Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cộng đồng người Việt nam tại đảo Síp, theo những số liệu không chính thức, có khoảng 10 ngàn người. Síp là quốc đảo có những trường đại học nổi tiếng top đầu Châu Âu, nên cũng có những sinh viên sang du học,có những trí thức, doanh nhân Việt đang bước đầu khởi nghiệp, định cư và cả cô dâu Việt. Song phần đông người Việt tại CH Síp sang làm việc theo diện xuất khẩu lao động, từ làm công nhân, tới giúp việc nhà vv…
Buổi tổ chức Tết gia đình ở nhà chị Đỗ Thị Tươi, phó chủ tịch Ban liên lạc Cộng đồng Việt Nam tại Síp. |
Nhóm phóng viên chúng tôi đã cùng Ban liên lạc của cộng đồng đi tới gặp những người Việt định cư hay đang làm ăn sinh sống từ Limassol tới Nicosia qua Larnaca.
Ở đâu cũng vậy, cứ nghe có Ban liên lạc và người trong nước sang, là các anh chị em không quản thời gian, xin nghỉ cả công việc để gặp gỡ, để đón tiếp, kể cả tổ chức tụ họp cơm nước vất vả hay chỉ kịp tới nơi để nắm tay trò chuyện chưa đầy mấy chục phút đồng hồ với người sang từ BÊN NHÀ, như lâu rồi mới được gặp lại những đứa em thân thiết. Câu chuyện vội vàng, mà nhiều chị cứ miệng cười, mắt loáng nước vì nhớ quê.
Các chị ở Larnaca xin nghỉ cả giờ làm để gặp người Việt "cho đỡ nhớ" khi nghe tin Chủ tịch Ban liên lạc cộng đồng Nguyễn Đức Mạnh đưa đoàn phóng viên VOV từ BÊN NHÀ sang thăm. |
Giải thích lý do tại sao ở Síp, lương không cao như nhiều nước khác, nhưng sẫn lựa chọn nơi này là điểm đến, nhiều lao động có chung ý kiến như một người đã thành quen với chúng ta - là chị Tuyến “bánh cuốn” ở chợ Việt Nam tại Limassol, là vì được đối xử công bằng, được nhìn nhận đúng giá trị: “Công việc giữa các nước thì nói chung là đi nước này dễ sống nhất. Chị đã đi Đài Loan, Singapore rồi, nhưng ở đây dễ nhất cho nên chị mới ở được 11 năm. Nói chung dân ở đây thoải mái, tốt, mà dân cũng dễ mà.”
Đỗ Minh Trang trong ngày Tết cộng đồng của người Việt tại Síp - Ảnh: Fb cộng đồng |
Những người trẻ như cô gái Đỗ Minh Trang, sang Síp làm lao động rồi làm việc ở trường mẫu giáo, càng dễ thích nghi hơn với cuộc sống nơi này: “Sống ở Síp thì Trang cảm thấy thoải mái và bình đẳng, mọi thứ tốt hơn. Nói chung Trang cũng thích tham gia hoạt động cộng đồng, giao lưu với mọi người, học hỏi kinh nghiệm. Và trong tương lai thì mình cũng muốn tạo lập một sự nghiệp riêng cho bản thân mình nữa.”
Chị Nguyễn Thị Huyền. |
Chị Lê Thị Thúy, chị Nguyễn Thị Huyền, những lao động đều có thâm niên ở Limassol cho rằng, để làm được việc ở bất cứ nơi đâu, điều quan trọng nhất là phải nhẫn nại, chịu khó học hỏi: “Tiếng mình không biết thì mình cứ nghe nhạc đoán chương trình thôi. Cũng như mình ngày đầu mới sang, người ta bảo mình lấy cốc nước mình cũng không biết, nhưng khi người ta ra ký hiệu đổ nước vào mồm thì mình đoán à đấy là người ta lấy cốc nước. Từ đó trở đi mình nhớ cái đấy là cái gì.”
