Thời gian gần đây, những nhà hàng ẩm thực Việt Nam mọc lên rất nhiều ở Mát-xcơ-va, LB Nga. Theo thống kê không chính thức, tại thủ đô của xứ sở bạch dương hiện có tới hơn 500 quán ăn Việt, do chính người Việt làm chủ. Đó là chưa kể hàng trăm quán Việt khác, nhưng chủ quán là người Nga hoặc người nước ngoài. Món ăn Việt, vì thế đã trở nên quen thuộc với đông đảo người dân Nga cũng như du khách khi có dịp tới Nga.
Nhà hàng "Việt Nem" ơ Trung tâm thương mại Hà Nội - Moscow
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đó là một buổi chiều đông, khi Mat-xcơ-va tuyết rơi trắng trời. Những bước chân vội vã trên đại lộ Novinskiy dừng lại trước một cái tên Việt Nam – Sông Lam. Và chỉ cần đi qua cánh cửa, ở trong kia đã là một thế giới khác, ấm áp, gần gũi và thân thuộc, dù rằng lần đầu tiên chúng tôi tới đây.
Chủ nhà hàng – ông Nguyễn Viết Sơn và bà Nguyễn Thị Minh Thu đón chúng tôi với sự vui vẻ và nồng ấm, trong căn phòng được bày trí với những bức tranh phong cảnh Việt Nam, những bình hoa sen, hoa cúc, và trên ti vi đang mở một MV ca nhạc với những khúc hát quê hương… Được biết, Sông Lam từng là cái tên rất nổi tiếng tại Mat-xcơ-va. Cho đến năm 2010, sau tai nạn hỏa hoạn, những người chủ nhà hàng vẫn quyết tâm làm lại và đã chuyển địa chỉ tới đại lộ này.
Biển hiệu nhà hàng Sông Lam trên đại lộ Novynsky
|
“Từ lúc mở cho đến khi bị cháy, nhà hàng chúng tôi rất đông khách. Vào những ngày cuối tuần nếu khách không đặt trước thì sẽ không có chỗ. Vì thế, sau này, chúng tôi kinh doanh rất khó khăn vì tiền thuê nhà quá cao, lượng khách càng giảm so với trước 2010 khi mà thu nhập của người dân Nga còn chưa bị khủng hoảng…”, bà Minh Thu cho biết.
Tuy lượng khách hiện không còn được như thời đỉnh cao nhưng hiện nay, Sông Lam vẫn là nhà hàng được nhiều người Nga và người Việt yêu thích, thường xuyên lui tới. Tâm huyết với nghề, ông Sơn - bà Thu vẫn luôn chăm chút cho từng món ăn, từng góc nhỏ không gian trong nhà hàng sao cho thực khách khi đến Sông Lam sẽ cảm nhận như đang ở Việt Nam vậy.
Bà Minh Thu - chủ nhà hàng Sông Lam
|
“Chúng tôi luôn trăn trở tìm cách thay đổi để có thể phù hợp với xu hướng và nhu cầu của khách. Nhà hàng chúng tôi chuyên làm món ăn thuần Việt, với những món ăn truyền thống đòi hỏi sự tinh thế, phức tạp, khác hẳn với các quán ăn nhanh, đơn giản. Tuy nhiên, dường như mô hình của chúng tôi trong thời điểm hiện tại lại không bằng các quán ăn nhanh. Họ thường đưa vào các trung tâm thương mại lớn phục vụ đại chúng. Tôi cảm nhận họ đang đi đúng hướng vì họ bán được số lượng nhiều”, bà Minh Thu tâm sự.
Đúng như chia sẻ của bà Thu, với những thay đổi về đời sống kinh tế - xã hội của người dân Nga, những nhà hàng lớn ngày một ít đi, thay thế vào đó là những quán ăn nhỏ được mở ngày càng nhiều tại các khu chợ, khu “ốp” có đông người Việt. Cách bày biện, trang trí tại những nơi này không cần cầu kỳ, món ăn đơn giản, giá cả phải chăng đáp ứng được nhu cầu của số đông. Người kinh doanh cũng không phải bỏ vốn quá lớn vì giá thực phẩm, nhất là đồ khô, tiền thuê gian hàng không đắt. Điển hình là các quán ăn Việt ở Trung tâm thương mại thuộc Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Moscow.
Chị Lê Phương Hạnh - chủ của 2 quán ăn Việt Nam ở Trung tâm thương mại (thuộc Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Moscow)
|
Chị Lê Phương Hạnh, 44 tuổi, quê gốc Nam Định, sang Nga từ năm 1992 hiện là chủ của chuỗi 4 quán ăn ở Moscow, trong đó có 2 quán ở Trung tâm thương mại (thuộc Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Moscow). Trước đây, chị Hạnh buôn bán vải may mặc sau thấy nhiều người Nga thích món ăn Việt Nam nên chị chuyển hướng sang kinh doanh ăn uống. Món ăn chị chọn chính là phở Nam Định – “đặc sản” quê chị và nem - cũng là 2 món ăn Việt được người Nga yêu thích nhất. Bát phở với những sợi bánh mềm, trắng tinh cùng những lát thịt bò thái mỏng thơm lừng hương vị của nước dùng với hồi, quế, hành lá, mùi, chanh, ớt, tỏi…đã chinh phục được cả những thực khách khó tính nhất.
