người nên duyên vợ chồng. Sau đó, chị theo anh sang Nga và hai vợ chồng cùng giảng dạy tại Khoa Lịch sử các nước Viễn Đông của Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg.
Anh Vladimir Kolotov là Giáo sư – Tiến sĩ khoa học, là một nhà Việt Nam học có uy tín, rất yêu quý, gắn bó với Việt Nam và tích cực tham gia các hoạt động hữu nghị với Việt Nam, vì Việt Nam. Anh còn là một trong những người chủ chốt lập Viện Hồ Chí Minh đầu tiên ngoài lãnh thổ Việt Nam vào năm 2010 tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg. Anh hiện là Chủ nhiệm Khoa Lịch sử các nước Viễn Đông, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh (ĐH Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg).
Là một học giả nổi tiếng, anh Kolotov rất bận rộn với công việc, nhưng anh luôn cố gắng thu xếp thời gian cùng vợ tham gia các sự kiện của cộng đồng người Việt, đặc biệt là mỗi dịp Tết nguyên đán của Việt Nam.
“Mỗi năm, tôi được đón Tết Việt 3 lần: Đón giao thừa theo giờ Việt Nam, đón giao thừa theo giờ Nga, rồi đón Tết cùng với cộng đồng người Việt bên này. Tết Việt rất vui và mang đến cho tôi rất nhiều kỷ niệm. Mỗi ngày Tết, trên bàn sẽ có nhiều món ăn Việt hơn, nhất định phải có nem, bánh chưng…Gia đình sẽ chúc nhau những điều tốt đẹp, như người Việt Nam vẫn thường nói, năm mới “gặp lành, tránh dữ”, anh Kolotov chia sẻ.
Đón Tết Việt nơi xứ người, nơi đây không có mai vàng, đào thắm, không có thược dược, lay ơn, nhưng hương vị Tết Việt vẫn ngập tràn ngôi nhà nhỏ. Những hộp mứt được chuyển từ Việt Nam sang nhiều ngày trước, những món ăn truyền thống vẫn đủ đầy nhờ sự đảm đang của người phụ nữ gốc Hà Nội cùng sự phụ giúp của chồng và 2 cô con gái.
“Ngày Tết, tôi thường đặt mua giò, bánh chưng, nấu các món như canh măng, làm nem, xào su hào với bóng. Gia đình tôi rất thích món bóng và tôi thường đặt bóng ở Hà Nội chuyển sang. Chúng tôi ăn tối vào lúc 20h, là thời khắc giao thừa ở Việt Nam. Sau đó sẽ gọi điện về chúc Tết cha mẹ tôi ở Việt Nam và các em tôi ở Đức. Bây giờ công nghệ phát triển, gọi video qua viber hoặc facebook thì cả 3 nơi đều nhìn thấy nhau”, chị Minh Hạnh kể.
Những món ăn ngày Tết giờ đây không còn là “bí mật độc quyền” của chị Minh Hạnh nữa. Hai cô con gái của chị Hạnh đều nói tiếng Việt rất tốt và đặc biệt là rất “chịu khó” tìm hiểu ẩm thực truyền thống của quê mẹ Việt Nam. Mỗi khi chị Minh Hạnh vào bếp, con gái lớn của chị - Nadya Kolotova (tên tiếng Việt là Nguyễn Hồng Anh), luôn bên cạnh để “học hỏi”. Đến giờ, Nadya cũng đã biết nấu phở, nấu canh măng, làm bún chả, ném rán, bánh trôi…và nhiều món ăn Việt khác.
|
Ngôi nhà gỗ truyền thống của gia đình chị Minh Hạnh ở ngoại ô thành phố Saint Petersburg |
Tết là dịp để đoàn viên, để con người được gần gũi nhau hơn. Với những người đi xa, Tết còn là nỗi nhớ thẳm sâu mà cồn cào, da diết. Như chị Minh Hạnh, trong những giờ phút đầm ấm cùng gia đình đón Tết Việt ở quê chồng thì câu chuyện về Tết xưa vẫn luôn hiện diện như một phần ký ức đẹp đẽ nhất chị muốn chia sẻ với những người thân yêu của mình.
“Tôi sinh ra tại Hà Nội và gắn bó với Hà Nội đến năm 10 tuổi. Tôi đã cảm nhận được cái tết truyền thống của miền Bắc như thế nào. Sau đó tôi chuyển vào TP.HCM cùng gia đình, tôi lại hiểu được nét văn hóa Tết của miền Nam ra sao. Bây giờ mỗi khi đón Tết Việt trên đất Nga – cũng là vào mùa đông lạnh như Hà Nội, tôi lại nhớ và kể cho các con nghe những kỷ niệm ấu thơ ở Hà Nội như là được mẹ đưa đi chợ hoa rồi cùng ông bà rửa lá dong để gói bánh chưng...Những ngày Tết ở Hà Nội là phần ký ức sâu đậm nhất trong tôi...”.
Tự nhận mình là người Việt Nam nhất trong gia đình nhưng đón Tết cổ truyền của dân tộc mình ở xa xứ, chị Minh Hạnh không bao giờ cảm thấy cô đơn. “Khi mới sang tôi rất buồn, nhưng rồi khi có gia đình riêng, có con, tôi bắt đầu dạy cho các con những phong tục tập quán của người Việt. Rồi chồng tôi – anh là một nhà Việt Nam học nên anh cũng hiểu, hưởng ứng và giúp tôi chuẩn bị đón Tết Việt. Ngay cả bố chồng tôi cũng rất thích và chờ đợi, ông thường hỏi khi nào sẽ bắt đầu giao thừa, giờ này ông bà thông gia ở Việt Nam đang làm gì nhỉ…Tôi rất vui và hạnh phúc vì mọi người cũng thích Tết Việt như mình”.
Cứ như thế, Tết Việt hiện diện ở đó, trong ngôi nhà gỗ nhỏ truyền thống Nga - ấm áp và hạnh phúc giữa mùa đông xứ tuyết…