“Sang đây tiếng hơi bị bất đồng, vì mình học tiếng Anh mà sang đây phải nói tiếng Hy Lạp. Vì người lớn tuổi với người nhỏ tuổi không nói tiếng Anh, rất vất vả. Quen được người Việt Nam thì cứ ghi chữ, để học tiếng. Mình cũng cố gắng, nhưng nói chung cũng áp lực lắm, nhớ nhà lắm, buồn lắm, khóc suốt, muốn về lắm. nhưng cứ cố gắng. Rồi một năm, hai năm sau thì cũng quen.” – Chị Thúy, chị Huyền bảo.
Đằng sau những bữa tiệc chung vui, là những người chị vừa là khách mời vừa tự xắn tay vào bếp như thế này - Ảnh: Hoàng Thuyên |
Và xuất phát từ những nhu cầu tự thân, các anh chị em trong cộng đồng đã gắn kết nhau qua các hoạt động văn hóa, những hoạt động tương thân tương ái. Chị Phạm Hương Giang, phó chủ tịch Ban liên lạc cộng đồng nhớ lại những ngày đầu tiên người Việt đến Síp: “Đầu tiên cũng có phần khá khó khăn, cho nên các chị em bên này, Giang, Tươi, Mạnh, chị Hương kakao, (Mạnh là sinh viên), khi đấy lập nên một nhóm cộng đồng, ngày xưa chỉ là nhóm thôi, bắt đầu tổ chức các sự kiện văn hóa cho người Việt. Dần dần cũng có những sự trăn trở, là mình sống ở bên này, lập gia đình bên này, con cái sau này còn tương lai nữa, nên mình đi xa hơn, chính quyền bên này người ta thừa nhận, một là con người hòa đồng, thân thiện, hai là có sự cộng tác rất cao, ba là tổ chức rất có quy mô, so với các cộng đồng khác, thì Việt Nam mình biết cách tổ chức.”
Hòa chung giọng ca trong ngày Tết cộng đồng - Ảnh: George Christophi |
Thủ phủ có nhiều người Việt nhất, là thành phố biển Limassol, trung tâm kinh tế văn hóa của quốc đảo Síp. Và tại thủ đô Nicosia ở phần trung tâm của đảo, cũng như thành phố di tích nổi tiếng Paphos hay thành phố biển Larnaca có sân bay quốc tế, là những nơi có nhiều người Việt và hoạt động cộng đồng vì thế cũng mạnh. Chị Đỗ Thị Tươi, phó chủ tịch cộng đồng kể lại: “Bên cộng đồng thì có những nhóm múa, như ở mỗi thành phố thì có một nhóm ở Nicosia, ở Limassol, ở Paphos….Khi bên thành phố, hay Ủy ban họ mời giao lưu, Việt Nam mình cũng tham gia”
Bữa trưa vừa tụ họp cộng đồng vừa mời khách Síp để giới thiệu ẩm thực Việt Nam tại nhà chị Thu Hoàn, do các chị em ở Nicosia trổ tài nấu nướng. - Ảnh: Hoàng Thuyên |
Chị Hương kakao, người được các anh chị trong Ban liên lạc cộng đồng giới thiệu, như một “thủ lĩnh” của các phong trào văn hóa văn nghệ cộng đồng tại Nicosia, chia sẻ, khi mới sang, chị cũng làm nghề giúp việc nhà. Và là người yêu văn nghệ, nên chị cũng mong muốn được kết nối với các chị em khác: “Trước hết cho bản thân mình, cho chị em, vì chị em chỉ có ngày chủ nhật ra ngoài thôi, còn hầu như chị em làm giúp việc là ở nhà hết. Chị cũng đứng ra tổ chức văn nghệ từ năm 2011, thì cũng hoạt động về những ngày lễ như 8/3, ngày 2/9, rồi Tết cổ truyền cũng đứng ra tổ chức. Dần dần khi nước bạn biết thì họ cũng mời mình tham gia Lễ hội hóa trang, bên thị trường hay công an cũng tổ chức văn nghệ Rainbow cho tất cả các nước, thì mình mang những màu sắc của mình, áo dài Việt Nam, ẩm thực….”