Món nem ở nhà hàng Sông Lam
|
“Những người Nga từng sang Việt Nam du lịch đã được ăn nhiều món ăn Việt trong những chuyến đi đó nên khi trở về họ lại tìm đến các quán ăn Việt Nam. Món ăn Việt Nam vốn ít mỡ, ít béo. Mùa đông ở Nga rất lạnh, thực khách đến quán chúng tôi, được ăn bát phở nóng nghi ngút khói thì họ rất thích. Tất nhiên, để thu hút khách thì điều quan trọng là mình phải làm ngon. Các món ăn của Việt Nam rất đa dạng, mỗi vùng miền lại có những món khác nhau nhưng khi sang bên này chúng tôi phải chế theo khẩu vị của người Nga. Tuy nhiên, riêng phở và nem thì giữ nguyên 100%…”, chị Hạnh cho biết.Phở, nem và bún chả là những món ăn đặc trưng Việt Nam hiện được nhiều chủ quán ăn, nhà hàng ở Moscow nói chung và ở Trung tâm thương mại (Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Moscow) lựa chọn làm món chính để kinh doanh. Ngoài ra, ở đây còn có cả những nhà hàng đặc trưng vùng miền của Việt Nam như nhà hàng Nét Huế.
Anh Quốc (bìa trái) - chủ nhà hàng Nét Huế
|
Anh Nguyễn Phú Quốc, chủ nhà hàng Nét Huế cho biết: “Trong khoảng 2 năm trở lại đây, nhà hàng, quán ăn Việt Nam phát triển nhiều ở Moscow. Trong rất nhiều nhà hàng hiện có, chúng tôi cố gắng có những món ăn đặc biệt để thu hút khách. Ví dụ như nhà hàng chúng tôi có bánh bèo, bánh bột lọc, bún bò Huế…Chúng tôi có ý thức quảng bá cả ẩm thực và du lịch Huế nên cố gắng đưa những nguyên vật liệu chế biến từ Việt Nam sang, kể cả cách bài trí cũng mang đậm chất Huế. Chúng tôi muốn người dân Nga biết về Huế, đồng thời cũng để cộng đồng người Việt có thể tìm gặp hình ảnh và hương vị quê nhà ở đây”.
Thực khách Nga đến với Nét Huế
|
Những chia sẻ của anh Quốc cũng là điều mà nhiều chủ nhà hàng, quán ăn Việt Nam ở Nga nói chung, ở Moscow nói riêng chú trọng. Kinh doanh ăn uống, hơn ai hết các chủ quán hiểu rõ tầm quan trọng của việc giữ chân thực khách. Bởi thế các chủ quán, nhà hàng của người Việt Nam tại Nga luôn chăm chút từ chất lượng món ăn cho đến hình thức bài trí không gian quán ăn, nhà hàng...nhằm quảng bá rộng rãi thương hiệu ẩm thực Việt cũng như nỗ lực gìn giữ đúng hồn cốt, hương vị món ăn Việt Nam trên đất khách.
Ẩm thực Việt Nam đã và đang ngày càng trở nên quen thuộc với người dân Nga trong chiều dài lịch sử mối quan hệ bang giao giữa 2 đất nước, 2 dân tộc. Tuy nhiên, việc nở rộ các quán ăn, nhà hàng ẩm thực Việt Nam ở Moscow và nhiều thành phố khác của nước Nga cũng gây ra một số băn khoăn với những người lâu năm trong nghề.
Ông Nguyễn Viết Sơn, chủ nhà hàng Sông Lam trăn trở: “Tôi nghĩ sở thích ăn uống của người Nga có thể chỉ nhất thời thôi. Lượng thực khách Nga còn khá thất thường vì phải phụ thuộc vào thu nhập, vào kinh tế của họ. Nhiều người Việt mình đang không có công ăn, việc làm nên kinh doanh ăn uống, vì thế, tôi nghĩ cần phải có một tổ chức đứng ra có sự bàn bạc, hướng dẫn để việc kinh doanh của kiều bào ta ở đây có thể phát triển lâu dài và bền vững hơn…”.
Mong sao, những nhà hàng Việt sẽ luôn giữ được vị trí top đầu trong danh sách lựa chọn của những thực khách nước sở tại. Có như thế, những người Việt xa quê cũng có được những chốn dừng chân, thêm ấm lòng ở nơi xa xứ.