Và có cộng đồng, các anh chị em cũng có một điểm tựa đoàn kết trong những lúc khó khăn. Chị Trần Thị Chuyên, làm giúp việc nhà ở Limassol, lý giải lý do tại sao khi có kêu gọi mọi người dù ít dù nhiều đều gắng sức giúp đỡ: “Khi cộng đồng có những trường hợp khó khăn ở bên này thì cũng kêu gọi, quyên góp để hỗ trợ, dù một ngày công thôi người ta cũng sẵn sàng bỏ ra để giúp đỡ. Vì cộng đồng, mình ở xa quê, họ cũng xa quê, không có người thân bên cạnh khổ lắm chứ. Những lúc ốm đau khổ lắm, tủi thân lắm. Mình còn khỏe, còn làm được, thế tại sao mình không giúp đỡ?”
Chủ tịch Ban liên lạc cộng đồng Nguyễn Đức Mạnh cùng các vị khách mời người Síp trong buổi tổ chức Tết cộng đồng |
Ông Nguyễn Đức Mạnh, Chủ tịch cộng đồng người Việt ở Síp khẳng định: “Tôi nghĩ người ta có niềm tin vào con người, cũng như nhìn thấy công việc làm của người Việt mình rất chăm chỉ. Tôi có thể khẳng định, người Việt mình đi đến đâu trên đảo Síp này, người ta sẽ nói một câu: Các bạn là những con người rất chăm chỉ. Chúng ta có thể yếu về mặt ngôn ngữ, đấy là sự thật, nhưng rất chịu khó học hỏi, Việt Nam mình gọi là không giấu dốt, nếu không hiểu thì bảo anh chỉ cho tôi, tôi sẽ sẽ cố gắng làm đúng theo yêu cầu. Cần cù, chịu khó, ham học hỏi, không giấu dốt, là những đặc tính cực kỳ quý có ở con người Việt Nam mình.”
Ông Nenad Bogdanovic, Giám đốc điều hành Hội đa văn hóa Limassol, Cộng hòa Síp trong buổi trả lời phỏng vấn Kênh Truyền hình Du lịch của VOV. |
Có lẽ bởi thế, mà tuy không tránh khỏi những “con sâu làm rầu nồi canh”, đa số lực lượng lao động xuất khẩu người Việt ở Síp để lại ấn tượng tốt đẹp cho người dân bản địa. Ông Nenad Bogdanovic, Giám đốc điều hành Hội đa văn hóa Limassol, Cộng hòa Síp cho biết: “Hội đồng đa văn hoá của thành phố được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của cộng đồng người Việt. Tôi rất vui khi nói rằng họ tham gia đầy đủ vào các cuộc họp của chúng tôi và ngược lại chúng tôi cũng tham gia vào tất cả các cuộc gặp gỡ họ tổ chức. Điều quan trọng cần nói về cộng đồng này là tuy điểm xuất phát họ sang đây để lao động nhưng nhiều người trong số họ đã mở được cửa hàng. Nhờ họ mà giờ đây chúng tôi hiểu hơn về văn hoá, về ẩm thực Việt Nam, đó chính là một quá trình làm các dân tộc xích lại gần nhau. Ở đảo Síp này, người Việt nổi tiếng là những người ôn hoà, không bao giờ gây chuyện. Chúng tôi đánh giá cao nền văn hoá hoà bình họ mang lại cho cư dân đảo và hạnh phúc vì có họ trong số các cư dân nơi đây. Người Việt còn rất chăm chỉ, không ngại khó ngại khổ. Hai nét tính cách đó, ôn hoà và chăm chỉ, cũng là điểm chung giữa hai dân tộc chúng ta. Chúng tôi rất vui khi cộng đồng người Việt đông đảo ở đây đang phát huy văn hoá của họ một cách tốt nhất.”
Lãnh đạo Bộ Lao động thương binh và xã hội vừa cho biết, số tiền mà gần 143 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về trong năm 2018, lên tới 3 tỷ đô la Mỹ.
Một con số mà, ý nghĩa đằng sau nó không hẳn chỉ là sự tăng trưởng về kinh tế, mà còn nói lên nhiều điều về mồ hôi nước mắt nơi xa xứ của những người lao động chân chính. Bởi như chính nhà viết kịch vĩ đại của Hy Lạp cổ đại Sophocles đã nói: Không có lao động, không có sự thịnh vượng.